Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phỏng vấn 100 người thì 99 người cùng câu trả lời”

10/12/2019 13:08 GMT+7
“Chính phủ điện tử suy cho cùng là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, giúp minh bạch hơn. Tôi phỏng vấn 100 người thì 99 người sau khi gợi ý đều nói vậy”, đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019.

Ngày 10/12/2019 tại Hà Nội, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề "Chuyển động cùng công nghệ chip" (EPF 2019).

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh,Thứ Trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường…

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Cách mạng 4.0, Chính phủ cũng có nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng làm sao tận dụng tốt thời cơ của Cách mạng 4.0, để Việt Nam không bị bỏ lỡ nhưng phải bằng hành động cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phỏng vấn 100 người thì 99 người cùng câu trả lời” - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó thủ tướng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet lên.

Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á rất năng động, kinh tế Internet quy mô 100 tỷ USD, dự kiến 5 năm tới tăng gấp 3 lần. Vậy Việt Nam đang ở đâu? Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cũng nhân dịp bàn về chủ đề công nghệ chip, Phó thủ tướng đã kể lại một câu chuyện "ôn cố chi tân" để thúc đẩy các bộ, ngành, doanh nghiệp quyết tâm làm.

"Cách đây 30 năm ngành bưu điện có 2 việc đáng nhớ: Lúc đó, cả thế giới có công nghệ GSM, công nghệ số, những nước trong khu vực như Thái Lan dùng công nghệ tương tự này và sẵn sàng chuyển giao không mất tiền cho VIệt Nam. Nhưng Việt Nam đã từ chối để đi thẳng vào Công nghệ GSM 2G. Việt Nam là một trong những nước tiên phong và có kết quả.

Ngày đó công dân Hà Nội và TP.HCM còn nhớ các bốt điện thoại, 1 dạng màu vàng, và dùng thẻ từ, và màu xanh, Đức Pháp hợp tác dùng thẻ chip. Lúc đó có ý kiến ví von, điện thoại dùng thẻ từ lúc đó tương tự như đánh máy ra rồi photo rồi gửi thư qua bưu điện, còn điện thoại dùng thẻ chip đánh máy dùng máy fax chuyển đi khắp nơi. Phải chăng bây giờ chúng ta cũng tương tự như vậy?".

Phó Thủ tướng gợi nhắc lại và nhấn mạnh: Chúng ta có thể bàn về công nghệ nhưng chắc chắn nếu mạnh dạn tiến thẳng lên 1 bước thì sẽ không bị lỡ.

"Để làm việc này cần sự đồng lòng kêu gọi không chỉ cơ quan nhà nước mà chúng ta cần bàn sâu sát với doanh nghiệp, đây cũng là phần trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước với xã hội. Chúng ta phải thay đổi cả hạ tầng, sẽ là sự tốn kém nhưng nếu cần thiết cho đất nước phát triển thì sự tốn kém ấy về lâu dài bù đắp lại kinh tế xứng đáng. Quan trọng cả đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của ngân hàng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phỏng vấn 100 người thì 99 người cùng câu trả lời” - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ các đại biểu bên lề diễn đàn

Phó Thủ tướng nói thêm: Chính phủ điện tử suy cho cùng là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, giúp minh bạch hơn. Tôi phỏng vấn 100 người thì 99 người sau khi gợi ý đều nói vậy, nhưng có vài người nói rằng ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp quản lý điều hành tốt hơn mà còn huy động người dân tham gia vào công việc quản lý xã hội nhiều hơn.

Người Việt Nam có câu đồng tiền đi liền với khúc ruột, an toàn an ninh trong thanh toán trong đồng tiền với người dân là thiết thực. Đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta thúc đẩy và phải làm sao mọi người dân thấy lợi tham gia vào.

Chúng ta đã có đợt quyết liệt thanh toán lương qua tài khoản ngân hàng. Giờ nhiều nông dân người nghèo vẫn nghĩ rằng có tài khoản là cái gì đó không dành cho mình thì đây là nhiệm vụ của chúng ta, không chỉ các tổ chức ngân hàng, tổ chức tín dụng mà nhiệm vụ của cả truyền thông.

"Chúng ta phải đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân, bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối. Và để làm được chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, cả kể việc xem xét thời điểm và cùng với đó là chương trình mọi người dân dù nghèo đều phải có Smartphone. Phải vận động giải thích người dân cùng tham gia", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Những năm trước, Chính phủ đã có chỉ đạo rõ tiền thuế, bảo hiểm, điện lực viễn thông phải thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đầu năm nay cũng quyết định bắt buộc 2 ngành liên quan đến người dân nhiều nhất là Giáo dục, Y tế phải triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

"Hôm nay, Bộ Y tế và số bệnh viện ký cam kết cùng ngân hàng. Đây là tượng trưng thôi, cả ngành y tế đều có văn bản chỉ đạo, vào cuộc rồi. Những hành động như vậy nên khuyến khích bằng hành động cụ thể, thiết thực. Ngân hàng, doanh nghiệp chung tay vì công nghệ, lợi ích chung. Tôi tin rằng lĩnh vực thanh toán điện tử nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng thời cơ cách mạng 4.0 sẽ đạt được kết quả thiết thực", Phó thủ tướng tin tưởng.

Cũng tại diễn đàn này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phỏng vấn 100 người thì 99 người cùng câu trả lời” - Ảnh 3.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh

Triển khai nhiệm vụ này, ngày 05/10/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Bộ tiêu chuẩn này quy định chi tiết các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam; tương thích với chuẩn EMV của quốc tế; giúp ngăn ngừa hữu hiệu rủi ro gian lận, giả mạo thẻ trong môi trường vật lý qua kênh ATM/ POS và giúp thanh toán thẻ trở nên an toàn, tin cậy hơn đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Đặc biệt chuẩn thẻ chíp của Việt Nam với công nghệ thẻ giao diện kép (Dual-Interface) gồm tiếp xúc và phi tiếp xúc là công nghệ thẻ chíp hiện đại nhất, hiện nay sánh ngang với những nước tiên tiến đã triển khai trước đó như Anh, Úc, Singapore hay Malaysia.

"Bên cạnh đó, ứng dụng thẻ Chíp giúp các ngân hàng phát hành thẻ nội địa Việt Nam có tiềm năng mở rộng hệ sinh thái thanh toán sang các ngành dịch vụ khác như y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm…, đem lại lợi ích thiết thực và trải nghiệm giao dịch vượt trội cho người dân sử dụng dịch vụ.", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết thêm, hiện tại, thẻ ngân hàng đã và đang trở thành phương tiện thanh toán được người dân Việt Nam sử dụng phổ biến, được các ngân hàng thương mại chú trọng phát triển, tăng cường tính năng, tiện ích sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng cao (trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018).

Tính đến cuối tháng 9/2019, số lượng thẻ lưu hành trên cả nước đạt trên 96,4 triệu thẻ, với 56 tổ chức phát hành với rất nhiều thương hiệu thẻ khác nhau, trong đó thẻ ghi nợ nội địa vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trên 90% tổng lượng thẻ lưu hành; Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ được các ngân hàng thương mại chú trọng đầu tư, mở rộng, với trên 18.900 ATM và trên 275.600 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt.

Hạ tầng và dịch vụ thẻ phát triển mạnh mẽ làm gia tăng đáng kể số lượng khách hàng, số lượng tài khoản ngân hàng và làm cơ sở để thúc đẩy các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao đi kèm như: Ví điện tử, MobileBanking, InternetBanking,…; đáp ứng được nhu cầu thanh toán ngày càng cao của khách hàng, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và phù hợp với xu thế thanh toán trong khu vực và trên thế giới.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục