Phú Thọ từng có 1 xã nhiều đàn ông "ế vợ" vì nghèo, từ ngày trồng loài cây "vua" nhiều hộ phất lên

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 02/05/2023 12:44 PM (GMT+7)
Ở các huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, trồng quế đã trở thành phong trào lớn, góp phần nâng độ che phủ rừng và trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế đồi rừng, giúp đời sống của người dân đổi thay.
Bình luận 0

Thu "trái ngọt" từ trồng quế

Ông Đinh Văn Hén - nguyên Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Trung Sơn (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) cho biết, năm 1990 trở về trước, phần lớn người dân của xã chủ yếu sống nhờ vào rừng. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông vẫn duy trì tập quán du canh, du cư, phát nương, làm rẫy nên tình trạng đói nghèo, đứt bữa diễn ra triền miên.

Năm 1992 ông Hén khăn gói lên vùng trồng quế huyện Văn Yên (Yên Bái), huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) để học cách trồng quế và đưa cây quế về trồng đầu tiên ở huyện. Theo thời gian, đến nay gia đình ông đã sở hữu cả một vạt đồi phủ kín cây quế. 

Nhiều năm nay, mỗi năm từ quế mang về thu nhập cho gia đình ông Hén vài trăm triệu. Ông chia sẻ: "Tôi và đồng bào dân tộc nơi đây coi cây quế là "vua" các loại cây lâm nghiệp trồng trên đất đồi dốc, khô hạn".

gop/Cây quế phủ xanh đồi rừng, giữ người ở lại quê hương - Ảnh 1.

Người dân khu Gò Thiều (xã Thượng Long, huyện Yên Lập) phấn khởi khi quế được giá. Ảnh: N.H

Phú Thọ đặt mục tiêu xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý quế Phú Thọ; xây dựng vùng trồng quế được chứng nhận hữu cơ tại xã Trung Sơn và xã Thượng Long - huyện Yên Lập; nâng cao giá trị thu nhập từ cây quế khoảng 1,5 lần so với hiện nay.

Cách đây hơn 7 năm, có khoảng hơn 300 thanh niên ở xã Trung Sơn, chủ yếu là nam giới đứng trước nguy cơ "ế vợ". Nguyên nhân quan trọng nhất do Trung Sơn là xã miền núi, đường đi lại khó khăn, cách xa trung tâm huyện, kinh tế chậm phát triển, người dân quẩn quanh với cái nghèo. 

Con gái ở những nơi khác ít ai dám lấy chồng là người Trung Sơn vì muôn nỗi sợ: Sợ nghèo, sợ xa, sợ khổ… Nhiều thanh niên vì cuộc sống còn nghèo khó đã chấp nhận ly hương, xa gia đình…

Thời điểm đó, trong những cuộc họp bà con nhân dân ở đây nói rất nhiều về việc làm thế nào giúp người dân thoát nghèo, và bắt đầu kiến nghị một nội dung vô cùng mới là: Làm cách nào để giúp các thanh niên lấy vợ. Câu hỏi này cũng trở thành nỗi trăn trở của lãnh đạo xã lúc bấy giờ.

Đại hội Đảng bộ xã Trung Sơn khóa 23, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra nghị quyết phát triển rừng trọng tâm là phát triển cây quế, theo hướng xã hội hoá. Đảng ủy, chính quyền xã đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, đường lên đồi phục vụ sản xuất; xây dựng, lồng ghép các chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng cây quế, tạo được thương hiệu quế Trung Sơn trên thị trường.

Sau khoảng 3 năm, vào cuối năm 2019 cây quế bắt đầu cho thu hoạch, những thanh niên đi làm ăn xa đã trở về quê hương phụ giúp gia đình lên rừng bóc quế, và bóc thuê cho những nhà khác. 

Nhận thấy hiệu quả từ trồng quế, người dân bắt đầu coi đây là tiềm năng, thế mạnh để giúp cuộc sống của mình thay đổi. Anh Đinh Văn Thắng (ở khu Nai, xã Trung Sơn) là một trong những nông hộ vươn lên thoát nghèo từ cây quế: "Hiện gia đình tôi có hơn 3ha cây quế có tuổi từ 5-20 năm. Mỗi năm thu "trái ngọt" hơn 200 triệu đồng từ bán lá quế, vỏ quế, gỗ quế".

Ông Đinh Văn Đóa - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, xã có hơn 1.400 hộ, hầu như nhà nào cũng trồng quế. Hộ ít thì trồng vài ba cây quanh nhà đến 1-2ha, hộ nhiều hàng chục ha. Trung bình 1ha quế cho thu khoảng 200 triệu đồng. 

Từ một xã đặc biệt khó khăn, nhờ trồng quế, Trung Sơn đã dần "thay da, đổi thịt", bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 28 triệu đồng/năm.

Quế phủ xanh đồi rừng

Xác định trồng rừng là trồng quế và trồng quế là trồng rừng, huyện Yên Lập đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền vốn và đất đai phát triển cây quế thành cây xuất khẩu. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ cho vay một phần hoặc toàn bộ không tính lãi khi người dân mua cây con, hạt giống. 

Cách tính cứ 1kg thóc/cây quế, 25kg thóc/kg hạt quế; từ năm thứ 2, 3 mỗi năm đầu tư 100 -200kg thóc cho 1ha rừng quế. Kinh phí được trích từ nguồn ngân sách huyện, thu hồi từ năm thứ 5 đến năm thứ 10, các hộ có thể trả bằng vỏ quế, tinh dầu quế hoặc trả trực tiếp bằng thóc.

Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng với nhận thấy cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân vùng dân tộc Mường, Dao, Mông ở khắp các xã trên địa bàn huyện Yên Lập đã nhận đất chuyển đổi sang trồng quế. Đến nay, trồng quế đã trở thành phong trào lớn ở hầu khắp các địa phương trong huyện, góp phần đưa độ che phủ rừng đạt hơn 61% và trở thành cây kinh tế chủ lực.

Hiện nay, diện tích quế của toàn huyện Yên Lập đã hơn 1.700ha. Nhờ cây quế, hàng năm ít nhất 7.500 người được tạo công ăn việc làm, mang lại giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng cho địa phương.

Tỉnh Phú Thọ xác định đến năm 2025, tổng diện tích quế đạt hơn 3.000ha (tăng thêm 1.000ha so với hiện nay) trên địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập. Để thực hiện mục tiêu, Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch phát triển cây quế giai đoạn 2022-2025. 

Trong đó tỉnh dành hơn 77 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương mở rộng diện tích cây quế theo hướng hàng hóa; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, các dự án phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem