Phú Thọ: Giá tăng gấp đôi, làng nuôi cá chép đỏ ví như "tàu vũ trụ" đưa ông Táo chầu trời trúng đậm

Việt Hoàng Thứ ba, ngày 02/02/2021 13:56 PM (GMT+7)
DANVIET.VN ghi nhận, 45 tấn cá chép ở làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã được thương lái đặt mua hết. Năm nay, dù giá cá chép đỏ tăng gấp đôi, nhưng nhiều thương lái đến mua loài cá ví như "tàu vũ trụ" đưa ông Táo chầu trời cũng đành tiếc nuối quay về vì đã hết.
Bình luận 0

Ngày 2/2 (tức 21 tháng Chạp), có mặt tại làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, phóng viên Báo điện từ DANVIET.VN ghi nhận cảnh tấp nập đánh bắt, mua bán, vận chuyển cá chép đỏ. Trong ngày đông lạnh giá, dù gương mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi nhưng không giấu nổi sự vui vẻ.

Phú Thọ: Gía tăng gấp đôi, làng "nuôi xế" đưa ông Táo về trời vui vẻ đón Tết to - Ảnh 1.

Cá chép đỏ được chuyển lên xe để đưa đi các tỉnh

Theo người dân nơi đây, mặc dù đang dịch Covid-19, nhưng lượng cá chép đỏ ở đây đã được các thương lái đặt mua từ trước. 

Không những thế, do nhu cầu cao, giá cá chép đỏ năm nay cao gấp đôi năm trước khi dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, kéo theo đó, thu nhập của người dân được tăng lên gấp bội.

Ông Trần Hữu Lâm - một chủ hộ nuôi cá chép đỏ lớn nhất nhì làng cá chép đỏ Thủy Trầm, vui vẻ cho biết, lượng cá "cung không đủ cầu" nên năm nay giá tăng rất mạnh, gấp đôi năm ngoái. Thời điểm này năm ngoái, giá cá chép đỏ chỉ 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng năm nay lên tới 100.000 - 120.000 đồng/kg.

"Từ 22 Tết, giá cả sẽ còn tăng nữa mà mẫu mã cá chưa chắc được đẹp. Đúng là trong cái rủi có cái may", ông Lâm vừa bắt, cân cá rồi bỏ vào bao sục khí, chuyển lên xe cho thương lái, vừa nói với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Cũng theo ông Lâm, năm nay nhà ông ước xuất đi hơn 4 tấn cá, thu về hơn 400 triệu đồng. Hiện, nhiều thương lái ở các tỉnh miền Trung hay Tây Bắc đặt mua nhưng ông cũng không còn cá để bán.

Phú Thọ: Gía tăng gấp đôi, làng "nuôi xế" đưa ông Táo về trời vui vẻ đón Tết to - Ảnh 2.

Năm nay, giá cá chép đỏ cao gấp đôi năm trước nên người dân rất phấn khởi

Theo người dân Thủy Trầm, những năm gần đây, do công nghệ thông tin phát triển, nhiều hộ dân đã kết nối các mối hàng qua Intrenet. Có đơn hàng tới hàng chục vạn cá đi Nghệ An, TP Hồ Chí Minh đã được xuất bán qua bán hàng online hoặc kết nối đơn hàng để khách về vận chuyển. 

Phú Thọ: Gía tăng gấp đôi, làng "nuôi xế" đưa ông Táo về trời vui vẻ đón Tết to - Ảnh 3.

Nghề nuôi thủy sản ở Thủy Trầm có từ những năm 1960

Năm nay, các thương lái đã đặt trước cả tháng, nên đến nay 45 tấn cá chép đỏ ở Thủy Trầm gần như đã được bán hết. Nhiều thương lái tiếp tục đặt mua hoặc đến trực tiếp lấy hàng, nhưng cũng không còn.

Ông Bùi Văn Chữ, Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết, năm nay dù dịch Covid-19, nhưng người nuôi cá Thủy Trầm không bị ảnh hưởng. Thậm chí còn bán được giá cao gấp đôi so với năm trước.

Theo ông Chữ, nghề nuôi trồng thủy sản ở Thủy Trầm có từ những năm 1960. 

"Ngày đó, người dân Thủy Trầm thường ra sông Hồng "đo" bột cá tự nhiên như cá trôi, trắm, măng, nhồng, chéo... về thả vào ao ươm nuôi. Khi cá trong ao lớn lên, người ta thấy có loài cá lạ giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ đẹp, nên giữ nuôi làm cảnh", ông Chữ cho biết.

Cũng theo ông Chữ, những năm sau này kinh tế phát triển, người dân có xu hướng dùng cá chép đỏ do suy nghĩ sẽ mang lại điềm lành, may mắn cho gia đình vào năm mới nên nhu cầu ngày càng lớn. Vì thế các hộ nuôi cá trong làng Thủy Trầm đã tập trung đầu tư nuôi cá chép đỏ thành cá bố mẹ rồi cho đẻ trứng và nuôi thành cá bột, cá hương và cá cân bán cho các vùng lân cận.

Phú Thọ: Gía tăng gấp đôi, làng "nuôi xế" đưa ông Táo về trời vui vẻ đón Tết to - Ảnh 4.

Những năm tới, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng quy mô nuôi cá chép đỏ

Ông Tạ Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc (HUYỆN CẨM KHÊ, TỈNH PHÚ THỌ) chia sẻ: "Tuy Lộc có 2 làng nghề lớn là làng cá chép đỏ Thủy Trầm và làng mộc Dư Ba. Tuy nhiên làng nghề cá chép Thủy Trầm là có tiếng nhất, phát huy tốt các thế mạnh và đem về nguồn thu lớn cho địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế ở đây".

Cũng theo ông Thắng, hiện nay diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản toàn xã là 60ha, trong đó diện tích cá chép đỏ chỉ 10ha. Năm 2020 vừa qua ghi nhận kỷ lục khi lượng cá chép đỏ bán ra đạt hơn 45 tấn và tổng doanh thu thủy sản cả vùng thu về gần 45 tỷ đồng. 

Sắp tới, xã sẽ khuyến khích người dân mở rộng nuôi trồng, thực hiện chính sách "dồn điền đổi thửa" dự kiến khoảng 4ha từ đất trũng sâu hiệu quả kém cải tạo sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá chép đỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem