Phú Thọ: Đi tìm nguyên nhân hơn 1.000ha rừng tự nhiên "biến mất"

Ngô Hùng - Việt Hoàng Chủ nhật, ngày 14/06/2020 12:38 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc hơn 1.149ha rừng tự nhiên ở Phú Thọ "biến mất" trong giai đoạn 2018 - 2019, ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ đã đưa ra những lý do bất ngờ.
Bình luận 0
Phú Thọ: Đi tìm nguyên nhân hơn 1.000ha rừng tự nhiên bị... "biến mất" - Ảnh 1.

Nhiều cây gỗ lớn trong rừng phòng hộ ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn đã bị chặt hạ

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2019 so với năm 2018, diện tích rừng tự nhiên ở Phú Thọ bị thiếu hụt đến 1.149ha.

Trước tình hình nhiều tỉnh bị thiếu hụt diện tích rừng tự nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đề nghị tổ chức kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị mất, diện tích bị sai lệnh so với thực tế. Làm rõ, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng tự nhiên do phá rừng trong năm 2019. 

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến tình trạng sai lệch diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng trong công tác kiểm kê rừng, cập nhật diễn biến rừng.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến sự "mất tích" của hơn 1.149ha rừng tự nhiên ở tỉnh Phú Thọ, PV Dân Việt đã nhiều ngày đi khảo sát. 

Qua ghi nhận thực tế, PV Dân Việt nhận thấy hiện tượng người dân khai thác gỗ trong rừng phòng hộ, đốt rừng làm nương rẫy xảy ra nhiều tại xã Yên Sơn và Yên Lương, huyện Thanh Sơn.

Phú Thọ: Đi tìm nguyên nhân hơn 1.000ha rừng tự nhiên bị... "biến mất" - Ảnh 2.

Những cây gỗ lớn như thế này giờ còn rất ít trong rừng phòng hộ ở xóm Bồ Xồ, xã Yên Lương

Lý giải về việc thiếu hụt diện tích rừng tự nhiên, ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ thừa nhận có việc người dân đốt rừng phòng hộ làm nương rẫy, vào rừng chặt cây lấy gỗ.

"Việc đốt rừng, chặt cây lấy gỗ chỉ diễn ra tự phát, tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm vẫn luôn làm tốt việc nắm bắt tình hình, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể, trong năm 2018 - 2019, kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 56 vụ khai thác rừng trái phép, diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá là 6,9ha. Trong đó riêng Thanh Sơn đã xử lý 49 vụ và sắp khởi tố 1 vụ án khai thác trái phép hơn 3.000m2 rừng tự nhiên để làm điểm", ông Đoàn cho biết.

Cũng theo ông Đoàn, không có chuyện các cây lớn, cổ thụ bị đốn hạ, hầu hết những cây bị chặt là nứa, giang,... thỉnh thoảng là những cây tái sinh có đường kính to bằng bắp đùi.

"Về mặt khoa học, việc giữ những loại cây này không mang lại lợi ích cho bà con. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách cải tạo rừng phòng hộ bằng việc trồng thêm các cây lớn. Tuy nhiên, để phòng tránh việc lợi dụng để phá rừng, Nhà nước đang tạm đình chỉ việc phá rừng phòng hộ nên chúng tôi không cho bà con chặt bỏ", ông Đoàn cho biết thêm.

Phú Thọ: Đi tìm nguyên nhân hơn 1.000ha rừng tự nhiên bị... "biến mất" - Ảnh 3.

Theo ông Đoàn, số rừng bị thiếu hụt chủ yếu là do thống kê nhầm, còn lại một phần rất ít là do phá, đốt rừng. Đối với những trường hợp phá, đốt rừng đều nhanh chóng bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý.

Trước việc Bộ NN&PTNT yêu cầu làm rõ hơn 1.000ha rừng tự nhiên bị thiếu hụt, ông Đoàn lý giải là do sai sót trong khâu kiểm kê rừng theo số liệu từ 2016.

"Nếu do buông lỏng quản lý làm mất rừng lớn như vậy thì chúng tôi đi tù lâu rồi", ông Đoàn cười nói.

Cụ thể, theo lý giải của ông Đoàn, tổng diện tích rừng tự nhiên giảm là 1.147,9ha. Nguyên nhân do đơn vị kiểm kê, giải đoán ảnh không chính xác, các BQL rừng không có người nên không kiểm đếm hiện trường mà phải dựa vào hồ sơ từ năm 2016 của 2 BQL dự án sông Bứa và sông Ngòi Giành.

Đơn vị kiểm kê lại căn cứ vào ảnh vệ tinh nên có sai lệch giữa rừng tự nhiên và rừng trồng. Đến năm 2018, tỉnh Phú Thọ chủ trương quy hoạch 3 loại rừng, khi rà soát lại mới phát hiện có sự nhầm lẫn giữa 2 loại rừng. 

Sau đó, tỉnh đã xin ý kiến của Bộ NN&PTNT về kết quả rà soát, lấy đó là quy chuẩn. Nên số liệu kiểm kê năm 2019 rừng tự nhiên bị hụt đi hơn 1.000ha do chuyển trạng thái từ rừng tự nhiên sang rừng trồng.

Cũng theo ông Đoàn, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ trước đến nay chưa để xảy ra một vụ việc nào liên quan đến các cán bộ buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho lâm tặc. Diện tích rừng của tỉnh Phú Thọ rất lớn nhưng lực lượng ở các Hạt, Trạm lại tương đối mỏng.

"Hiện nay, chúng tôi quản lý rừng trên bản đồ số rất chặt chẽ và có sự phối hợp đồng bộ từ các Hạt Kiểm lâm cho đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp. 

Trong năm 2018-2019, chúng tôi đã xử lý 56 vụ trong đó diện tích rừng bị phá chỉ là 6,9ha. Đó là nỗ lực rất lớn của các cán bộ kiểm lâm, thậm chí phải tuyên dương vì đã phát hiện, xử lý ngay từ khi vụ việc mới manh nha?!" ông Đoàn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem