Phó chi cục trưởng Hải quan ở Bình phước gây tai nạn rồi bỏ chạy: Vì sao chỉ xử phạt hành chính?

Hiếu Đam Thứ bảy, ngày 05/09/2020 06:10 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc không khởi tố ông Mai Như Vệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu (Bình Phước) lái xe gây tai nạn giao thông, Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư để rõ hơn vấn đề này.
Bình luận 0

Liên quan đến việc ông Mai Như Vệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu (Bình Phước) lái xe gây tai nạn giao thông, mới đây Công an huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) thông báo quyết định không khởi tố hình sự đối với ông này. 

Phó chi cục trưởng Hải quan ở Bình phước gây tai nạn rồi bỏ chạy: Có thể khởi tố hay không? - Ảnh 1.

Ông Mai Như Vệ điều khiển phương tiện gây TNGT bị người dân ghi lại (ảnh: NLĐO).

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp lý, việc khởi tố vụ án chỉ được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

Theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự thì người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khi thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.

"Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì mới có căn cứ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Phó chi cục trưởng Hải quan ở Bình phước gây tai nạn rồi bỏ chạy: Có thể khởi tố hay không? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp Hà Nội phân tích về vụ việc.

Đối chiếu với trường hợp này, mặc dù hành vi ông Mai Như Vệ vi phạm quy định về điều kiện phương tiện giao thông đường bộ nhưng về hậu quả hành vi gây tổn hại thương tích 27% thì chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Mai Như Vệ, do đó không có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định pháp luật", ông Cường cho biết.

Theo vị luật sư, trong trường hợp này, mặc dù ông Vệ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi của ông là hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ nên vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng người điều khiển xe ô tô không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông theo quy định tại điểm a khoản 7 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn theo quy định điểm b khoản 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

"Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng theo quy định tại điểm đ, khoản 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Đồng thời, ông Vệ còn bồi thường cho người bị hại các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Bồi thường tổn thất tinh thần,… theo quy định tại Điều 590 BLDS", ông Cường phân tích.

Ông Cường cũng cho biết thêm, việc ông Vệ là cán bộ, công chức nhưng vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây tổn hại sức khỏe cho người khác thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định tùy từng tính chất, mức độ hành vi cũng có thể xem xét kỷ luật đối với ông Vệ theo quy định pháp luật.

Trước đó, theo kết quả điều tra, lúc 16 giờ 25 phút, ngày 26/6, ông Mai Như Vệ điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 93A-160.78 lưu thông trên đường D9T759 hướng từ huyện Bù Đốp đi thị xã Phước Long.

Khi đến Km 41+800, thuộc thôn Bình Tân, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, ông Vệ điều khiển xe đi không đúng phần đường dẫn đến va chạm với xe môtô biển kiểm soát 93H1-202.42 do chị Phạm Thị Năm (sinh năm 1984, ngụ xã Phước Minh) điều khiển, lưu thông theo hướng ngược lại.

Sau khi xảy ra tai nạn, ông Vệ không cho xe dừng lại mà tiếp tục điều khiển xe đi về hướng thị xã Phước Long.

Sau khi chạy được khoảng 2,6km, xe ông Vệ bị người dân chặn lại và báo cơ quan Công an. Hậu quả vụ tai nạn khiến bà Năm bị thương với tỷ lệ thương tật 27%.

Công an tỉnh Bình Phước cho biết quá trình điều tra, mặc dù ông Vệ không thừa nhận mình là người điều khiển xe ôtô 93A-160.78 gây tai nạn giao thông, nhưng căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ xác định ông Mai Như Vệ chính là người điều khiển xe ôtô gây ra vụ tai nạn trên.

Tuy nhiên, sau khi tai nạn xảy ra, bà Phạm Thị Năm đã có đơn xin bãi nại đối với vụ việc trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem