Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Hội NDVN làm tốt truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi

Đức Thịnh - Minh Ngọc Thứ ba, ngày 07/03/2023 18:04 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, yêu cầu: "Hội Nông dân Việt Nam cần thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, trung thực về các nội dung, chính sách lớn trong dự án Luật, nhất là những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung...".
Bình luận 0

Đó là 1 trong những kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, hoan nghênh, đánh giá cao Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo này; cảm ơn và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Hội NDVN làm tốt công tác truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều ngày 7/3. Ảnh: Viết Niệm

"Rất nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, cụ thể, có tính thực tiễn và phản biện cao đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, canh tác và đời sống của người nông dân. Các ý kiến này là những đóng góp quan trọng để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các đại biểu quốc hội nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật" - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tham gia thêm với Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, Cần tiếp tục rà soát để bám sát và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trọng tâm là 8 nhóm vấn đề: (1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; (6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; (7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; (8) Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.

Hội Nông dân cần tiếp tục làm rõ 8 nội dung này liên quan như thế nào đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Hội NDVN làm tốt công tác truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Viết Niệm.

Thứ hai, nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai Luật; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trước đây đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng; luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên, phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm.

Thứ ba, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, có mối quan hệ mật thiết với các luật khác như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… Do đó, quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật cần bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đồng thời giải quyết vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật khác với pháp luật về đất đai trong quản lý, sử dụng đất.

Xác định đúng, phù hợp mức độ cụ thể của các quy định trong Luật đất đai; các quy định phải đảm bảo triển khai được trong thực tiễn hoặc có nguyên tắc, định hướng cụ thể trước khi giao Chính phủ quy định; phân định rõ những nội dung quy định cụ thể trong Luật Đất đai những nội dung quy định nguyên tắc trong Luật đất đai và quy định chi tiết tại các luật chuyên ngành để hoàn thiện Luật đất đai và các Luật có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Hội NDVN làm tốt công tác truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 3.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều ngày 7/3. Ảnh: Viết Niệm

Thứ , sửa đổi Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trường hợp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai; nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các quy định về tài chính đất đai, giá đất, các hình thức giao đất, cho thuê đất (giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hàng năm)…

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai. Lưu ý phân cấp, phân quyền về giá đất trong điều kiện bỏ khung giá đất cần cụ thể nguyên tắc, tiêu chí, quy trình và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Hội NDVN làm tốt công tác truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 4.

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều ngày 7/3. Ảnh: Viết Niệm

Thứ sáu, việc lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và công tác truyền thông về dự án Luật là rất quan trọng. Vì vậy cần phát huy vai trò của Hội nông dân Việt Nam trong việc tham gia vào dự án Luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về dự án Luật đặc biệt là các nội dung liên quan đến đất nông nghiệp, đất nông lâm trường, đất rừng, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, ngân hàng đất nông nghiệp….. 

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Việt Nam cần thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, trung thực về các nội dung, chính sách lớn trong dự án Luật, nhất là những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, tăng cường tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện từ cộng đồng, xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật xin ý kiến hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp tới đây. 

Đại diện cơ quan soạn thảo có mặt hôm nay cần lắng nghe, báo cáo đầy đủ với cấp có thẩm quyền, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem