Phía Trung Quốc tới tấp hỏi mua một loại tinh bột của Việt Nam, giá cao cũng chấp nhận

K.Nguyên Thứ năm, ngày 27/04/2023 18:56 PM (GMT+7)
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu hỏi mua tinh bột sắn từ phía Trung Quốc bắt đầu nhiều hơn, giá xuất khẩu cũng được khách hàng Trung Quốc chấp nhận mua ở mức khá cao.
Bình luận 0

Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, giá sắn ổn định

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong 10 ngày giữa tháng 4/2023, giá sắn tươi tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên ổn định so với 10 ngày trước đó do thị trường Trung Quốc vẫn có nhu cầu mua lớn.

Cụ thể, tại Đắk Lắk, giá sắn tươi dao động ở mức 3.000-3.050 đồng/kg; tại Gia Lai, giá sắn dao động ở mức 3.300-3.600 đồng/kg, ổn định so với 10 ngày trước đó. Tại Tây Ninh, giá sắn tươi dao động ở mức 3.400- 4.200 đồng/kg. 

Hiện, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 525- 545 USD/tấn FOB cảng TP. Hồ Chí Minh, tăng 10 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, do giá nguyên liệu vẫn duy trì ở mức cao và nguồn nguyên liệu khan hiếm khi dần vào cuối vụ. 

Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 3.600 – 3.850 CNY/tấn, tăng 100 CNY/tấn so với 10 ngày trước đó. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nhu cầu hỏi mua tinh bột sắn từ phía Trung Quốc bắt đầu nhiều hơn. 

Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 305 USD/tấn FOB Quy Nhơn; trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 355 USD/tấn FOB Quy Nhơn, ổn định so với 10 ngày trước đó. 

Hiện nguồn hàng tồn kho tại các nhà máy thấp, trong khi nhu cầu cho tiêu thụ trong nước dự báo tăng trong thời gian tới. 

Đáng chú ý, giá xuất khẩu cũng được khách hàng Trung Quốc chấp nhận mua ở mức khá cao. Nhu cầu hỏi hàng sắn lát của khách hàng Trung Quốc tăng do lượng hàng này về Trung Quốc giảm dần. Thời điểm hiện tại, giá chấp nhận mua của khách hàng Trung Quốc chưa tương đồng với giá chào bán của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Phía Trung Quốc tới tấp hỏi mua một loại tinh bột của Việt Nam, giá cao cũng chấp nhận - Ảnh 1.

Nhu cầu hỏi mua tinh bột sắn từ phía Trung Quốc bắt đầu nhiều hơn, giá xuất khẩu cũng được khách hàng Trung Quốc chấp nhận mua ở mức khá cao. Ảnh: VKHNNVN.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam

Theo Cục Xuất nhập khẩu rong tháng 3/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 82,25% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 225.670 tấn, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 885.460 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 331,87 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

 Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc trong tháng 3/2023 ở mức 372,2 USD/tấn, tăng 0,4% so với tháng 02/2023, nhưng giảm 16,7% so với tháng 3/2022.

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2023 chủ yếu vẫn là tinh bột sắn và sắn lát khô. 

Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc giảm cả về lượng và trị giá; trong khi xuất khẩu sắn lát tăng so với cùng kỳ năm 2022. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo tháng tới, nhu cầu mua sắn lát và tinh bột sắn từ Trung Quốc vẫn cao do thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng. 

Ngoài ra, các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi cũng chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để thay thế, dẫn đến tăng nhu cầu đối với sắn.

Bên cạnh Trung Quốc, thị trường Đài Loan cũng mua lượng lớn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam. 

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan, trong 3 tháng đầu năm 2023, thị trường Đài Loan nhập khẩu 84.590 tấn tinh bột sắn, trị giá 41,39 triệu USD, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào là các thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Đài Loan trong 3 tháng đầu năm 2023. 

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Đài Loan, với 13.840 tấn, trị giá 6,67 triệu USD, tăng 97,2% về lượng và tăng 68,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 16,36% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Đài Loan, cao hơn so với mức 7,55% của 3 tháng đầu năm 2022. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem