Phim nội cần “chống lưng”

Thứ sáu, ngày 29/11/2013 11:35 AM (GMT+7)
Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, số phim nhập khẩu cao gấp nhiều lần con số phim sản xuất trong nước. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho phim nội vốn đang rất yếu ớt lại càng bị chèn ép...
Bình luận 0
Ngày 28.11, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, trong quy hoạch vùng phát triển điện ảnh đến năm 2020, về lĩnh vực tập trung đầu tư phát triển sẽ xây mới 3 trường quay, 1 trung tâm kỹ thuật, 2 trung tâm chiếu phim, xây mới 49 rạp, cải tạo 48 rạp.

Công ty Megastar khai trương cụm rạp chiếu hiện đại tại TP.HCM vào năm 2007.
Công ty Megastar khai trương cụm rạp chiếu hiện đại tại TP.HCM vào năm 2007.

Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho biết, để thực hiện được quy hoạch này cần phải làm ngay từ năm 2014 và yêu cầu đó trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang còn khó khăn, việc bố trí nguồn ngân sách bị thắt chặt... là việc rất khó.

Vì vậy theo ông Dương, Nhà nước cần tăng cường hành lang pháp lý về công tác quản lý lĩnh vực phát hành phim và chiếu phim, cho dù có hơi muộn. Đồng thời, Nhà nước nên ưu tiên cải tạo các rạp chiếu phim, bởi các rạp chiếu phim chính là “chợ” trong cơ chế thị trường để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đặc biệt là sản phẩm điện ảnh và lợi ích thu được, chứ chưa cần thiết xây mới các rạp. Bên cạnh đó, cần quy hoạch vị trí phát triển các cụm rạp phù hợp với dân cư, các rạp đều có điều kiện phát triển, không chèn ép nhau.

Đồng quan điểm với ông Dương, PGS - TS Trần Luân Kim cho rằng, không nên xây dựng mới mà chỉ nên nâng cấp, đầu tư kỹ thuật công nghệ cho những rạp đang có sẵn, để tránh lãng phí không cần thiết. Và chỉ nên xây dựng trường quay ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, không cần xây dựng ở Đà Nẵng.

Khi phim nội của Trung Quốc ra rạp, tất cả các hệ thống phát hành phim ngoại đều dừng lại và chỉ phát hành phim nội.

Bà Ngô Phương Lan

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh đã chia sẻ những khó khăn về tìm đầu ra cho các phim Việt Nam trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo bà Lan, với cơ chế như hiện nay của chúng ta việc phát hành phim Việt là vô cùng khó khăn. “Nhìn ra ngoài như ở Trung Quốc, họ đã có một cơ chế cho điện ảnh mà theo tôi ở Việt Nam chỉ diễn ra trong mơ. Trung Quốc vẫn duy trì việc Nhà nước độc quyền trong việc nhập phim, tức là họ chỉ có duy nhất một công ty xuất nhập khẩu, phát hành phim. Và trong rất nhiều năm, họ chỉ nhập 20 bộ phim Mỹ trong 1 năm, và năm 2012, họ tăng thêm hạn ngạch phim Mỹ lên 34 phim, bên cạnh 30 phim các nước khác. Vậy là 1 năm họ nhập tổng cộng 64 phim nước ngoài, qua một công ty duy nhất đó. Điều thứ 2 là khi họ nhập phim về, họ sẽ cung cấp cho 2 công ty phát hành, và đây là 2 công ty có quyền điều phối, phát hành phim trên tất cả các rạp trên toàn quốc. Ngoài ra khi phim nội của họ ra rạp, tất cả các hệ thống phát hành phim ngoại đều dừng lại và chỉ phát hành phim nội” - bà Ngô Phương Lan nói.

Hiện nay Trung Quốc có đến 17.000 rạp chiếu phim, 1 năm số lượng phim truyện quốc gia này sản xuất là 823 bộ phim truyện, 33 phim hoạt hình, 75 bộ phim khoa học…

Chia sẻ với quan điểm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho hay, ngay từ đầu nếu chúng ta xác định điện ảnh là nền công nghiệp kinh tế, thì đây là hướng đi đúng, bởi không có gì thu hồi vốn nhanh bằng điện ảnh. Cứ nhìn 2 công ty lớn phát hành phim nhập có vốn đầu tư nước ngoài là Megastar Cinema và Lotte Cinema có thể thấy một ngày thu hàng chục tỷ tiền của người dân Việt Nam. Điều đạo diễn Bùi Tuấn Dũng băn khoăn là tại sao chúng ta lại phải mất hàng chục tỷ đó để mua văn hóa ngoại mà không phải là văn hóa Việt Nam?

Các góp ý của đại biểu tham dự hội thảo sẽ được tổng kết để đưa vào “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”.
Thanh Hà (Thanh Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem