Phí qua trạm BOT cho các phương tiện tăng giảm vì dịch Covid-19 thế nào?

Minh Hiếu Thứ ba, ngày 28/04/2020 16:32 PM (GMT+7)
Bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và thực hiện theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội khiến cho các doanh nghiệp vận tải "lao đao" phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã có những đề xuất hỗ trợ giảm giá các loại phí, dịch vụ đối với phương tiện.
Bình luận 0

Thực tế, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp dự án BOT vẫn chưa có những chính sách, giải pháp hoàn lại tiền hoặc bù trừ cho các tháng tiếp theo đối với các doanh nghiệp đã mua vé tháng, vé quý cho phương tiện giao thông khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT về hỗ trợ các phương tiện vé tháng, vé quý bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19.

Phí qua trạm BOT cho các phương tiện tăng giảm vì dịch Covid-19 như thế nào? - Ảnh 1.

Theo đó, để triển khai việc gia hạn thời gian sử dụng vé cho phương tiện được đảm bảo công bằng, chính xác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT căn cứ vào các Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ phòng chống dịch Covid-19 và quy định cụ thể của UBND tỉnh, thành phố nơi đặt trạm thu phí xác định số ngày không được sử dụng vé tháng, vé quý của các chủ phương tiện trong giai đoạn giãn cách xã hội, thực hiện bù vào tháng, quý tiếp theo, sau khi địa phương dỡ bỏ hạn chế di chuyển.

Đối với chủ phương tiện tiếp tục mua vé tháng, vé quý sẽ ghi bổ sung ngày bị ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội và thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý. Bên cạnh đó, chủ phương tiện không tiếp tục mua vé tháng, vé quý sẽ ghi bổ sung thời gian được gia hạn, đóng dấu giáp lai vào vị trí ghi bổ sung trên vé tháng, vé quý để chủ phương tiện sử dụng.

Ngoài ra, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT cập nhật vé tháng, vé quý được gia hạn vào phần mềm quản lý thu phí để kiểm tra, giám sát, đảm bảo mỗi chủ phương tiện bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội được gia hạn thời gian sử dụng vé tháng, vé quý đúng bằng thời gian bị ảnh hưởng theo quy định.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh đã có đề xuất giảm phí BOT từ 3-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên nhằm giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát phức tạp.

Trả lời đề xuất này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với chi phí của các phương tiện vận tải khi đi qua trạm thu phí hoàn vốn đầu tư dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ Giao thông vận tải thông tin, đây là mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các nhà đầu tư hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.

Các doanh nghiệp BOT đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/2016. Cùng đó, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ.

Các doanh nghiệp BOT đang gặp rất nhiều khó khăn, nay thêm dịch Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến càng khó khăn hơn. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BOT. Với đề xuất của Hiệp hội để giảm chi phí vận tải, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giảm các loại phí do Nhà nước quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem