Phát hiện vi phạm của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cần kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo T.Ư

PVCT Thứ sáu, ngày 03/06/2022 15:56 PM (GMT+7)
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh khi phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định, đồng thời báo cáo thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ và Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Bình luận 0

Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể

Ngày 3/6, tin từ Văn phòng Trung ương Đảng, thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 67 -QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Phát hiện vi phạm của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cần kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo T.Ư - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp ngày 27/4. Ảnh TTXVN

Về nguyên tắc làm việc, Quy định nêu rõ: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ; đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. 

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.

Về quyền hạn, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền của địa phương báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.

Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh.

Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Phát hiện vi phạm của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cần kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo T.Ư - Ảnh 3.

Tại Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2022), Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh VGP

Trong trường hợp cần thiết quyết định thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

Kiến nghị với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý ngay

Ban Chỉ đạo được yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, cấp uỷ các cấp quản lý thì kịp thời báo cáo cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp uỷ quản lý cán bộ đó để chỉ đạo xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ, uỷ ban kiểm tra thuộc cấp uỷ quản lý cán bộ đó để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. 

Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định, đồng thời báo cáo thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ và Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có thẩm quyền làm việc trực tiếp làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; khi cần thiết, được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan của địa phương để phục vụ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Ngoài ra Quy định còn quy định nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban, của Phó Trưởng Ban; Nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan Thường trực; Tổ chức bộ máy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem