Phát triển ngành cà phê Tây Nguyên: Vai trò kết nối của khuyến nông cộng đồng

Thùy Linh Thứ năm, ngày 29/12/2022 09:23 AM (GMT+7)
Khuyến nông các tỉnh cần nghiên cứu, vận dụng, xây dựng những nguyên tắc hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) dựa trên nguyên tắc chung và thực tiễn của địa phương, bám sát nhu cầu sản xuất và yêu cầu của doanh nghiệp để năng động, sáng tạo, đồng hành cùng nông dân.
Bình luận 0

Tổ khuyến nông cộng đồng đã vượt ra khỏi phạm vi đề án

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diện tích cà phê năm 2021 của cả nước đạt 710.000ha, năng suất đạt hơn 28 tạ/ha. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91% về diện tích và 93% về sản lượng cà phê cả nước. Hai tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất hiện nay là Đăk Lăk và Lâm Đồng.

Mặc dù diện tích lớn, năng suất cao, tuy nhiên mối liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong cơ chế thị trường.

Phát triển ngành cà phê Tây Nguyên: Khuyến nông cộng đồng kết  nối quan trọng - Ảnh 1.

Các thành viên tổ KNCĐ các tỉnh Tây Nguyên thăm vườn cà phê hữu cơ của Công ty Vĩnh Hiệp ở xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Ảnh: P.T.L

Tại các tỉnh Tây Nguyên, đã thành lập thí điểm 8 tổ khuyến nông cộng đồng với 42 thành viên. Sau hơn 9 tháng thực hiện thí điểm, KNCĐ đã nâng cao hiệu quả khuyến nông cơ sở, cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy, đa dạng nhiệm vụ, phù hợp với thay đổi của thế giới, hướng tới khuyến nông theo nhu cầu và dịch vụ.

Giai đoạn 2022-2025, Bộ NNPTNT triển khai "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", trong đó các tỉnh Tây Nguyên được chọn để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê. 

Ngoài ra, xác định công tác khuyến nông cần phải kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng và triển khai Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu.

Đăk Nông là 1 trong 13 tỉnh được Bộ NNPTNT hỗ trợ thực hiện thí điểm đề án tổ KNCĐ. Cụ thể, Đăk Nông đã thành lập được 2 tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Nam Bình, huyện Đăk Song và xã Đăk Rmoan, TP.Gia Nghĩa.

Hiện nay tại một số địa phương trong tỉnh cũng thành lập các tổ KNCĐ để phục vụ mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng nông sản và thu nhập cho người dân.

"Tổ KNCĐ đã tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp điển hình. Việc này góp phần tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu; tham gia liên kết chuỗi giá trị, thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn; thực hiện sơ chế, đóng gói, bao tiêu hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên các HTX và nông dân, đồng thời thông tin định hướng thị trường sản phẩm nông sản" - lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông cho hay.

Phát biểu tại Diễn đàn "Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên" tổ chức tại Đăk Lăk mới đây, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: "Bộ NNPTNT xây dựng và thực hiện đề án thành lập 26 tổ KNCĐ ở 13 tỉnh nhưng hiện nay, có địa phương đã thành lập tổ KNCĐ ở tất cả các xã. Tổ KNCĐ đã vượt ra ngoài phạm vi đề án vì nó có tính thời sự và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng doanh nghiệp và nông dân".

Mắt xích kết nối nâng cao chuỗi giá trị cà phê

Khẳng định việc thành lập tổ KNCĐ là cần thiết, ông Vũ Đình Khiêm - điều phối viên Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đăk Lăk cho rằng: "Đội ngũ khuyến nông là mắt xích kết nối để chuyển giao khoa học kỹ thuật của nhà nước đến nông dân, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Tuy nhiên, cần đào tạo về kỹ thuật, thông tin thị trường, kỹ năng truyền thông, nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông để đáp ứng bối cảnh hội nhập".

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ KNCĐ trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững.

Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, KNCĐ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các khâu đầu vào cho nông dân trong sản xuất. Với những quy định xuất khẩu hiện nay, tổ KNCĐ đóng vai trò đảm bảo cho sản phẩm đạt chuẩn.

"Để làm được việc này, người làm khuyến nông phải có tình yêu cà phê, tình yêu với nông dân. Đặc biệt, vai trò của KNCĐ hiện nay là làm sao để người dân không chặt bỏ cà phê, chạy theo các loại cây trồng mang lại kinh tế lớn" - ông Hiệp chia sẻ.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để tổ KNCĐ thành công trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Các địa phương cần tạo cơ chế hỗ trợ trong quá trình sản xuất, hỗ trợ giá bán và tạo đầu mối với các HTX thông qua tổ KNCĐ. Nâng cao năng lực cho các HTX, tổ hợp tác hiện có và bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực để duy trì và xây dựng kế hoạch sản xuất sản phẩm. Kết nối thông tin, đối thoại thường xuyên giữa người sản xuất cà phê, HTX, tổ KNCĐ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem