Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Cần liên minh, tạo sản phẩm du lịch chất lượng

Thanh Hà (thực hiện) Thứ bảy, ngày 03/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để khôi phục ngành du lịch, cần có những phương án linh hoạt tạo liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) để có nhiều phương án cho khách.
Bình luận 0
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu:  Cần liên minh, tạo sản phẩm du lịch chất lượng - Ảnh 1.

Thưa ông, 9 tháng với hai đợt bùng phát dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành gặp nhiều tổn thất nặng nề nhất. Vậy ông có thể sơ lược con số thiệt hại của ngành du lịch trong 9 tháng qua?

- Theo thống kê, hết tháng 9/2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 3,6 triệu lượt, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2019. Khách nội địa đạt 33 triệu, giảm 50%. Tổng thu từ khách du lịch là 214.970 tỷ đồng, giảm 51,39%.

Hệ thống DN lữ hành 9 tháng đầu năm có 227 cơ sở xin thu hồi giấy phép, 186 DN xin cấp mới. Số rút giấy phép tăng 3 lần và cấp mới giảm 48% so với 2019...

Dự báo thiệt hại của ngành du lịch 2020, tổn thất về khách quốc tế rất lớn so với mục tiêu 2020 là đón 20,5 triệu. Dự tính, nếu quý IV có đón xấp xỉ 4 triệu lượt khách quốc tế, thì vẫn giảm hơn 16 triệu lượt khách quốc tế so với kế hoạch. Thiệt hại tương đương trên 16 tỷ USD.

Khách nội địa, theo kế hoạch 2020 đạt trên 90 triệu lượt khách, dự báo 2020 kích cầu du lịch nội địa trở lại thì đến cuối năm có thể đạt trên 50 triệu lượt, giảm gần 40 triệu lượt. Thiệt hại cỡ 7 tỷ USD. Tổng thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu:  Cần liên minh, tạo sản phẩm du lịch chất lượng - Ảnh 2.

Du khách mua hàng tại quầy bán nông sản tại Hà Giang. Ảnh: Thanh Hà

Với những con số thiệt hại như vậy, Tổng cục Du lịch đã có những giải pháp gì để khôi phục ngành du lịch?

- Trong bối cảnh số ca mắc bệnh và tử vong trên thế giới vẫn tăng, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, thì trong 3 tháng cuối năm, ngành du lịch xác định thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện du lịch nội địa theo chương trình kích cầu. Với tinh thần đó, du lịch sẽ thực hiện 6 nhóm giải pháp cơ bản để sớm phục hồi hoạt động du lịch.

Thứ nhất là tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN, người lao động trong ngành du lịch, tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ hai là đổi mới, tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá về điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn, chất lượng. Hoàn thiện kịch bản xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường khi được phép mở cửa du lịch quốc tế trở lại.

Thứ 3 là hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường và các yêu cầu phục vụ khách du lịch, đảm bảo điều kiện vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. Các sản phẩm cần nâng cấp theo mức độ an toàn.

Thứ 4 là phát triển du lịch thông minh, xây dựng các ứng dụng để du lịch Việt Nam an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến quảng bá du lịch.

Thứ 5 là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hoàn thiện môi trường về du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh.

Thứ 6 là chú trọng đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, đảm bảo trình độ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thưa ông, đợt 1 của kích cầu du lịch, nhiều sản phẩm, dịch vụ đã giảm giá tới 40-50%, vậy đợt 2 liệu có giảm sâu hơn?

- Chắc chắn không giảm được nữa. Vì các chương trình kích cầu đợt này tập trung mạnh vào chất lượng để người ta đi du lịch chứ không phải chỉ về giá. Giá đã giảm sâu, không thể thấp hơn được nữa.

Vậy trong tình hình khó khăn hiện nay của ngành, theo ông cần có sáng kiến nào để DN du lịch không rơi vào tình trạng phá sản?

- Sau Covid-19, các DN phải có tư duy mới, tư duy lại về cách làm du lịch. Có những phương án linh hoạt để tạo ra liên kết giữa DN mình và DN khác để có nhiều phương án cho khách.

Khách có thể đi nhiều phương án khác nhau, không nhất thiết chỉ du lịch với số lượng đông. Số lượng nhỏ nhưng doanh thu cao, đó mới là cái tài giỏi. Tôi nghĩ theo hướng đó du lịch bền vững, chất lượng với giá trị gia tăng cao. Hướng của ngành khuyến khích những ý tưởng liên kết sáng tạo và tạo ra những trải nghiệm mới, hấp dẫn mới để thu hút khách. Khó có thể tăng lượng khách, thì phải tìm cách tăng giá trị chuyến đi…

Xin cảm ơn ông!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem