Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi - Tái cấu trúc ngành chăn nuôi lợn
Lấy thịt gà bù thịt lợn
Tại hội nghị bàn về giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm mới đây cùng các tỉnh thành chăn nuôi gia cầm trọng điểm trên cả nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Thịt lợn và thịt gia cầm (chủ yếu là gà) chiếm tới 90% nhu cầu tiêu thụ thịt hàng năm của cả nước. Trong đó, thịt lợn đóng vai trò chủ chốt trong ngành chăn nuôi.
Khó khăn, bất cập cho ngành chăn nuôi hiện nay đó là khi ngành hàng thịt lợn có biến động, mà điển hình là ảnh hưởng do DTLCP vừa qua, thì lập tức có tác động tới CPI cả nước. Đây là đặc thù và là thói quen tiêu dùng đòi hỏi phải có sự thay đổi, từng bước đa dạng hóa thực phẩm thịt, trong đó có việc phải từng bước nâng cao cơ cấu tiêu dùng thịt gia cầm trong thời gian tới.
Phải từng bước nâng cao cơ cấu tiêu dùng thịt gia cầm trong thời gian tới để đa dạng hóa thực phẩm thịt.
Khẳng định vai trò quan trọng của gia cầm trong rổ thực phẩm của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể phải dai dẳng, thời gian khôi phục ngành hàng thịt lợn sẽ còn lâu dài. Nếu 2 - 3 năm tới, ngành hàng thịt lợn trong nước mới có thể khôi phục được hoàn toàn thì nguy cơ thịt lợn, thịt gia cầm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng cao. Vì vậy, việc đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, nhất là gà không chỉ có vai trò thay thế cho nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu trong tương lai.
Bàn về giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm gắn với xuất khẩu, Bộ trưởng cho rằng những năm qua, Việt Nam đã hình thành đầy đủ nền công nghiệp chăn nuôi gia cầm, từ công nghệ giống, siêu thịt, trứng, nền tảng công nghiệp thức ăn, có dạng hình chăn nuôi phù hợp, đồng thời cũng đã có cả những lĩnh vực liên kết trong sản xuất. Đây là cơ sở để thúc đẩy sản xuất, tiến tới xuất khẩu trong lĩnh vực này. Bởi gia cầm có điều kiện và dư địa sản xuất còn rất lớn, chỉ hơn 2 tháng đã có thể xuất chuồng được (gà màu).
“Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì được một bộ phận người chăn nuôi gia cầm được tổ chức bài bản, có tiềm lực, vì vậy để nâng lên thành một ngành hàng có quy mô phù hợp là hoàn toàn khả thi” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý: Việc phát triển chăn nuôi gia cầm cần phải đúng quy hoạch, không để xảy ra dịch bệnh; từng quy mô ngành hàng phải tính được thị trường, phải định dạng thị trường nhằm tập trung phát triển, đẩy nhanh xuất khẩu.
“Tất cả các dòng sông đều chảy”
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: DTLCP đã, đang và sẽ ảnh hưởng dai dẳng tới ngành hàng chăn nuôi lợn của nước ta. Hiện tại, Bộ NN-PTNT chủ trì, cùng các Bộ ngành khác như Y tế, KH-CN... triển khai một chương trình chung tổng thể cấp Nhà nước về phòng chống DTLCP trong dài hạn, trong đó có việc nghiên cứu vacxin, các giải pháp tổng thể dài hạn về môi trường, kiểm soát dịch tễ... với mục tiêu xác định phải sống chung với DTLCP. Dù vậy, thực tiễn thế giới từ khi xuất hiện DTLCP đến nay đã gần 100 năm, tuy nhiên vẫn chưa có vacxin hay biện pháp chữa trị hữu hiệu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến
Việt Nam, vì vậy dù có kế thừa những tiến bộ của thế giới, thì vẫn sẽ cần những thời gian dài mới có thể có các giải pháp ứng phó hiệu quả với DTLCP. Theo Thứ trưởng Tiến, thực tế này cho thấy, tinh thần, phương châm của ngành chăn nuôi nói chung hiện nay của Việt Nam, phải giống như “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “tất cả các dòng sông đều chảy”. Nghĩa là vừa phòng chống hiệu quả DTLCP, vừa phải tiếp tục giữ được đà phát triển, tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi; phát triển chăn nuôi phải đồng bộ, cả về chăn nuôi gia cầm, đại gia súc, trứng, sữa, thịt lợn..., chứ không chỉ chăm chăm mỗi chăn nuôi lợn hoặc chỉ tập trung hết cho mỗi việc phòng chống DTLCP.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Những năm qua, chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt, hiện một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư dây chuyền công nghệ chăn nuôi hiện đại, khép kín, tự động hóa 100%. Dịch bệnh về gia cầm những năm qua cũng đã được khống chế, tạo điều kiện để bước đầu xây dựng được một số vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn dịch bệnh, được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận và đã xuất khẩu được sản phẩm gia cầm sang Nhật Bản...
Mặc dù vậy, chăn nuôi gia cầm của Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn vươn ra xuất khẩu. Đó là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ của các nước ngày càng siết chặt về tiêu chuẩn các sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi; dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những phức tạp, khó lường; chăn nuôi gia cầm nước ta nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ; hạ tầng chế biến, giết mổ còn rất hạn chế...
Vì vậy thời gian tới, cần phải tập trung tháo gỡ một số nút thắt cho chiến lược xây dựng ngành gia cầm nước ta. Một là các đơn vị của Bộ NN-PTNT phải phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương để xây dựng nhiều hơn nữa các vùng an toàn dịch bệnh được OIE công nhận, bởi đây là tiền đề quan trọng nhằm tạo điều kiện để xuất khẩu các sản phẩm gia cầm... Hai là công tác giống gia cầm, phải tập trung hơn nữa lực lượng nghiên cứu, cả khối viện – trường và cả khối doanh nghiệp; cả theo hướng giống năng suất (chú trọng dành cho các doanh nghiệp chế biến lớn) và cả hướng đặc sản, giống bản địa, gà lông màu chất lượng cao. Công tác nghiên cứu, cần phải sàng lọc lại, tập trung vào các đề tài chiến lược, dài hơi, có tính kế thừa đồng bộ cả về giống, thức ăn, dinh dưỡng, phương thức chăn nuôi...