Phú Thọ: Dân lao đao, Doanh nghiệp khó khăn vì cầu sắp sập nhưng chưa kiếm được nhà thầu

Ngô Hùng - Việt Hoàng Thứ năm, ngày 20/08/2020 07:20 AM (GMT+7)
Tháng 2/2020, Cục Quản lý đường bộ I có thông báo về việc phân luồng phương tiện để phục vụ việc sửa chữa cầu Đoan Hùng trên QL2 tỉnh Phú Thọ và hứa sẽ hoàn thành việc sửa chữa cây cầu vào cuối tháng 8/2020. Thế nhưng đến nay, cầu vẫn chưa được sửa khiến cuộc sống người dân đảo lộn, doanh nghiệp thì bên bờ phá sản.
Bình luận 0
Phú Thọ: Dân lao đao, doanh nghiệp phá sản vì cầu sắp sập nhưng chưa kiếm được nhà thầu - Ảnh 1.

Cầu Đoan Hùng hiện đang hạn chế trọng tải xe

Cầu Đoan Hùng (thuộc địa phận huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) là công trình giao thông được xây dựng từ năm 1982, đi vào hoạt động năm 1984. Đây là cây cầu nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, đảm bảo lưu thông liên tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc theo quốc lộ 2.

Dù được sửa chữa, gia cố nhiều lần, nhưng do đã được xây dựng từ lâu, lưu lượng phương tiện qua lại nhiều, nên cầu Đoan Hùng vẫn xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện tại, hàng loạt vết nứt trải dài trên mặt cầu, dưới gầm cầu, dài đến 1m. Chân móng cầu đã bắt đầu gỉ sét, lộ nguyên những thanh sắt bên trong, tiềm ẩn nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Phú Thọ: Dân lao đao, doanh nghiệp phá sản vì cầu sắp sập nhưng chưa kiếm được nhà thầu - Ảnh 2.

Mặt cầu đã bị xuống cấp

Từ ngày 29/2/2020, Cục Quản lý đường bộ I đã phát đi thông báo về việc phân luồng phương tiện để phục vụ việc sửa chữa cầu Đoan Hùng.

Cụ thể, Cục Quản lý đường bộ I sẽ cấm phương tiện ô tô từ 3 trục trở lên và xe khách lưu thông qua cầu Đoan Hùng.

Các phương tiện này được phân luồng trước cầu Đoan Hùng theo hướng: Phương tiện đến Km109 QL2 (ngã ba giao giữa QL2 và QL70) rẽ trái theo QL70 đến Km15+900 (ngã ba Cát Lem, Yên Bình) rẽ phải theo QL37 gặp QL2 tại Km134 (TP.Tuyên Quang) rẽ trái đi theo QL2 đi Hà Giang.

Phân luồng từ xa: Hà Nội đi theo QL2 đi Vĩnh Yên đến ngã tư giao cắt giữa QL2 và đường Đạo Tú - Tam Dương rẽ phải đi theo QL2C đến Sơn Dương đi theo QL37 đến nút giao QL37 và đường Hồ Chí Minh rẽ phải đi theo đường Hồ Chí Minh qua cầu Bình Ca đến nút giao QL2 và đường Hồ Chí Minh, rẽ phải đi QL2 đi Tuyên Quang, Hà Giang.

Các phương tiện từ Hà Nội đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi theo QL70 đến Km15+900 rẽ phải theo QL37 gặp QL2 tại Km134 (TP Tuyên Quang) rẽ trái đi theo QL2.

Phú Thọ: Dân lao đao, doanh nghiệp phá sản vì cầu sắp sập nhưng chưa kiếm được nhà thầu - Ảnh 3.

Phương án phân luồng các phương tiện vận tải, hành khách không được phép lưu thông qua cầu Đoan Hùng, tạm thời lưu thông qua các tuyến đường tránh trong thời gian cầu sửa chữa khiến chiều dài lưu thông tăng thêm 50-60km.

Đến ngày 11/3, Cục Quản lý đường bộ I đã có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ trình 2 phương án sửa chữa, nâng cấp cầu Đoan Hùng.

Phương án 1 là tháo dỡ toàn bộ hệ dầm chủ để tận dụng cho công trình khác; thi công trụ mới giữa lòng sông (thay cho 2 trụ cầu đã bị nghiêng); gia cường trụ T1 - T4; sửa chữa đường đầu cầu. Kinh phí dự kiến hơn 25 tỷ đồng.

Phương án thứ 2 là thi công tăng cường các trụ cầu, sửa chữa các bộ phận hư hại của cầu. Kinh phí đề xuất gần 13,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, tại cầu Đoan Hùng vẫn không hề có đơn vị thi công tiến hành sửa chữa, nâng cấp cầu.

Phú Thọ: Dân lao đao, doanh nghiệp phá sản vì cầu sắp sập nhưng chưa kiếm được nhà thầu - Ảnh 4.

Trụ cầu hiện đã trơ cả khung sắt

Ông Hưng Điển, một người dân sống ngay cạnh cầu Đoan Hùng bức xúc cho biết, từ lúc cấm cầu đến nay đã được 6 tháng, nhưng không hiểu sao các cấp chính quyền không đả động gì việc sửa cầu. Việc chậm trễ sửa chữa tuyến giao thông huyết mạch này khiến kinh tế của người dân bị ảnh hưởng.

"Các xe trọng tải lớn, xe khách không thể chở khách qua cầu như trước nên buộc phải dừng xe ở đầu cầu bên này, sau đó thuê xe ba gác, xe cút kít chở hàng hóa sang đầu cầu bên kia. Còn hành khách thì lếch thếch xuống xe đi bộ trông rất khổ, sau đó phải tốn thêm tiền bắt chuyến xe khách mới để di chuyển", ông Hưng Điển cho biết.

Ông Hưng Điển cho biết thêm: "Gia đình tôi làm công việc bán than. Suốt 6 tháng nay, gia đình tôi gần như chỉ hòa vốn, vì tiền lãi từ bán than phải chi trả hết cho chi phí vận chuyển, thậm chí đôi lúc còn âm".

Phú Thọ: Dân lao đao, doanh nghiệp phá sản vì cầu sắp sập nhưng chưa kiếm được nhà thầu - Ảnh 5.

Người dân sống gần cây cầu cho biết, việc chậm trễ trong sửa chữa đã khiến đời sống người dân đảo lộn, doanh nghiệp thì bên bờ phá sản

Một đại diện Công ty Than Đức Minh cho hay, khi cầu Đoan Hùng vẫn chưa sửa chữa, tuyến đường đi thẳng đến các tỉnh lân cận rất dễ dàng, chi phí vận chuyển than chỉ khoảng 20.000 đồng/tấn. 

Tuy nhiên, hiện quãng đường di chuyển phải cộng thêm từ 50-60km, chi phí đội lên tới 200.000 đồng/tấn. Ước tính đến nay, công ty đang lỗ gần 60 tỷ đồng.

"Ngoài công ty chúng tôi, hàng chục doanh nghiệp khác trên trên địa bàn huyện Đoan Hùng cũng gặp tình trạng tương tự. Năm nay vì tình hình dịch bệnh chung nên kinh tế cả nước khó khăn đã đành, thế nhưng việc sửa chữa cầu chậm trễ thì quá tắc trách", đại diện này bức xúc.

Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương là bệnh viện tư nhân lớn nhất Phú Thọ, nhu cầu thăm khám, chữa bệnh của người dân là rất lớn. Việc chậm trễ sửa chữa cầu ảnh hưởng nhiều đến việc cấp cứu bệnh nhân, vận chuyển thuốc của bệnh viện.

"Phía bệnh viện đã gửi công văn lên Tổng cục Đường bộ yêu cầu giải quyết. Phía Tổng cục cũng đã cho phép nâng giới hạn chiều cao của xe qua cầu từ 2,1m trở lên và chỉ dành cho xe cấp cứu của bệnh viện, trước khi di chuyển phải thông báo cho đơn vị quản lý cầu. Thế nhưng không thể để tình trạng này diễn ra quá lâu vì tính mạng con người đôi khi tính bằng từng giây", ông Học cho biết.

Phú Thọ: Dân lao đao, doanh nghiệp phá sản vì cầu sắp sập nhưng chưa kiếm được nhà thầu - Ảnh 6.

Dù đã có dự trù kinh phí, nhưng khó khăn lớn nhất bây giờ là tìm được nhà thầu

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Quý Cường - Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, cầu Đoan Hùng thuộc tuyến đường Quốc lộ do Tổng cục Đường bộ quản lý nên huyện không có thẩm quyền trong việc sửa chữa cầu. 

Ngay cả khi tiến hành việc dừng lưu thông các xe trên cầu, huyện cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào thông báo mà chỉ được biết qua công văn của Tổng cục Đường bộ gửi xuống Cục Quản lý Đường bộ 1.

"Trong những lần tiếp xúc cử tri và được người dân phản ánh về việc sửa chữa cầu, chúng tôi đã gửi công văn lên UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Đường bộ xem xét giải quyết, nhanh chóng sửa chữa cầu Đoan Hùng", ông Cường chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng, huyện đã tính đến phương án lắp cầu phao qua sông cho bà con di chuyển. 

Tuy nhiên, phía Cục Quản lý đường bộ không đồng ý do lo ngại mùa mưa bão sẽ gây nguy hiểm cho người dân. Đại diện Cục quản lý đường bộ cũng cho biết, đã có nguồn vốn sửa chữa cầu từ tháng 6, nhưng hiện nay chưa lựa chọn được nhà thầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem