Phó Cục trưởng Cục CSGT Phạm Việt Công: Can thiệp vào xử lý vi phạm nồng độ cồn là không thể (Bài 2)

Thế Anh Thứ ba, ngày 25/04/2023 11:00 AM (GMT+7)
PV Dân Việt đã có buổi trò chuyện với Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia về việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn và nghiêm cấm công chức, viên chức can thiệp vào việc xử lý vi phạm.
Bình luận 0

Video: Hàng quán vắng khách vì khách sợ bị thổi nồng độ cồn.

Nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó, tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dự luận.

Liên quan tới vấn đề này, PV Dân Việt đã có buổi trò chuyện với Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia về việc tăng cường mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn với người uống rượu bia điều khiển phương tiện.

Thưa ông! Trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng liên ngành tăng cường xử lý các trường hợp tài xế uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện đã thay đổi về thói quen của tài xế và người dân ra sao?

- Trong quá trình lực lượng của Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc và các lực lượng liên ngành thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý hành vi vi phạm, trong đó có xử lý vi phạm nồng độ cồn đã làm từng bước nâng cao ý thức người dân. Qua đó, thay đổi được thói quen tài xế sử dụng bia rượu không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.


Điển hình chúng ta thấy trên các khu vực nhà hàng ăn uống, quán bia, quán nhậu hoặc các khu vực tập trung nhiều hoạt động liên quan bia rượu đã xuất hiện nhiều trường hợp hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng, đặt xe có lái xe đưa người uống rượu bia về nhà .

Có thể thấy được ý thức chấp hành của người dân rất tốt, đặc biệt qua quá trình kiểm soát, sàng lọc các trường hợp trên đường, tỷ lệ sử dụng bia rượu cũng đã giảm so với cuối năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác kiểm soát nồng độ cồn của lực lượng CSGT rất tốt.

Nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn, và có thể xử lý hình sự những gì? - Ảnh 2.

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia. Ảnh: Bộ GTVT

Vừa qua, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 10 yêu cầu phải ngăn chặn công chức, viên chức, Đảng viên... can thiệp vào việc lực lượng chức năng thực thi pháp luật vi phạm nồng độ cồn cũng như nghiên cứu tăng mức xử phạt cao hơn đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ủy ban ANTG quốc gia có những đánh giá, nghiên cứu như thế nào khi sắp tới có những sự sửa đổi, thay đổi trong việc này?

- Thứ nhất, việc nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được Chính phủ và các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an chỉ đạo rất quyết liệt.

Điều này thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị khi năm 2023 là năm an toàn giao thông chọn chủ đề "Thượng tôn pháp luật xây dựng văn hóa ATGT" đã được triển khai rộng rãi tới các đơn vị chức năng và đã chỉ đạo quyết liệt phải thực hiện nghiêm trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lí vi phạm.

Thứ hai, là thực hiện nghiêm việc nghiêm cấm cán bộ, Đảng viên can thiệp vào quá trình lực lượng chức năng phát hiện và xử lỳ vi phạm nồng độ cồn, việc này thực hiện rất nghiêm túc.

Thứ ba là kiên quyết với trường hợp vi phạm nồng độ cồn là công chức, viên chức, Đảng viên sẽ phải gửi thông tin về cơ quan, đơn vị và nơi cư trú thông báo để quản lý cán bộ theo đúng quy định của từng ngành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như ý thức, trách nhiệm thực hành pháp luật về ATGT nói chung và pháp luật về phòng chống bia rượu nói riêng.

Nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn, và có thể xử lý hình sự những gì? - Ảnh 3.

Quan bia vắng khách vì khách sợ bị thổi nồng độ cồn. Ảnh: TA

Đối với Trường hợp vi phạm nồng độ cồn để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng có xử lý hình sự, quan điểm của ông như thế nào?

- Thực ra, khi vi phạm nồng độ cồn mà để xảy ra các vụ va chạm giao thông thì đã có chế tài xử lý rồi, tùy theo các mức độ có thể xử lý hình sự theo quy định. Bên cạnh những hình phạt cao răn đe, nếu vi phạm đến mức xử lý hình sự chắc chắn hành vi phải rất nguy hiểm, nguy cơ rất cao để xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát chế tài xử lý cũng tương đối cao nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ va chạm nghiêm trọng có tỷ lệ nồng độ cồn cao. Đây là một nguy cơ rất cao và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT nghiêm trọng.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các chế tài để nâng cao mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Cụ thể, xử phạt về kinh tế và và các hình phạt bổ sung. Cái này Ủy ban ATGT quốc gia cũng rất đồng thuận với Bộ Công an, cũng đã nghiên cứu và có thêm những chế tài bổ sung.

Sau này không chỉ phạt nồng độ cồn mà các hành vi khác mang tính chất nghiêm trọng thì cũng có thể áp dụng thêm những hình thức khác. Việc này đang trong tiến trình nghiên cứu và tôi nghĩ là sẽ sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới.

Hiện nay, quá trình chúng ta kiểm tra đã xử lý rất nghiêm, đa phần người dân đã có chuyển biến ý thức và chấp hành tương đối nghiêm. Một số trường hợp cố tình vi phạm và đặc biệt vi phạm với mức cao, có nguy cơ gây ra TNGT nghiêm trọng, chúng ta cần có chế tài cao hơn nữa để xử lý nghiêm phòng ngừa các vụ TNGT nghiêm trọng.

Nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn, và có thể xử lý hình sự những gì? - Ảnh 4.

Nghiêm cấm hành vi can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Ngọc Hải

Tránh việc cả nể bỏ qua xử lý vi phạm nồng độ cồn

Hiện, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng được người dân cũng như giới chuyên gia ủng hộ về việc ngăn chặn công chức, viên chức.. can thiệp việc xử lý, sắp tới Ủy ban ATGT quốc gia có nghiên cứu giải pháp ngăn chặn tình trạng này?

- Thực ra trước đây chúng ta xây dựng Chương trình của Ủy ban ATGT quốc gia năm 2023 đã có chủ đề "Thượng tôn pháp luật xây dựng văn hóa ATGT", trong số đó đã có quy định nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý của vi phạm của lực lượng chức năng.

Việc này đã được những người đứng đầu các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thành các quy định. Hiện nay, rất nhiều địa phương đã có quy định Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh đưa vào quy định thông báo cho toàn tỉnh.

Các chủ trương, chính sách của chính phủ khi chỉ đạo và Bộ Công An cũng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm pháp luật. Trong đó, nghiêm cấm việc can thiệp vào kiểm tra, kiểm soát và xử lý của lực lượng chức năng.

Hiện nay, các Bộ ngành, địa phương đang thực hiện và quan trọng chúng ta phải để việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng làm sao đạt được yêu cầu. Điều quan trọng là phải làm sao thực hiện đúng đủ các quy định hiện nay.

Trong chỉ thị 10 cũng nêu rất rõ việc các địa phương ngoài ban hành các chỉ đạo, cũng giao cho các đơn vị rà soát, có kiểm tra chéo để thực hiện nghiêm.

Nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm nồng độ cồn, và có thể xử lý hình sự những gì? - Ảnh 5.

Đội CSGT số 6 - Phòng CSGT Hà Nội phối hợp cùng với Công an quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành lập chốt kiểm tra, rà soát nồng độ cồn trong khu vực. Ảnh: Ngọc Hải

Về phía lực lượng thực thi pháp luật, như Cảnh sát giao thông... có biện pháp nào để tránh việc cả nể bỏ qua việc xử lý vi phạm nồng độ cồn?

Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo rất chặt chẽ, nghiêm túc, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm tới vấn đề này. Uỷ Ban ATGT quốc gia cũng đã có chỉ đạo rất sát với địa phương.

Ngoài công khai, minh bạch trong việc tuần tra, kiểm soát vi phạm, Bộ Công an đang thực hiện việc xử lý trên hệ thống điện tử. Đây là việc quan trọng để thực hiện nghiêm việc phát hiện và xử lý. Trong quá trình xử lý không chỉ riêng lực lượng công an mà tất cả lực lượng khác cũng đã được chỉ đạo là không được can thiệp vào việc lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Do vậy, Ủy ban ATGT quốc gia cũng thực hiện công khai minh bạch, làm nghiêm theo quy định pháp luật. Bản thân tôi nghĩ cái này rất tốt, dần dần hình thành ý thức chấp hành tự giác của người tham gia giao thông.

Trong đó, lực lượng chức năng khi có chỉ đạo nghiêm thì cũng là tiền đề cho lực lượng CSGT thực hiện nghiêm, tránh trường hợp can thiệp, tác động đến lực lượng tuần tra khảo sát của lực lượng thực thi pháp luật. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy và sẽ thực hiện tốt.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, "cơi nới" thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…

Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem