Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: "Trước cưỡng chế, cần giải quyết sạch sẽ vấn đề khiếu nại lớn nhỏ"

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 22/05/2023 19:41 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rằng, cưỡng chế là biện pháp cuối cùng, khi không còn cách nào khác trong giải phóng mặt bằng.
Bình luận 0

Vác rựa doạ cán bộ giải phóng mặt bằng

Chiều 22/5, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đi hiện trường kiểm tra tình hình triển khai dự án tuyến đường kết nối ĐT.638 đến đường ven biển qua TX.Hoài Nhơn và tuyến đường kết nối Tây tỉnh đến đường ven biển, qua huyện Phù Mỹ.

Ông Phạm Văn Chung – Phó Chủ tịch thường trực UBND TX.Hoài Nhơn cho biết, hiện tại trên tuyến vẫn còn 2 hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng sạch để thi công. 

"Trong đó, chúng tôi đã xây dựng phương án cưỡng chế 1 trường hợp, trường hợp còn lại đang vận động để sớm giao mặt bằng trong tháng 6, thi công hoàn thiện tuyến đường", ông Chung nói.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: "Trước cưỡng chế, cần giải quyết sạch sẽ vấn đề khiếu nại lớn nhỏ" - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Chung – Phó Chủ tịch thường trực UBND TX.Hoài Nhơn thông tin tại hiện trường với đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn

Trong khi đó, tại huyện Phù Mỹ còn đến 17 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, mặc dù chính quyền đã áp dụng các chính sách, giá cả đền bù theo quy định và có nhiều giải pháp vận động, tuyên truyền, nhưng những hộ dân này chưa đồng thuận.

Thậm chí, có trường hợp chống đối, vác rựa doạ cán bộ khi giải phóng mặt bằng. 

"Để bảo đảm tiến độ thi công, từ nay đến ngày 31/5, huyện tiếp tục vận động người dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nếu họ vẫn không đồng ý thì sang tháng 6, chúng tôi sẽ dùng biện pháp cưỡng chế", ông Phan Hữu Duy – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho hay.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: "Trước cưỡng chế, cần giải quyết sạch sẽ vấn đề khiếu nại lớn nhỏ" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đi hiện trường kiểm tra. Ảnh: Dũ Tuấn

Nếu dân liên tục khiếu nại, giao thanh tra đi xác minh

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rằng, việc cưỡng chế là biện pháp cuối cùng khi không còn cách nào khác, còn tinh thần vẫn là tuyên truyền, vận động là chính. 

"Trường hợp xã đã xác nhận nguồn gốc đất, mà người dân chưa đồng ý, vẫn tiếp tục kiến nghị, khiếu kiện thì nên giao thanh tra độc lập vào cuộc xác minh lại toàn bộ. Phải có cơ quan trung gian để rà soát lẫn nhau, làm đa chiều và có mốc thời gian hoàn thành việc xác minh, để kịp tính các bước tiếp theo, đảm bảo giao mặt bằng đúng tiến độ", ông Hoàng cho hay.

Ông Hoàng cũng nói rằng, việc thi công công trình là vì lợi ích chung của người dân, vì vậy cần giải quyết đúng với lợi ích hợp pháp của người dân và đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: "Trước cưỡng chế, cần giải quyết sạch sẽ vấn đề khiếu nại lớn nhỏ" - Ảnh 3.

Ông Phan Hữu Duy – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ nói về những khó khăn khi giải phóng mặt bằng. Ảnh: Dũ Tuấn

"Làm sao người dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi đến chỗ mới, xây căn nhà đàng hoàng, to đẹp hơn thì họ mới vui vẻ đồng ý, chứ từ nhà to mà xuống nhà nhỏ thì ai mà chịu", ông Hoàng phân tích và yêu cầu, trước khi tính đến việc cưỡng chế, những vụ việc dân khiếu nại thì chính quyền phải giải quyết sạch sẽ, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. 

Nếu có vụ việc làm chưa đúng thì chính quyền phải chỉnh sửa ngay, còn làm đúng rồi thì cần tăng cường tuyên truyền vận động, để bà con đồng tình, ủng hộ vì mục đích chung.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu, chính quyền huyện Phù Mỹ phải thực hiện việc giải phóng mặt bằng, hoàn thành trước 15/6, để kịp tiến độ công trình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem