Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai: Đất dành cho sản xuất nông lâm nghiệp chiếm 84% quỹ đất tự nhiên

Tố Tố Thứ hai, ngày 12/09/2022 11:17 AM (GMT+7)
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, trả lời câu hỏi của bà Trần Thị Thanh Thoan ở xã Mộc Nam (Duy Tiên - Hà Nam) về việc quỹ đất dành cho nông nghiệp đang bị thu hẹp, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TNMT) thông tin:
Bình luận 0

Liên quan đến nội dung đất cho người nông dân, tôi xin đưa 2 con số: hiện trong khoảng 16,8 triệu hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất thì có 10,2 triệu hộ là nông dân.

Trong 33 triệu ha đất thì có 27 triệu ha là đất nông lâm nghiệp, chiếm 84% quỹ đất tự nhiên. Qua 2 con số trên có thể thấy tỷ lệ đất lớn là dành cho nông lâm nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai: Đất dành cho sản xuất nông lâm nghiệp chiếm 84% quỹ đất tự nhiên - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Thanh Thoan, ở thôn Đô Quan, xã Mộc Nam (Duy Tiên - Hà Nam): Có một thực tế ở nhiều địa phương đang có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ như Hà Nam hiện nay là quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, có tình trạng nông dân thiếu đất để trồng cỏ nuôi bò. ẢNh: Viết Niệm.

Thời gian qua, trong quá trình biên soạn, sửa đổi Luật đất đai thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng luôn chú trọng làm thế nào để giữ lại nhiều nhất đất cho sản xuất nông lân nghiệp. Do vậy, liên quan đến câu hỏi của chị Thoan, về chính sách hiện hành là bảo vệ nông dân khi bị thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, tôi xin được thông tin như sau:

Đất của chị thuộc diện nào, đất sản xuất hay đất công ích. Nếu là đất công ích của địa phương thì 5% công ích này thì địa phương được quyền đấu thầu hoặc đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư đưa vào sản xuất. Vấn đề này đã được pháp luật quy định, chúng ta chỉ tổ chức thực hiện sao cho đúng quy định thôi.

Liên quan trực tiếp đến chính sách bồi thường nếu thu hồi đất của nông dân thì hiện nay chúng tôi đang chỉnh sửa quy định theo hướng cụ thể hơn nữa: thứ nhất là đa dạng hóa trình tự, thủ tục. Thứ hai là phương án bồi thường, tái định cư phải đi trước, trước khi có ý định thu hồi đất của người dân phải có phương án tái định cư ổn định cho người dân. Thứ ba là lập quỹ hỗ trợ cho những người mất tư liệu sản xuất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai: Đất dành cho sản xuất nông lâm nghiệp chiếm 84% quỹ đất tự nhiên - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Viết Niệm

Về vấn đề tập trung đất đai cho tư liệu sản xuất, thì hiện nay trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra mức nhận chuyển nhượng là không quá 15 lần so với trước đây là 10 lần. Đồng thời, bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Tiếp theo là mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa) là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội.

Cuối cùng, người nông dân được linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem