Phía sau số nợ vay 2.273 tỷ đồng ở PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 27/11/2019 15:08 PM (GMT+7)
Dòng tiền âm 308,5 tỷ đồng hay số nợ vay 2.273 tỷ đồng ở PNJ dưới sự điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung không phải vấn đề đáng lo ngại trong ngắn hạn. Ước tính, PNJ có thể đạt doanh thu 15.900 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 1.150 tỷ đồng trong năm 2019.
Bình luận 0

img

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ.

Phía sau số nợ nay 2.273 tỷ đồng ở PNJ

Sau những trục trặc gặp phải tại dự án quản lý nguồn lực (ERP) gây ảnh hưởng tới doanh thu bán hàng trong thời gian nửa đầu quý III/2019, PNJ dưới sự điều hành của “nữ tướng” Cao Thị Ngọc Dung và các cộng sự vẫn kết thúc quý III/2019 với con số doanh thu 11.770 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. Còn lợi nhuận gộp đạt 2.438 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

img

PNJ kết thúc quý III/2019 với con số doanh thu 11.770 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tài sản và nguốn vốn tại doanh nghiệp do bà Cao Thị Ngọc Dung điều hành, dễ dàng nhận thấy con số nợ phải trả của PNJ tính tới 30/9/2019 đã ở mức 3.505 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng số nợ vay bao gồm nợ ngắn hạn và dài hạn của PNJ ở mức 2.273 tỷ đồng, tăng 45%.

Ngoài ra, tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của PNJ ở mức 7.625 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 77%, tương ứng 5.892 tỷ đồng với gần 60% là thành phần, còn lại là hàng hoá. Trong khi đó chi phí sản xuất dở dang và công cụ dụng cụ chiếm tỷ trọng không đáng kể.

img

Cơ cấu hệ thống cửa hàng trên toàn quốc của PNJ.

Những con số vừa nêu khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi: “Điều gì ẩn chứa bên trong khoản mục tồn kho 5.892 tỷ đồng và con số nợ vay 2.273 tỷ đồng ở PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung?”.

Còn nhớ, thời điểm kết thúc quý IV/2018, PNJ từng ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 304 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả vừa nêu là việc gia tăng hàng tồn kho thêm 42%, từ 3.402 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm 2018 lên gần 4.816 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018.

Ở thời điểm đó, diễn biến hàng tồn kho tăng mạnh trong bối cảnh PNJ mở rộng và tăng nhanh về doanh thu. Tính tới hết tháng 9/2018, PNJ có 243 cửa hàng PNJ Gold, 62 cửa hàng PNJ Silver và 3 cửa hàng CAO trên toàn quốc.

Còn ở thời điểm kết thúc quý III/2019, PNJ thêm một lần ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 308,5 tỷ đồng do giá trị các khoản phải thu và hàng tồn kho đều tăng mạnh.

Theo đó, PNJ của “nữ tướng vàng bạc” Cao Thị Ngọc Dung đã sử dụng gần 1.200 tỷ đồng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn với các ngân hàng thương mại như khoản vay tại Ngân hàng TNHH CTBC (Trung Quốc) với giá trị 92 tỷ đồng, khoản vay tại VietinBank có giá trị 707 tỷ đồng, khoản vay tại BIDV có giá trị 198 tỷ  đồng, với lãi suất từ 6,3% - 7%. Ngoài ra, khoản vay tại SeABank có giá trị 196,6 tỷ đồng, được bảo đảm bằng hàng tồn kho và một bất động sản ở địa chỉ 123 Hùng Vương, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, là một số khoản vay, huy động vốn cá nhân theo theo hình thức tín chấp.

Nhìn chung, việc dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi âm, cộng thêm khoản âm từ dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động đầu tư đã khiến tiền và các khoản tương đương tiền tại doanh nghiệp giảm hơn 53% so với thời điểm đầu năm, chỉ còn hơn 96 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Chứng khoán SSI, các khoản vay ngắn hạn được PNJ sử dụng để mở các cửa hàng mới và phát triển kinh doanh mảng đồng hồ PNJ Watch. Việc tăng cường vay nợ kết hợp với lãi suất đi lên khiến cho chi phí lãi vay của PNJ lên tới 29 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kì năm trước.

Còn thông tin từ PNJ cũng cho biết, tính tới cuối tháng 10/2019, doanh nghiệp đã phát triển hệ thống lên tới 348 cửa hàng trên toàn quốc. Riêng tháng 10/2019, PNJ mở thêm 28 cửa hàng bao gồm 26 cửa hàng PNJ Gold, 1 cửa hàng PNJ Silver, 1 cửa hàng CAO. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mở thêm 1 cửa hàng PNJ Watch để nâng tổng số cửa hàng đồng hồ lên con số 23.

img

Hệ số khả năng thanh toán nợ và lãi vay của PNJ.

Về lý thuyết, với đặc thù doanh nghiệp bán lẻ nhận “tiền tươi thóc thật”, lại ở trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… Tình trạng dòng tiền âm tại PNJ không phải vấn đề đáng lo ngại, bởi doanh nghiệp có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Song dòng tiền về bản chất vẫn là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Trong tương lai dài hạn, dòng tiền kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông. Nếu không thoả mãn điều kiện này, doanh nghiệp có thể sẽ phải xoay xở với gánh nặng nợ nần thay vì có dòng tiền rảnh rỗi để cho hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính.

Còn thực tế quan sát trên bảng cân đối kế toán của PNJ cũng cho thấy, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp dù ghi nhận mức tăng khá cao, song các hệ số thể hiện khả năng thanh toán như hệ số thanh toán hiện hành là 2,54 - vẫn nằm trong khoảng từ 2 tới 3, vẫn được coi là khoảng tốt, cho thấy PNJ vẫn đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ của mình. Còn hệ số thanh toán nhanh và thanh toán tiền mặt vẫn gia tăng đáng kể so với năm tài chính 2018 và 2017, dù lượng tiền mặt suy giảm.

Cơ hội nào cho PNJ của “nữ tướng” Cao Thị Ngọc Dung trong năm 2020?

Trong quý IV/2019, PNJ dự kiến mở 15 cửa hàng mới và chào bán các bộ sưu tập mới trong các quý này, vì đây thường là mùa cao điểm của PNJ. Điều này giúp Công ty chứng khoán SSI duy trì mức doanh thu ước tính năm 2019 của PNJ với 15.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,1% so với năm 2018 và 1.150 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 19,9% so với năm 2018.

Bước sang năm 2020, SSI dự báo, khi PNJ sẽ bắt đầu ghi nhận kết quả từ việc đầu tư vào hệ thống ERP với công suất tăng trong chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất và bán hàng. Việc này giúp chi phí tuyển dụng và đào tạo của PNJ giảm xuống do không có kế hoạch tuyển dụng nhiều nhân viên bán hàng mới, thay vào đó, lựa chọn tái cơ cấu số lượng nhân viên trên mỗi cửa hàng với sự trợ giúp của các chỉ tiêu hệ thống ERP. Năm 2020, kế hoạch sơ bộ cho tỷ lệ SSSG là ở mức hai chữ số, với tổng cộng 40 cửa hàng mới mở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem