Phó Thủ tướng: Người dân mong mỏi đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động

Thế Anh Thứ năm, ngày 02/01/2020 16:41 PM (GMT+7)
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải tổ chức vào sáng 2/1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị và sớm đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác vì người dân đang mong mỏi hoàn thành để sử dụng.
Bình luận 0

Đánh giá về kết quả hoạt động của Bộ GTVT trong năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành giao thông vận tải đã tạo ra hạ tầng giao thông cho cả nước, tăng năng lực vận tải đóng góp vào phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhu cầu đi lại người dân, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của nước ta. Tuy nhiên, ngành GTVT vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục, nguyên nhân dẫn tới những khó khăn đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bên cạnh đó có cả xử lý những vấn đề tồn tại của thời kỳ trước liên quan đến thanh tra, kiểm tra.

img

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Thế Anh)

Đề cấp tới hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm cần phải đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Trong đó sớm đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vì người dân đang mong mỏi hoàn thành để sử dụng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn còn một số vướng mắc nhỏ mà việc xử lý trong thẩm quyền của Bộ GTVT nên sớm giải quyết".

"Trong năm 2020, Bộ GTVT tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn như: đẩy nhanh việc lựa chọn nhà đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam để sớm thi công, cơ bản giữa năm 2021 đưa vào vận hành; khẩn trương nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành…", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ GTVT cần tập trung xây dựng chính sách, pháp luật, không để lúng túng trong việc chọn nhà đầu tư dự án trọng điểm, lúng túng trong việc giao quản lý khai thác đường băng, đường lăn (khu bay) dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiền nhưng vướng luật nên không thể triển khai đầu tư nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất trong khi ngân sách thiếu. Năm 2020, Bộ GTVT cần phối hợp các Bộ xác định rõ cơ chế đầu tư khu bay nhằm tháo gỡ nhanh, báo cáo Chính phủ.

img

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn nghiệm thu.

Trước đó, báo cáo về tình hình hoạt động của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2019 công tác xây dựng chính sách pháp luật vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc hoàn thiện dự thảo thay thế nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch đề ra, năm 2019 giải ngân ước đạt 26.700 tỉ đồng, tương đương 88,6% kế hoạch được giao năm 2019 (30.134 tỉ đồng). Năm 2020 Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công dự kiến hơn 35.300 tỉ đồng.

Những khó khăn lớn nhất là tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm như các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, một số hạng mục đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; một số dự án còn để xảy ra các khiếm khuyết về chất lượng gây dư luận không tốt như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến tránh Chư Sê của đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai.

Tình hình một số trạm thu phí BOT vẫn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn trong triển khai thu phí. Việc triển khai dự án thu phí tự động gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng.

Về tai nạn giao thông, năm 2019 cả nước xảy ra 17.626 vụ, làm chết 7.624 người, làm bị thương 13.624 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 939 vụ (giảm 5,06%), giảm 587 người chết (giảm 7,15%), giảm 934 người bị thương (giảm 6,42%).

Cũng trong năm 2019, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 16 dự án, khởi công mới 15 dự án. Công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án tiếp tục được triển khai chặt chẽ.

Đối với công tác xây dựng cơ bản, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực GTVT, ban hành nhiều công điện, chỉ thị tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ liên quan đến hoạt động quản lý, thực hiện dự án, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực; tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng xây lắp.

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ công tác lựa chọn nhà thầu tại các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông. Hiện đã cơ bản hoàn thành bàn giao cho các địa phương cọc mốc đền bù giải phóng mặt bằng của 11 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông và đã tổ chức thi công 2 dự án thành phần (đoạn Cam Lộ-La Sơn và đoạn Cao Bồ-Mai Sơn), triển khai sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Bộ GTVT cũng đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, triển khai công tác chuẩn bị cho dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng.

Công tác giải ngân được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, kết quả giải ngân kế hoạch năm 2019 tới hết thời hạn giải ngân kế hoạch (31/1/2020) ước đạt 26.700 tỷ đồng, tương đương 88,6% kế hoạch năm 2019 được giao (30.134 tỷ đồng). Công tác quyết toán tiếp tục được đẩy mạnh: Đã lập và trình 64 dự án với giá trị 31.422 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch; thẩm tra, phê duyệt quyết toán 67 dự án, hạng mục với giá trị 24.196 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem