Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Tín hiệu tích cực khi sử dụng vaccine

Thiên Hương Thứ hai, ngày 16/01/2023 08:25 AM (GMT+7)
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến đầu tháng 1/2023, 4 lô vaccine đầu tiên sản xuất năm 2022 của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC) đã được kiểm nghiệm và đạt yêu cầu chất lượng, đảm bảo các chỉ tiêu tinh khiết, an toàn và hiệu lực.
Bình luận 0

Sau khi tiêm vaccine AVAC ASF LIVE 4 tuần, 660 mẫu máu thu tại 41 trại chăn nuôi của Công ty C.P Việt Nam cho thấy, tỷ lệ lợn có đáp ứng miễn dịch đạt 94,85%.

Những kết quả tích cực khi lợn tiêm vaccine AVAC ASF LIVE

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT), vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam phát triển đã được cấp phép lưu hành vào ngày 8/7/2022 và đưa vào sử dụng có giám sát tại các trang trại chăn nuôi lợn.

Sau khi được cấp phép lưu hành, Cục Thú y đã có công văn đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai kế hoạch giám sát và sử dụng vaccine phòng bệnh DTLCP AVAC ASF LIVE. Theo đó, quy mô thực hiện giám sát chất lượng với 10 lô vaccine và đánh giá hiệu quả sử dụng 600.000 liều trên đàn lợn tại 30 tỉnh, thành phố. 

Thời gian giám sát sử dụng 600.000 liều vaccine ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận lưu hành (theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NNPTNT) cho đến khi chủ cơ sở bán, tiêu thụ số lợn thịt được tiêm 600.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE.

Cục Thú y cho biết, đến đầu tháng 1/2023, 4 lô vaccine đầu tiên sản xuất năm 2022 của AVAC đã được kiểm nghiệm và đạt yêu cầu chất lượng, đảm bảo các chỉ tiêu tinh khiết, an toàn và hiệu lực. Gần 300.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE đã được triển khai tiêm tại hơn 200 trang trại nuôi lợn thịt.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Tín hiệu tích cực khi sử dụng   vaccine - Ảnh 1.

Gần 300.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE đã được triển khai tiêm tại hơn 200 trang trại nuôi lợn thịt có quy mô khác nhau. Ảnh: AVAC

Hiện nay cả nước có 3 DN là Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco đang nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnhDTLCP.

Kết quả giám sát cho thấy, vaccine AVAC ASF LIVE an toàn trên lợn được tiêm tại tất cả các trang trại và có đáp ứng miễn dịch tốt. Điều đáng chú ý là vaccine AVAC ASF LIVE đã được sử dụng và đánh giá cao tại một số công ty chăn nuôi lớn, trong đó có Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. 

Theo đó, đến giữa tháng 12/2022, Công ty CP C.P Việt Nam đã tiến hành tiêm vaccine AVAC ASF LIVE cho 271.424 lợn thịt tại 226 trại thuộc 30 chi nhánh của công ty. Toàn bộ lợn sau khi tiêm vaccine đều khỏe mạnh. Sau khi tiêm 4 tuần, Công ty C.P tiến hành lấy mẫu máu kiểm tra đáp ứng miễn dịch của vaccine bằng phương pháp ELISA. 

Kết quả kiểm tra 660 mẫu máu thu thập tại 41 trại cho thấy tỷ lệ lợn tiêm vaccine có đáp ứng miễn dịch (số mẫu có kháng thể kháng virus DTLCP, ELISA dương tính) đạt 94,85%. Trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, mỗi tháng Công ty C.P sử dụng hơn 200.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE tại các trại nội bộ của công ty.

Kiểm nghiệm, khảo nghiệm kỹ lưỡng

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Tín hiệu tích cực khi sử dụng   vaccine - Ảnh 3.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Tín hiệu tích cực khi sử dụng   vaccine - Ảnh 4.

Đến giữa tháng 12/2022, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đã tiến hành tiêm vaccine AVAC ASF LIVE cho 271.424 lợn thịt tại 226 trại thuộc 30 chi nhánh của công ty. Ảnh: AVAC

Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam cho biết, dự án nghiên cứu sản xuất vaccine nhược độc đông khô phòng bệnh DTLCP được khởi động tháng 10/2020. Qua quá trình nghiên cứu, sản xuất, đến nay vaccine của công ty đã được cấp phép lưu hành và đưa vào sử dụng có giám sát tại các trang trại chăn nuôi lợn.

Để đăng ký lưu hành vaccine thì theo quy định chỉ cần đạt kết quả về kiểm nghiệm, khảo nghiệm tại cơ sở. Việc thực hiện khảo nghiệm tại 2 trại chăn nuôi lợn tại Vĩnh Phúc và Bắc Giang cho kết quả tốt.

Đàn lợn không được tiêm vaccine đã bị chết 100%, còn số lợn tiêm vaccine được bảo hộ tốt 100%. Tuy nhiên, do đây là vaccine đầu tiên trên thế giới nên cơ quan quản lý yêu cầu làm kỹ hơn và công ty đã chủ động đề xuất cho sử dụng vaccine tại 4 trang trại có quy mô từ 300-20.000 lợn thịt.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua Cục Thú y đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT về việc cấp giấy chứng nhận lưu hành vaccine AVAC ASF LIVE. Đồng thời, tổ chức thẩm định giống virus vaccine và kiểm nghiệm 3 lô vaccine DTLCP của Công ty Dabaco.

Về vaccine cúm gia cầm, 6 tháng đầu năm, hệ thống thú y đã cung ứng 261,5 triệu liều; đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp (DN) 68,8 triệu liều; dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý III là 160 triệu liều. Với vaccine lở mồm long móng, số liều cung ứng là 22,6 triệu; trong đó đang bảo quản tại kho của DN 10 triệu liều và dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý III là 11 triệu liều.

Vaccine tai xanh có tổng lượng cung ứng 17 triệu liều; đang bảo quản tại kho của DN 7 triệu liều; dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý III là 9 triệu liều. Vaccine viêm da nổi cục có tổng cung ứng 1,5 triệu liều; đang bảo quản tại kho của DN 861,780 liều và kế hoạch nhập quý III là 1 triệu liều. Vaccine dại cung ứng 6 triệu liều; đang bảo quản tại kho của DN 2,1 triệu liều và dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý III là 1 triệu liều.

Tháng 2/2019, bệnh DTLCP lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước. Ước tính đã có khoảng 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số CPI. 

Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem