Phủ xanh Trường Sa bằng tháp rau - hiện thực hóa điều không tưởng

Nguyệt Tạ Chủ nhật, ngày 23/09/2018 07:21 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, những mầm rau hữu cơ đã có mặt tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là dự án tự nguyện được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ (thuộc VUSTA) kết hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, với mong muốn được phủ xanh biển đảo quê hương.
Bình luận 0

Ước mơ lính đảo có rau sạch quanh năm

Tình cờ tôi được anh bạn giới thiệu về dự án trồng tháp rau tại quần đảo Trường Sa của anh Nguyễn Văn Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ. Những dòng chia sẻ về thành quả của một dự án thiện nguyện nhằm phủ xanh cho điểm đảo trên facebook của anh Cường đã nhận được rất nhiều những ý kiến ủng hộ, động viên.

Gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, tôi mới biết anh từng là một nhà báo viết về nông nghiệp và biển đảo. Bản thân anh Cường đã nhiều lần ra công tác tại quần đảo Trường Sa và tận mắt chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn về rau xanh của những người lính đảo.

Trở về đất liền anh luôn tâm niệm phải làm một điều gì đó cho các điểm đảo.

Anh Cường chia sẻ với PV, anh vốn là một nhà báo chuyên viết về biển đảo. Trước đây anh đã từng đi trên chiếc tàu HQ 216 trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Trước đó, năm 2013 anh cũng đã ra Trường Sa, tận mắt chứng kiến cảnh thiếu rau xanh của người lính đảo.

"Mình nhiều ngày đêm bị day dứt với hình ảnh những người lính đảo mang từng cây cải bắp ở đất liền ra dùng móc sắt treo ở hành lang để ăn dần. Những chiếc bắp cải bị thối, khô hết, muốn ăn phải bóc bỏ hết lớp vỏ thì lõi chỉ còn bằng nắm tay. Rau hiếm vì để vận chuyển lương thực từ đất liền ra đảo phải mất ít nhất 3-5 ngày, có đảo phải mất cả tuần thậm chí hơn 10 ngày” - anh Cường nhớ lại.

img

Hình ảnh những chiếc bắp cải thôi, héo luôn ám ảnh anh Cường. (Ảnh: V.C)

Sau nhiều lần tận mắt chứng kiến khó khăn về việc thiếu rau xanh của lính đảo, anh Cường nhận ra một điều vô cùng quan trọng là nếu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ trên quần đảo Trường Sa, lính đảo có rau tươi để ăn và nhà nước cũng có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm ra cho quân và dân trên đảo.

“Thay vì việc mang đất, phân bón hoá học từ đất liền ra đảo chúng ta có thể hoàn toàn tạo ra đất và phân bón từ lá cây phong ba, lá cây bão táp, rau muống biển….” – anh Cường nói.

Trở về đất liền, nhiều năm sau đó, anh Cường cùng với các cộng sự, những người bạn cùng chung tình yêu biển đảo đã tìm kiếm các ý tưởng để có thể phủ xanh đảo. Cuối năm 2017, anh cùng những người bạn đã đề xuất thực hiện Dự án thử nghiệm sinh thái hữu cơ trên quần đảo Trường Sa để phục vụ trồng rau xanh.

img

Dự án thử nghiệm sinh thái hữu cơ trên quần đảo Trường Sa phục vụ việc trồng rau xanh được khởi động từ giữa tháng 5.2018. (Ảnh: V.C)

“Đây thực sự là dự án tự nguyện của cộng đồng xuất phát từ tình yêu của anh em, bạn bè của tôi với biển đảo. Kinh phí thực hiện dự án, đi lại thực địa tất cả đều được anh em thực hiện chương trình đóng góp, không dùng kinh phí nhà nước”, anh Cường hào hứng khoe.

Nhân rộng hệ sinh thái hữu cơ, phủ xanh đảo

Xuất phát từ một ý tưởng phủ xanh cho biển đảo, anh Cường và các cộng sự đã triển khai một dự án lúc đầu được cho là “không tưởng”. 

Sau khi thử nghiệm ở đất liền, Dự án thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ trên Quần đảo Trường Sa phục vụ trồng rau xanh được chính thức triển khai trồng thử nghiệm tại 3 điểm đảo 1 đảo nổi và 2 đảo chìm (Len Đao, Sinh Tồn, Cô Lin) ở quần đảo Trường Sa.

Hiện dự án đang được Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp Hữu cơ phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện và đã kết thúc giai đoạn 1.

img

Tháp rau bước đầu được trồng thử nghiệm tại 3 đảo là Len Đao, Sinh tồn, Cô Lin. (Ảnh: V.C)

Giữa tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên 3 tháp rau gồm hệ sinh thái hữu cơ gồm đất, phân trùn quế và vi sinh có lợi được nuôi cấy đã được mang ra các điểm đảo trồng thử nghiệm. Kết quả, sau một thời gian gieo trồng, tháp rau phát triển tốt. Bộ đội ở các điểm đảo cho biết rau đã được thu hoạch 2 đợt.

“Chúng tôi thường xuyên liên lạc và trao đổi với lãnh đạo các điểm đảo. Theo phản ánh thì tháp rau và phân giun trùn quế sinh trưởng tốt. Ngoài nuôi trong tháp rau, giun quế còn được nhân rộng nuôi bên ngoài lấy phân bón cây trồng trên đảo” – anh Cường vui vẻ thông báo.

Thêm vào đó, các lính đảo cũng cho biết so với trồng rau nhà kính thì trồng tháp rau tiết kiệm được diện tích, nước, đất và phân bón bởi tháp là một quy trình khép kín. Theo nghiên cứu cùng một diện tích, nếu ở mặt bằng trồng được 8 cây rau cải thì khi đặt tháp rau có thể trồng tới 80 cây rau cải.

Đặc biệt, khi gặp thời tiết xấu, mưa bão, lính đảo có thể di chuyển được tháp rau vào trong nhà để tránh mưa bão, giúp rau không bị hư hay nhiễm mặn.

Ngoài tháp rau, hệ sinh thái từ cỏ vetiver cũng phát triển khá tốt. Cỏ vetiver có chiều cao lý tưởng giúp ngăn chặn sự xâm nhập của hơi nước mặn từ biển vào, thêm vào đó, rễ cỏ dài, có thể dài tới 2m sẽ đâm sâu xuống mặt đất tạo thành một tấm màng lọc nước giúp ngăn chặn sự xâm nhập mặn, giúp ngọt hoá các đảo. Hiện nay cỏ được trồng ở dọc các bờ kè quanh biển và trước cổng UBND xã đảo Sinh Tồn.

img

Cỏ vetiver đã bắt đầu sống được mọc lên xanh tốt, cao 50cm. (Ảnh: V.C)

Hiện nay, Viện Nông nghiệp và ứng dụng hữu cơ đang tư vấn thêm để các điểm đảo có thể nuôi giun quế lấy phân giun quế bón cho cỏ vetiver sau đó lại lấy cỏ nuôi thỏ lấy thịt và lấy phân thỏ bón cho rau, cỏ cây xanh trên đảo.

“Mừng nhất là kết thúc giai đoạn 1 ngoài xây dựng được hệ sinh thái hữu cơ điểm trên đảo, đoàn nghiên cứu cũng đã lấy được toàn bộ các vi sinh vật có ích trên đảo. Trong giai đoạn 2 đoàn nghiên cứu sẽ phân tích để cải tạo và đưa nó quay lại đảo làm lợi cho hệ sinh thái trên đảo” – anh Cường tâm sự.

Mong muốn lớn nhất lúc này của anh Cường và các cộng sự lúc này là mô hình sẽ được nhân rộng trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thêm vào đó, nhóm cũng mong muốn được cộng đồng cùng chia sẻ, chung tay ủng hộ để dự án phủ xanh quần đảo Trường Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc, sớm trở thành hiện thực.              

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem