Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Mưa lũ, sạt lở đất có nguyên nhân chủ quan của con người"

Quang Dân Thứ sáu, ngày 06/11/2020 18:48 PM (GMT+7)
Đối với giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết cần sớm hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai, rà soát kịch bản biến đổi khí hậu, làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó thiên tai, sạt lở đất...
Bình luận 0

Tại phiên trả lời chất vấn trực tiếp kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, chiều 6/11, trả lời câu các câu hỏi của đại biểu về nguyên nhân, giải pháp, cách ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay đợt mưa lũ kéo dài vừa qua kết hợp với bão số 9 đã gây thiệt hại lớn cho miền Trung.

Nguyên nhân chủ quan của con người

Hiện nay tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão lũ và sạt lở đất đang là thách thức lớn với hầu hết các quốc gia trên thế giới mà trong đó Châu Á là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

"Ở nước ta, mưa lũ, sạt lở đất ở nhiều nơi. Bên cạnh những nguyên nhân chính của sạt lở đã được các nhà khoa học nói rất nhiều, còn có nguyên nhân chủ quan của con người", Phó Thủ tướng cho hay.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: " Kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai rất lớn" - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn

Phân tích thêm về tình trạng phát triển rừng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết năm 1945, rừng Việt Nam chiếm khoảng 43% thì đến năm 1995 chỉ còn 28%. Nhưng đến nay độ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt trên 41%, cao hơn nhiều mức bình quân che phủ rừng của thế giới xấp xỉ 3%.

Tuy nhiên, chất lượng rừng của Việt Nam còn thấp, nguyên nhân bởi do thời gian dài rừng tự nhiên chúng ta bị phá để phát triển kinh tế, trong khi đó, rừng mới có chất lượng không cao; tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; việc trồng rừng thay thế chưa được kiểm soát chặt chẽ.

"Từ đó đã ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Thứ hai, do việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực miền núi như các công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống,... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất. Mặt khác, việc xây dựng các công trình giao thông, các công trình xây dựng khác cũng gây cản trở thoát lũ làm cho lũ dâng cao.

Thứ ba là việc xây dựng các công trình nhà ở, các công trình bệnh viện, trường học, công sở, các điểm dân cư tự phát… tại khu vực miền núi thiếu nghiên cứu yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ.

Thứ tư là việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện… nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.

Bên cạnh mặt tích cực như các công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước.

Tuy nhiên, để xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường, vì các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: " Kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai rất lớn" - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Thứ năm là lực lượng tìm kiếm cứu nạn tuy huy động được các lực lượng Trung ương, địa phương, quân đội, công an với phương châm 4 tại chỗ nhưng chưa có lực lượng ứng phó thiên tai, tìm kiếm nạn chuyên nghiệp.

Hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai

Đối với giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay chúng ta cần hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai, rà soát kịch bản biến đổi khí hậy làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó thiên tai, sạt lở đất.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2030, xây dựng quy hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai; sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Rà soát, sửa chữa, cải tạo công trình giao thông gây cản trở thoát lũ, đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền đảm bảo tránh lũ an toàn.

Ngoài ra, tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ; nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; lồng ghép đầu tư công tác phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương.

"Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nhu cầu chi ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai. Yêu cầu kinh phí là rất lớn", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem