Phú Thọ loay hoay phát triển sản phẩm OCOP: Tìm sự khác biệt, nâng tầm du lịch nông thôn (Bài 2)

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 15/02/2023 18:44 PM (GMT+7)
Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, Phú Thọ cần tăng số lượng sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch và đẩy mạnh quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm đến du lịch.
Bình luận 0

Sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch tất bật đón khách

Anh Nguyễn Khắc Thành (du khách đến từ tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, gia đình anh vừa có chuyến du lịch 2 ngày tại Đền Hùng và điểm Du lịch cộng đồng Hùng Lô ở TP.Việt Trì. Kết thúc hành trình, anh Thành không quên chọn mua vài cân mì gạo đạt OCOP 4 sao mang về làm quà tặng cho người thân.

"Thật bất ngờ, nấu lên sợi mì dai, giòn, vị ngon ngọt từ gạo còn vẹn nguyên, làm người kén ăn như tôi cũng phải ấn tượng ngay từ lần đầu sử dụng" - anh Thành bộc bạch.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 2): Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch - Ảnh 1.

Hiện Phú Thọ đã có 2 sản phẩm dịch vụ du lịch được gắn sao OCOP, đều rất thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: H.N

Anh Thành mong muốn, ngoài trưng bày, bán hàng tại địa điểm du lịch sở tại, cơ sở sản xuất mì gạo Hùng Lô có thể liên kết, tăng cường hệ thống bán hàng thông qua tuyến du lịch, điểm du lịch. Hoặc có thể tại bán tại các trạm dừng chân trên cung đường du lịch, trong hệ thống siêu thị trên toàn quốc để người tiêu dùng có thể mua sản phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn. 

Chị Lã Thị Hồng Thùy (hướng dẫn viên tại điểm Du lịch cộng đồng Hùng Lô) cho biết, với nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, năm 2022, điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Vào dịp đầu Xuân này, mỗi ngày, điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô đón từ 2-3 đoàn khách cả trong nước và quốc tế. Từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, nơi đây sẽ luôn tất bật đón khách tham quan.

Du khách đến đây không chỉ dâng hương, tham quan quần thể đình cổ Hùng Lô, lắng nghe những điển tích nơi vùng đất cổ mà còn được thưởng thức, tham gia biểu diễn cùng các nghệ nhân hát Xoan trong chương trình "Hát Xoan làng cổ". 

Đồng thời, du khách còn được trải nghiệm gói và thưởng thức bánh chưng, bánh giầy tại nhà cổ, tham quan và trải nghiệm quy trình làm sản phẩm mỳ gạo đạt chuẩn OCOP 4 sao tại HTX Mì gạo Hùng Lô.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 2): Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch - Ảnh 2.

Điểm Du lịch cộng đồng Hùng Lô mới được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cuốn hút du khách. Ảnh: H.N

Theo bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, tỉnh cần có những chính sách phù hợp để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Trước tiên, các chủ thể cần đăng ký phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hoặc du lịch khám phá.

Với địa điểm du lịch, cần xây dựng những gian hàng OCOP tại các khuôn viên, đảm bảo không được phá vỡ cấu trúc, không ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn. Nhân viên bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch cần được đào tạo và tuyên truyền thông tin OCOP đến với khách hàng một cách thân thiện, nhiệt tình để thu hút sự quan tâm của du khách.

Bên cạnh đó, các cơ quan xúc tiến thương mại, ban quản lý các điểm du lịch, cán bộ OCOP và chủ thể OCOP cần đưa ra chính sách hợp lý để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trên thị trường.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 2): Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch - Ảnh 3.

Các sản phẩm như mì gạo Hùng Lô, bánh chưng, bánh giầy Đất Tổ... hút du khách. Ảnh: H.N

Liên kết, hợp tác để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ cho rằng, dù ở giai đoạn đầu hình thành nhưng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, hình thức du lịch gắn với phát triển nông nghiệp nông thôn đang thu hút sự quan tâm của các du khách trong nước và quốc tế khi đến tỉnh.

Hiện nay, trung tâm đang triển khai các tour đưa du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề nông nghiệp như: Làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy, mì gạo ở xã Hùng Lô; làng sản xuất và chế biến chè Đá Hen; làng nghề rau an toàn xã Tân Đức; làng tương truyền thống Dục Mỹ; làng nghề nón lá Gia Thanh; làng nghề đan lát Đỗ Xuyên…

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 2): Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang (thứ nhất, từ trái sang) thăm các gian hàng tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP trong Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2022. Ảnh: H.N

Ngoài ra, trung tâm còn triển khai tour du lịch học đường "Hướng về nguồn cội" cho học sinh gồm các hoạt động hấp dẫn như: Tham quan Bảo tàng Hùng Vương, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, thưởng thức show diễn nghệ thuật "Hùng Vương truyện cổ" hoặc xem chương trình múa rối nước,...

Bên cạnh đó, trung tâm cũng tổ chức cho du khách tham quan vườn bưởi Đoan Hùng, trải nghiệm thu hoạch bưởi, làm tinh dầu bưởi, mứt bưởi; trải nghiệm hái chè, làm chè tại đồi chè Long Cốc… 

Đồng thời quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP Phú Thọ trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho du khách, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 2): Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch - Ảnh 5.

Các sản phẩm nông nghiệp được gắn sao OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: H.N

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, Phú Thọ đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư cũng như đơn vị kinh doanh lữ hành. 

Theo ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Sunvina Travel, du lịch nông nghiệp phát triển không nhất thiết phải phát triển rộng, ồ ạt mà cần tạo ra các tour có điểm nhấn, nhất là làm sao để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch thật chuyên nghiệp, đặc trưng riêng.

Nhắc đến Phú Thọ, hiện nay có tour trải nghiệm "Hát Xoan làng cổ" gắn với các tour, tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, du lịch văn hóa đền Tam Giang - Bạch Hạc, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, du lịch cộng đồng Xuân Sơn, săn mây ở đồi chè Long Cốc…, đang rất hấp dẫn du khách.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 2): Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch - Ảnh 6.

Chương trình “Hướng về nguồn cội” góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc vùng đất Tổ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trang bị cho học sinh những kiến thức về lịch sử, văn hóa... Ảnh: H.N

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy khẳng định, việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với tour du lịch, các không gian trưng bày, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của tỉnh. Đây cũng là hướng đi mới, hiệu quả mà ngành Văn hóa đang triển khai thực hiện. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú, tạo làn gió mới, nâng tầm cho du lịch Phú Thọ, đặc biệt là du lịch nông thôn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, giai đoạn 2020-2025, du lịch được xác định là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh sẽ đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ, nhất là 2 di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án trọng điểm về hạ tầng du lịch.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng mới để nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem