Phó Chủ tịch Hội NDVN làm việc tại Thái Bình về hỗ trợ dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trần Quang Thứ bảy, ngày 06/06/2020 05:15 AM (GMT+7)
Tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra giám sát Trung ương về thực hiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, do ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn tại Thái Bình, các ý kiến đều đề nghị sớm tháo gỡ các vướng mắc...
Bình luận 0
Sớm tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch - Ảnh 1.

Người dân dần ổn định cuộc sống

Đến thăm gia đình chị Phạm Thị Hồng, hộ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư (Thái Bình), các thành viên trong đoàn công tác đã tặng quà, động viên tinh thần mong gia đình tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, ổn định lại cuộc sống sau dịch.

Là trụ cột gia đình nhưng chị Hồng bị bệnh động kinh lúc tỉnh, lúc bệnh nhưng vẫn phải gồng mình nuôi 3 con nhỏ ăn học. Dù bị bệnh nhưng do không có tiền khám, giám định bệnh án, không làm được hồ sơ, thủ tục liên quan nên chị Hồng không nhận được trợ cấp khuyết tật.

Chia sẻ với số phận của gia đình chị Hồng, các cấp chính quyền huyện Vũ Thư đã tạo điều kiện cho gia đình chị được mở quán nước trước cửa nhà. Nhưng vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên nguồn thu này đã bị "cắt đứt" khiến gia đình chị càng cùng cực hơn.

Để hỗ trợ gia đình chị Hồng, mới đây chính quyền huyện Vũ Thư đã đưa chị vào danh sách đối tượng nhận hỗ trợ bởi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, với mức tiền 250.000 đồng/người. 

Hôm đoàn công tác đến hỏi chuyện, chị Hồng rơm rớm nước mắt nói: "Gia đình khó khăn lắm, nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của địa phương nên chúng tôi cũng đang dần ổn định lại cuộc sống".

Là hộ gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn ở thị trấn Vũ Thư, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa đều đã tuổi cao, bệnh tật thường xuyên đau ốm. Bản thân ông Hòa cũng khyết tật nên chi tiêu sinh hoạt chủ yếu nhờ vào nguồn trợ cấp xã hội của Nhà nước.

Trong đợt dịch vừa qua, ông Hòa nhà nước hỗ trợ tiền cùng nhiều gạo, nhu yếu phẩm... "Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhưng chúng tôi được các cấp chính quyền hỗ trợ rất kịp thời nên bà con rất phấn khởi", ông Hòa chia sẻ.

Ông Hòa cho biết thêm, dịch Covid-19 dù nguy hiểm phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế trên thế giới nhưng ở Việt Nam, nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay nước ta đã dần kiểm soát được dịch Covid-19. Đặc biệt trong suốt thời gian xảy ra dịch đến giờ vẫn chưa có trường hợp tử vong.

"Qua đợt dịch này, tôi và bà con cả nước rất vui mừng và càng tin tưởng hơn vào các quyết sách, chính sách của Nhà nước. Mong rằng, đại dịch sẽ sớm được khống chế trên toàn thế giới để mọi người dần ổn định lại cuộc sống, phát triển kinh tế, tăng thu nhập", ông Hòa bộc bạch.

Chia sẻ với đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Thư cho hay: Đến nay, thị trấn Vũ Thư đã thực hiện chi trả hỗ trợ xong cho 3 nhóm đối tượng người có công và thân nhân người có công, người nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội; các đối tượng khác đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể đối tượng chính sách 238 người, trong đó có 182 đối tượng được hưởng lĩnh tại thị trấn 273 triệu đồng (số còn lại 56 trường hợp do trùng với chế độ với các đối tượng khác).

Đối tượng bảo trợ xã hội có 94 trường hợp được hưởng hỗ trợ 141 triệu đồng; hộ nghèo có 30 hộ được hưởng, 7 hộ cận nghèo hưởng gần 28 triệu đồng.

Sớm tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch - Ảnh 2.

Trao đổi thẳng thắn, sôi nổi

Ông Nguyễn Văn Giang - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình cho hay: Đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt danh sách và cấp kinh phố hỗ trợ cho 52.119 người với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã chi trả 52.047 đối tượng, trong đó có 52.015 người đủ điều kiện chi trả 3 tháng, 5 người chi trả 1 tháng... Các huyện, thành phố tiếp tục đề nghị tỉnh phê duyệt bổ sung 232 trường hợp do sót, do có trong danh sách chi trả nhưng chết tháng 4, 5/2020.

Đối tượng bảo trợ xã hội 95.414 người hưởng kinh phí hỗ trợ trên 143 tỷ đồng, các huyện, thành phố đã thực hiện chi trả cho 95.254 đối tượng... Đối tượng nghèo, cận nghèo 53.525 người được hưởng hỗ trợ trên 40 tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho nghèo, người cận nghèo trước ngày 25/5. 

Hiện, các địa phương trong tỉnh Thái Bình đang tiến hành rà soát, lập danh sách các trường hợp nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh sau 31/12/2019.

Cụ thể như nhóm 1 (hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương), thời điểm 1/6/2020, toàn tỉnh có 23 doanh nghệp bổ sung về thành phần tài chính, còn lại 18 doanh nghiệp qua thẩm định không đủ điều kiện để hỗ trợ. Nhóm 2, hỗ trợ hộ kinh doanh, toàn tỉnh có 14.836 hộ kê khai thuế dưới 100 triệu, đến ngày 1/6 đã có 73 hộ được nhận kinh phí hỗ trợ 73 triệu đồng.

Nhóm 3 hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có 131 lao động đủ điều kiện, đang làm hồ sơ chờ nhận kinh phí hỗ trợ.

Nhóm 4 hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm có 3.169 người đã gửi hồ sơ, trong đó có 1.510 hồ sơ được cập huyện thẩm định. Đến ngày 1/6 có 588 lao động được cấp trên phê duyệt hỗ trợ kinh phí 588 triệu đồng. Còn lại đối tượng nhóm 6, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động hiện địa phương vẫn chưa nhận được danh sách, hồ sơ đề nghị vay vốn.

Ông Giang thông tin thêm, hiện, việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở còn chậm do vướng mắc trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thực hiện công khai... Thực tế từ cơ sở, nhiều đối tượng khác rất khó khăn do giảm sâu thu nhập cần được nhận hỗ trợ như giáo viên hợp đồng, lao động ở một số lĩnh vực... nhưng chưa nằm trong diện hỗ trợ.

Sớm tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thái Bình ngày 5/6.

"Dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Thái Bình đang cố gắng rà soát và chi trả hết cho các đối tượng còn lại trước 30/6/2020. Chúng tôi cũng cam kết sẽ làm công bằng, minh bạch không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách", bà Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra giám sát thực hiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 của huyện, tỉnh Thái Bình ngày 5/6, các thành viên trong đoàn công tác Trung ương nhận được rất nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, các khó khăn, vướng mắc thực tế ở cấp xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Điển hình như ý kiến của lãnh đạo UBND thị trấn Vũ Thư. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hằng cho rằng: Công tác rà soát, hỗ trợ của địa phương vẫn còn chậm do gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, giải quyết thủ tục, hồ sơ cho các đối tượng. Hiện, Vũ Thư đang rất băn khoăn trong việc giải quyết chế độ hỗ trợ cho các đối tượng phi nông nghiệp, các đối tượng kinh doanh, bán hàng rong...

Bà Hằng nêu cụ thể: Do trong văn bản thực hiện chi trả hỗ trợ không hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các trường hợp bán hàng rong, hộ kinh doanh, như thế nào là đối tượng phi nông nghiệp nên khi cán bộ chuyên môn thực hiện rà soát và giải quyết chi trả hỗ trợ cho các đối tượng này gặp khó khăn.

Góp ý với đoàn công tác, ông Vũ Hồng Quân - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư khẳng định: Khi thực hiện chủ trương hỗ trợ, chúng tôi và bà con thấy chính sách này rất nhân văn, ý nghĩa. Các đối tượng được hưởng chế độ rất vui, phấn khởi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ, các cơ quan cũng bị lúng túng trong giải đáp các khái niệm, câu từ trong văn bản, quyết định...

"Hiện, việc rà soát, kê khai thủ tục hỗ trợ đối với các doanh nghiệp ở các địa phương chưa thống nhất. Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhỏ mà các cán bộ rà soát đòi phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm mới được nhận hỗ trợ thì căng quá. Các doanh nghiệp khó mà thực hiện được", ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, trong chi trả hỗ trợ các bộ, ngành trung ương nên xem xét không nên cào bằng. "Các tỉnh phòng, chống dịch tuyến đầu vất vả, khổ cực hơn như Vĩnh Phúc, Hà Nam... cần hỗ trợ nhiều hơn tuyến sau để đảm bảo công bằng, khách quan hơn", ông Quân kiến nghị.

Đề xuất thêm, ông Nguyễn Văn Giang cũng kiến nghị bổ sung một số trường hợp cụ thể để nhận hỗ trợ như 19 trường hợp người có công có tên trong danh sách chi trả trợ cấp tại địa phương tháng 4/2020; nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện về tài chính theo quy định nhưng thực sự có khó khăn về tài chính, hầu hết doanh nghiệp chỉ có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh...

Tiếp nhận các góp ý, kiến nghị, các thành viên trong đoàn công tác trung ương đồng ý bổ sung các thông tin trên vào báo cáo gửi lên bộ ngành, Chính phủ để hoàn thiện chính sách.

Trao đổi với các đại biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến nay Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng đang dần không chế được đại dịch nguy hiểm nhất thế giới.

Ông Thành cho biết, ngay sau khi đại dịch Covid được kiểm soát, Thái Bình đã vào cuộc quyết liệt và khẩn trương thành lập các đoàn rà soát để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

"Trong quá trình rà soát triển khai chi trả hỗ trợ, tỉnh làm rất bài bản, công bằng, khách quan đảm bảo các khoản trợ cấp đến đúng đối tượng. Ngay từ đầu, tỉnh đã chỉ đạo, đơn vị nào để xảy ra sai sót, tiêu cực thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nên các xã, huyện làm rất nghiêm, không có sai sót", ông Thành nhấn mạnh.

Thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Xuân Định đánh giá cao các cố gắng, nỗ lực của cán bộ địa phương trong việc phòng, chống đại dịch cũng như trong công tác rà soát, chi trả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Đặc biệt, sau đại dịch việc triển khai chi trả hỗ trợ cấp bách, nhưng các cán bộ, lãnh đạo các địa phương đã nỗ lực làm ngày, làm đêm để rà soát, hỗ trợ sớm, kịp thời đưa kinh phí hỗ trợ đến đúng đối tượng tạo lòng tin trong nhân dân", Trưởng đoàn công tác khẳng định.

Trong buổi làm việc, trưởng đoàn công tác cũng đánh giá cao kinh nghiệm mà Thái Bình đã làm được trong công tác phòng, chống đại dịch cũng như chi trả hỗ trợ sau dịch Covid-19. Đây là cách làm hay và hiệu quả, cần được nhân rộng.

Để tiếp tục phát huy kết quả đó, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định đề nghị các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các đối tượng (đủ điều kiện) chưa nhận được hỗ trợ để đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch. Tránh tình trạng trùng lặp, thiếu sót, tiêu cực.

Về lâu dài, ông Định đề nghị, tỉnh Thái Bình cần nghiên cứu hỗ trợ chính sách việc làm phù hợp cho các đối tượng thương, bệnh binh, người khuyết tật để bà con tự chủ được thu nhập, cuộc sống.

Ông Lê Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình:

Cần bổ sung hỗ trợ cho đối tượng sản xuất nông nghiệp

Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành trung ương nên bổ sung hỗ trợ cho các trang trại, gia trại, nông hộ sản xuất nông nghiệp yếu thế.

Vừa qua, trong đại dịch, các đối tượng này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi biết, có nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh vay vốn sản xuất của các ngân hàng nhưng đến khi bị dịch không bán được sản phẩm, hàng hóa hư hỏng, thiệt hại rất lớn nhưng hiện chưa nhận được cách chính sách, kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước.


Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam

Sắp đưa nông hộ vào vào diện hỗ trợ dịch Covid-19

Trong quá trình thực hiện kiểm tra, giảm sát, T.Ư Hội ND Việt Nam phát hiện đối tượng nông hộ, hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.

Mới đây, Hội đã làm văn bản tham mưu và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung đối tượng này vào Nghị quyết để chi trả hỗ trợ. Mong rằng, sắp tới có quy định cụ thể, các địa phương sẽ có cơ sở để hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Đăng Quang ghi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem