Phú Yên: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 áp dụng công nghệ làm bánh phở sạch

Hùng Phiên Thứ hai, ngày 20/09/2021 19:03 PM (GMT+7)
Trăn trở thay đổi công nghệ sản xuất bánh phở sạch, một nông dân đã có thu nhập tiền tỷ, tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Đó là câu chuyện của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Nguyễn Ngọc Hoài (SN 1969, ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
Bình luận 0

Dịch Covid-19 ngăn lối, hò hẹn mấy lần, tôi mới gặp được ông chủ thương hiệu bánh phở Hoài Phượng. Bởi địa phương đang giãn cách, cơ sở bánh phở đâu có sản xuất mà…quay phim, chụp ảnh. 

May, dịch dã rồi cũng tạm nguôi, ông Hoài điện: "Hoài Phượng hoạt động lại rồi! Nhưng chỉ chạy máy vài tiếng mỗi ngày, vì các quán phở vẫn còn phải thực hiện bán mang về…".

Phú Yên: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 làm giàu từ công nghệ sản xuất bánh phở sạch  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hoài với sản phẩm bánh phở Hoài Phượng, tại phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

Thay đổi công nghệ nhờ…con khóc

Tìm nhà ông Hoài không khó. Đến phường Hòa Vinh, hỏi ai cũng biết. Chẳng những sở hữu thương hiệu bánh phở Hoài Phượng, gia đình ông còn có hiệu buôn Nguyên Phú kinh doanh gạo, các loại ống nhựa, vận tải…

Nhiều cửa hàng đối mặt nhau trên một đoạn quốc lộ 1 qua khu phố 4 (Hòa Vinh) đều là của gia đình ông. Thế nhưng cơ sở sản xuất bánh phở Hoài Phượng lại nằm riêng biệt cách đó mấy trăm mét.

Dây chuyền sản xuất bánh phở khô đang vào guồng trở lại sau hơn hai tháng tạm nghỉ do giãn cách xã hội. 

Hàng chục công nhân đang mỗi người coi sóc một công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Từ đốt lò, xay gạo, trộn bột, tiếp nguyên liệu, ra bánh tráng, cắt sợi phở,…đều được thực hiện bằng hệ thống máy được cài đặt sẵn. 

Dây chuyền sản xuất khép kin kéo dài hàng trăm mét. Trong đó, riêng công đoạn sấy khô bánh tráng bằng hơi nước đã dài vài chục mét. 

Cả hệ thống đều đặn, nhịp nhàng liên tục cho ra bánh phở, hết sức nhanh gọn, hiện đại.

"So với sản xuất thủ công, dây chuyền này tiết kiệm hơn một nửa số nhân công. Bởi không tráng bánh phở bằng tay trên nồi nước, không phải xếp từng chiếc bánh ướt lên vỉ đem phơi, đợi bánh khô se rồi phải xếp lại từng chiếc…", ông Hoài chia sẻ.

Phú Yên: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 làm giàu từ công nghệ sản xuất bánh phở sạch  - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Hoài bên xe bánh phở vừa ra lò. Ảnh: Hùng Phiên

Theo ông Hoài, phát xuất nghề bánh phở này là từ gia đình mẹ vợ. Mấy chục năm trước, các khâu làm bánh phở đều bằng thủ công, quy mô nhỏ, một nắng hai sương. 

Ông Hoài lớn lên từ gia đình ruộng rẫy, xong phổ thông thì đi học cơ khí. Năm 1991, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Phượng. Cả hai đều chưa có việc làm, phía vợ cho một góc đất để theo nghề tráng bánh phở. Vợ xay bột, tráng bánh; chồng phơi, cắt bánh phở, chạy bỏ mối khắp nơi…

Clip: Mô hình làm bánh phở an toàn nhờ thay đổi công nghệ của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021-ông Nguyễn Ngọc Hoài (SN 1969, ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

"Ui, cực khổ trăm bề! Nhứt là cái cảnh vợ tôi vừa ôm con nhỏ, vừa ngồi tráng bánh bên nồi nước sôi sùng sục. Tiếng thằng con khóc ngằn ngặt bên lò củi lửa nóng bức… làm tôi không chịu nổi! Sẵn có "máu" cơ khí, tôi quyết nghĩ kế chế tạo một "cái gì đó" để đỡ đần bớt sức người", ông Hoài nhớ lại.      

Liên hệ học hỏi, độ chế đủ kiểu, đến năm 2002, ông Hoài chuyển sang đầu tư công nghệ làm bánh phở bán tự động. 

Vốn đầu tư trên 100 triệu đồng khi đó rất lớn đối với vợ chồng anh nhưng máy móc chỉ mới "giúp" được khâu tráng bánh. Còn lại vẫn phải sức người đem từng chiếc bánh tráng đi phơi rồi xếp lại; sản lượng vẫn đạt thấp. 

Chẳng những tốn nhân công, bánh tráng ướt phơi ngoài trời không tránh khỏi bụi bặm, ruồi nhặng bám vào. Cả việc thử hong khô bánh phở bằng than đá cũng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Ông Hoài quyết không dừng lại…

Phú Yên: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 làm giàu từ công nghệ sản xuất bánh phở sạch  - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Hoài kiểm tra bảng điều khiển dây chuyền sản xuất bánh phở. Ảnh: Hùng Phiên

Nâng tầm bánh phở gia truyền

Chắp nối săn tìm thông tin, ý tưởng dây chuyền "đầu cuối" của ông Hoài đã "gặp gỡ" được một đơn vị thiết kế tại TP.Hồ Chí Minh. 

Cuối năm 2012, vợ chồng anh quyết định vét túi, vay mượn gần 2 tỷ đồng để đầu tư hệ thống công nghệ khép kín sản xuất bánh phở khô. Và dây chuyền công nghệ hiện đại "xay, trộn, tráng, sấy" đã vận hành hoàn chỉnh, đem lại năng suất cao.

"So với khi sản xuất bánh phở thủ công, 4 công nhân đảm nhận các việc từ xay bột đến phơi bánh, trung bình chỉ tráng được khoảng 60-70kg bánh phở/ngày.

Còn khi áp dụng công nghệ hiện đại, cũng chỉ với 4 công nhân đã cho sản lượng đạt 300 - 400kg bánh phở/ngày. 

Từ khi sản xuất theo dây chuyền khép kín, cơ sở vừa giảm được sức lao động cho công nhân, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra. 

Vợ chồng tôi cũng giảm công sức điều hành, quản lý. Dĩ nhiên, lợi nhuận tăng cao hơn", anh Hoài bộc bạch.

Chị Phượng cho biết thêm: "Với bánh phở Hoài Phượng, nguyên liệu làm từ bột gạo chọn lọc nên sợi phở dẻo mềm, có hương vị tự nhiên. Đặc trưng của bánh phở là không quá khô nên chỉ dùng trong vòng 4 ngày kể từ khi ra lò...".

Theo chị Phượng, bởi hạn sử dụng ngắn nên bánh phở khó chuyển đi xa dài ngày. Thế nhưng trước sau, cơ sở luôn giữ vững nguyên tắc không thêm bất cứ chất bảo quản nào, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ nguyên hương vị bánh phở gia truyền...

Phú Yên: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 làm giàu từ công nghệ sản xuất bánh phở sạch  - Ảnh 6.

Tại công đoạn tráng sấy của dây chuyền sản xuất bánh phở Hoài Phượng. Ảnh: Hùng Phiên

Hiện tại, mỗi ngày Cơ sở Hoài Phượng cho ra lò khoảng 600kg bánh phở, với các đầu mối tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh với giá bán 17.000 đồng/kg. 

Bánh phở làm ra được khách hàng ưa chuộng vì mịn, đều, khi ăn thấy mềm, dai, thơm, đúng chất bột gạo Phú Yên. Năm 2017, thương hiệu Bánh phở Hoài Phượng đã được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu sản phẩm độc quyền.

Gia đình ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. Con trai đầu của vợ chồng ông đang làm việc trong ngành ngân hang tại TP.Hồ Chí Minh, con gái hiện du học tại Úc.

Phú Yên: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 làm giàu từ công nghệ sản xuất bánh phở sạch  - Ảnh 7.

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hoài - Nguyễn Thị Phượng đang giám sát dây chuyền sản xuất bánh phở. Ảnh: Hùng Phiên

Ông Huỳnh Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên nhìn nhận: "Ông Nguyễn Ngọc Hoài là một nông dân có ý chí vượt khó mãnh liệt. Từ hai bàn tay trắng, ông đã không ngừng học hỏi sáng tạo, mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để phát triển nâng tầm nghề truyền thống. Công việc kinh doanh đạt lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Hoài còn nhiệt tình hỗ trợ điều kiện làm ăn cho nhiều gia đình tại địa phương, đóng góp phúc lợi xã hội hàng trăm triệu đồng mỗi năm; là thành viên tích cực của Hội từ thiện Tình thương Phú Yên từ nhiều năm qua.

Năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Hoài đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2012-2016. Ông được Hội đồng Chung khảo Trung ương bình chọn là 1 trong 63 gương mặt "Nông dân Việt Nam xuất sắc" toàn quốc năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem