Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề cập gì tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 03/10/2020 06:15 AM (GMT+7)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tín dụng năm 2020 có thể tăng trưởng 9-10% là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để đạt được mức trên thì phải có nhiều giải pháp, quan trọng nhất là vấn đề giảm lãi suất.
Bình luận 0

Thông tin mới nhất tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến nay tín dụng đã tăng khoảng 6,1%, trong khi tăng trưởng tín dụng đến đầu tháng 9 chỉ vào khoảng 4,2-4,3%, nghĩa là chỉ tính riêng tháng 9, tín dụng đã tăng lên khoảng 1,8%.

Hạ lãi suất là điều kiện quan trọng cho tăng trưởng tín dụng

Theo Phó Thống đốc, tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 cho thấy dấu hiệu tích cực của tiếp cận vốn của doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, linh hoạt, nên trong điều kiện còn khó khăn, còn dư nợ cũ cũng đã sẵn sàng tiếp cận khoản vay mới, trên cơ sở được giãn hoãn, cơ cấu lại khoản nợ của các ngân hàng.

"Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 được đặt ra từ đầu năm lúc chưa xảy ra dịch bệnh, đến nay, trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt, việc hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu tích cực thì tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 9-10%, mức tăng trên 9% là con số khả thi", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Tuy nhiên, để đạt được mức trên thì phải có nhiều giải pháp, quan trọng nhất là vấn đề giảm lãi suất. Theo đó, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, mới đây nhất là lần giảm từ 1/10. Tổng 3 lần giảm lãi suất điều hành lên tới 1,5-2%. Giảm 0,6%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi cá kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay chỉ còn 4,5%/năm).

Phó Thống đốc NHNN nhận định, những lần giảm lãi suất này đã giúp tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã tiết giảm chi phí hoạt động, có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay lãi suất thấp hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng tín dụng.

"Hạ lãi suất là điều kiện quan trọng để tăng trưởng tín dụng. Nhưng các cơ chế hỗ trợ về thuế, tài chính, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh cũng sẽ góp phần tăng trưởng tín dụng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể đạt 9-10%

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể đạt 9-10%

Tín dụng "chảy" đúng hướng

Theo báo cáo vừa được công bố của NHNN, sau quý I tăng chậm, tín dụng quý II có dấu hiệu tăng dần, đến quý III, tín dụng đã khởi sắc khi tháng 7 tăng 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và đến 30/9/2020 tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).

Về tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế: Dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.

Trong đó, tín dụng đã hỗ trợ cho một số ngành là động lực cho tăng trưởng kinh tế cụ thể: Tín dụng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,31%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,36%; ngành xây dựng tăng 9,01%, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8,08%.

Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên: tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với DNNVV tăng khoảng 5,5%.

Theo NHNN, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả tín dụng 9 tháng đầu năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,12%, cũng như các ngành là động lực cho tăng trưởng như ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,7%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, ngành xây dựng tăng 5,02%, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%. Kết quả này cho thấy, điều hành tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, các giải pháp đưa ra là kịp thời, phù hợp với thực tiễn và đang từng bước phát huy hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem