Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Ưu tiên vốn đầu tư công cho công trình ngăn mặn, điều tiết nước

Khương Lực Thứ tư, ngày 19/08/2020 18:20 PM (GMT+7)
Gần 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ được Bộ NNPTNT chuyển tiếp sang giai đoạn trung hạn sau để giải ngân. Bộ này đề xuất tăng gần gấp đôi (1,96 lần) vốn đầu tư giai đoạn 2021- 2025 cho 515 dự án với tổng vốn là 143.694 tỷ đồng.
Bình luận 0

Vốn ngoại thừa, vốn nội thiếu

Ngày 19/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NNPTNT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án đầu tư.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Ưu tiên vốn đầu tư công cho công trình ngăn mặn, điều tiết nước - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NNPTNT về giải ngân vốn đầu tư công.

Báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ NNPTNT được phân bổ hơn 70.000 tỷ đồng cho 288 dự án, đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các dự án là 69.921 tỷ đồng, vốn đã được giao đến hết năm 2020 là 62.012 tỷ đồng.

Trong năm 2020, tổng cộng vốn kế hoạch Bộ NNPTNT được giao thực hiện, giải ngân là 17.324 tỷ đồng, có tính 1.808 tỷ đồng vốn nước ngoài Bộ xin trả lại do không có khả năng giải ngân. Đến nay, số vốn đã phân bổ cho Bộ NNPTNT là 13.978 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2020, Bộ đã giải ngân được 5.029 tỷ đồng, đạt 36,6% và dự kiến cả năm sẽ giải ngân 13.156 tỷ đồng, đạt 94,1%.

Theo đó, hợp phần xây dựng tại các dự án trái phiếu Chính phủ không vướng mắc về thủ tục, không tăng tổng mức đầu tư, sẽ giải ngân đạt 100%. Các dự án ODA sẽ giải ngân đạt 92,1% nếu điều chuyển 1.808 tỷ đồng không có nhu cầu. Các dự án ngân sách tập trung sẽ giải ngân đạt 97% kế hoạch năm.

Nói về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên chúng ta đã chuyển hình thức đầu tư từ "ăn đong" hàng năm sang một chương trình đầu tư trung hạn bền vững, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả đầu tư đem lại rất rõ rệt.

Đặc biệt, một loạt công trình quan trọng như: Âu thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh; Trạm bơm Xuân Hòa; 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre… đã được đẩy nhanh thi công, rút ngắn thời gian thực hiện, kịp thời chống hạn mặn năm 2019-2020. Những công trình này đã trực tiếp kiểm soát khoảng 83.000ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000ha diện tích canh tác, góp phần giảm tối đa thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong khu vực.

Ngay từ đầu năm 2020 Bộ NNPTNT đã báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành xin điều chuyển 1.808 tỷ đồng vốn nước ngoài (ODA) không có nhu cầu của Bộ NNPTNT cho các chương trình khác.

Cần đề xuất tăng gấp đôi vốn đầu tư công cho nông nghiệp - Ảnh 1.

Thi công công trình hồ chứa nước Cánh Tạng (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Ảnh: Viết Đào

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng:

Huy động các nguồn lực cho nông nghiệp

Trong năm qua, Bộ NNPTNT đã tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và đã đạt được nhiều kết quả, đã giải ngân được 51.965 tỷ đồng vốn trung hạn, đạt trên 74%. Riêng 7 tháng đầu năm đã giải ngân được 39%, còn gần 8.000 tỷ đồng sẽ chuyển sang năm 2021.

Việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết là tạo ra sự tăng trưởng trực tiếp của ngành xây dựng, tham gia vào tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, dựa vào đầu tư công để tăng trưởng được rất ít, nhưng điều quan trọng hơn giải ngân vốn đầu tư công vì đây là vốn đầu tư chủ yếu cho những công trình không thu hồi vốn, đó là hệ thống kết cấu tầng mà trong nông nghiệp thì vô cùng quan trọng. Đó là các công trình thủy lợi và hệ thống thủy lợi như các hồ, đập thủy lợi, công trình dự trữ nước ngọt, đảm bảo an ninh nguồn nước, các công trình ngăn mặn, điều tiết và trữ nước…, đặc biệt là khu vực duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này đã tiếp nhận lại 1.808 tỷ đồng để giao cho các bộ ngành và địa phương có nhu cầu sử dụng. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh 1.808 tỷ đồng vốn ODA sẽ giúp tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này lên, hiện mới giải ngân được 246,4 tỷ đồng, đạt 6,77%.

Theo ông Phương, hiện nay đang xảy ra tình trạng vốn ngoại thừa, nhưng vốn nội lại thiếu. Trong số 57 dự án trung hạn do Bộ NNPTNT giao thực hiện, có tới 16 dự án phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 do bố trí vốn trung hạn chưa đủ.

Trên cơ sở tổng hợp đề xuất đầu tư giai đoạn 2021-2025 của các địa phương, đơn vị là 792 dự án với nhu cầu 255.284 tỷ đồng, Bộ NNPTNT đã rà soát, đề xuất tổng nhu cầu lần 1 là 143.694 tỷ đồng (bằng 1,96 lần so với giai đoạn 2016-2020) bố trí cho 515 dự án.

Về đề xuất tăng gần gấp đôi nguồn vốn cho 5 năm tới, theo ông Trần Quốc Phương, dự kiến nguồn cho giai đoạn tới tăng không được nhiều. 

"Mức tăng gấp rưỡi là rất khó" - ông Phương nhấn mạnh và cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ NNPTNT có phương án đề xuất những dự án ưu tiên, trọng điểm để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tới.

Vướng nhất là giải phóng mặt bằng chậm

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc giải ngân vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ là tiến độ giải phóng mặt bằng của các địa phương chậm. Đặc biệt, 3 dự án lớn là hồ Cánh Tạng (Hòa Bình), hồ Krông Pách Thượng (Đăk Lăk) và hồ Bản Mồng (Nghệ An) hiện kinh phí giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng rất thấp.

Đơn cử, tại hồ Krông Pách Thượng, diện tích giải phóng mặt bằng là 2.338ha, di dân 724 hộ với kinh phí 1.432 tỷ đồng, nhưng tổng vốn giải ngân toàn bộ mới đạt 317 tỷ đồng, đạt 22,1% và trong 6 tháng đầu năm 2020 mới giải ngân được 102 tỷ đồng, đạt 16%. Hay tại hồ Bản Mồng (Nghệ An), đến nay tiến độ giải ngân vẫn rất chậm, giải ngân 7 tháng đầu năm mới đạt 18%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ NNPTNT trong việc tăng cường, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công cũng như chỉ đạo sản xuất, phòng chống thiên tai trong thời gian vừa qua rất quyết liệt và hiệu quả.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp ít tác động trực tiếp đến tăng trưởng, nhưng lại tạo ra tăng trưởng thứ cấp rất lớn, đó là tạo ra cơ sở hạ tầng để đảm bảo an ninh lương thực, chống hạn mặn tốt. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần nâng cao đời sống người dân.

Để thúc đẩy tiến độ và căn bản giải ngân hết vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NNPTNT kiên định thực hiện các mục tiêu như đã báo cáo, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, Bộ NNPTNT cần kiểm soát chặt chẽ công tác đầu tư xây dựng gắn với phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo đúng tiến độ giải ngân. Đồng thời, chú ý công tác an toàn trong thi công, xây lắp, đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và chống thất thoát, lãng phí.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem