TTVH Online

Thủ tướng: “Ngành thuế phải tìm cán bộ có đức, có tài”

Phong Cầm 26/02/2020 13:52 GMT+7

“Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp đối với ngành chúng ta đã giảm nhiều nhưng vẫn còn. Vì thế, ngành thuế phải tiên phong khắc phục vấn đề này”, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Ngành thuế phải tìm cán bộ có đức, có tài để thực hiện nhiệm vụ chính trị

Sáng 26/2, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương thành tích ấn tượng của ngành thuế trong việc sắp xếp bộ máy, thành lập Chi cục Thuế khu vực. Theo Thủ tướng, ngành thuế đã thực hiện quyết liệt, bài bản, đồng bộ và hoàn thành mục tiêu đề ra trước gần 1 năm.

“Đây là một điển hình, các ngành khác trong Bộ Tài chính và các ngành trong Trung ương có thể học tập để tinh giản bộ máy, nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ chính trị được giao. Việc sắp xếp tinh gọn này là vượt mức và toàn diện, chứ không phải chỉ là con số giảm được bao nhiêu. Ngành thuế đã có lộ trình, bước đi chặt chẽ,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng biểu dương ngành thuế trong việc quản lý thu ngân sách nhà nước, riêng năm 2019 toàn ngành thuế đã thu đạt 1,27 triệu tỷ đồng, vượt 9,3% dự toán giao; Thủ tục thu thuế, nộp thuế có nhiều tiến bộ góp phần tăng bậc môi trường kinh doanh của Việt Nam thêm 22 bậc…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc Công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà ngành thuế cần khắc phục.

Đó là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn còn xảy ra mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua cũng như các khiếu nại của doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm phải xử lý. Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tình trạng nợ đọng thuế, chây ì nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn diễn ra. Việc nắm bắt nguồn thu, số thu còn chưa kịp thời. Việc dự báo đánh giá tình hình thu còn chưa sát thực tế phát sinh, còn bị động cho việc điều hành ngân sách nhà nước.

“Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp đối với ngành chúng ta đã giảm nhiều nhưng vẫn còn. Vì thế, ngành thuế phải tiên phong khắc phục vấn đề này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, ngành thuế phải tìm những cán bộ giỏi, có đức, có tài để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bên cạnh đó, phải làm sao nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính thuế vì hiện nay còn đến 304 thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, có tới 188 thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.

“Liệu chúng ta có thể tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa được 10% thủ tục hành chính không và phấn đấu 2020, nâng 50% số thủ tục hành chính cấp độ 1, 2 lên cấp độ 3, 4 được không?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi.

Xem xét giãn thuế vì ảnh hưởng của bệnh dịch do virus corona (Covid-19)

Đối với tác động từ bệnh dịch do virus corona chủng mới (Covid-19), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định, hiện chưa có cơ sở điều chỉnh một số chỉ tiêu vĩ mô, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.

“Do đó, nhiệm vụ kép của Chính phủ là vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng bấm nút hòa mạng các Chi cục Thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung của cả nước (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Theo Thủ tướng, hiện Việt Nam là một nước bước đầu rất thành công trong kiểm soát dịch bệnh do virus Corona (Covid-19), và mọi hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường. Song vì vì tính mạng, sức khỏe người dân, Chính phủ vẫn quyết định thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế tập trung đông người, nhất là kiểm soát và cách ly y tế đối với những người đến và đi qua vùng dịch. Việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến du lịch, hàng không và một số ngành khác. Vì thế cần có chính sách để Chính phủ có thể thực hiện được mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp phù hợp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp được các nước thực hiện như chậm nộp, hoãn nộp, giãn nộp thuế để tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do Covid-19 gây ra.

Năm 2018, Tổng cục thuế thực hiện làm điểm thực hiện việc sắp xếp, hợp nhất Chi cục thuế khu vực tại 06 Cục Thuế: Quảng Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Cà Mau, hợp nhất 34 Chi cục Thuế thành 16 Chi cục Thuế khu vực, giảm 18 chi cục thuế.

Năm 2019, Tổng cục Thuế thực hiện 5 đợt triển khai:

- Đợt I tại 09 Cục Thuế: Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng, Đắk  Lắk, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, hợp nhất 54 Chi cục Thuế thành 26 Chi cục Thuế khu vực, giảm 28 chi cục thuế.

- Đợt II tại 16 Cục Thuế: Bắc Kạn, Hậu Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Quảng Ngãi, An Giang, Điện Biên, Lâm Đồng, Hà Nội, Long An, Phú Thọ, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Kon Tum, Tiền Giang, hợp nhất 106  Chi cục Thuế thành 50 Chi cục Thuế khu vực, giảm 56 chi cục thuế. 

- Đợt III tại 35 Cục Thuế: Quảng Ninh, Cà Mau, Hậu Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Đắk Nông, Cao Bằng,  Quảng Trị, Thanh Hóa, Lai Châu, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bình Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Phước, Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Dương, Kiên Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Lào Cai, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Nam Định, Hải Phòng, Gia Lai, hợp nhất 207 Chi cục Thuế, thành 98 Chi cục Thuế khu vực, giảm 109 chi cục thuế.

- Đợt IV tại 10 Cục Thuế: Bạc Liêu; Bắc Ninh; Đà Nẵng; Đồng Tháp; Hà Nam; Tuyên Quang; Thanh Hóa; Long An; Ninh Thuận; Khánh Hòa, hợp nhất 32 Chi cục Thuế thành 16 Chi cục Thuế khu vực, giảm 16 Chi cục Thuế.

- Đợt V tại 08 Cục Thuế: Hải Phòng; Hưng Yên; Lai Châu; Quảng Nam; Quảng Trị; Nam Định; Vĩnh Long; Vĩnh Phúc, hợp nhất 35 Chi cục Thuế thành 17 Chi cục Thuế khu vực, giảm 18 chi cục thuế.

Trong tháng 1 và tháng 2năm 2020 Tổng cục Thuế đã thực hiện 2 đợt cuối cùng:

- Đợt I tại 11 Cục Thuế: Cao Bằng; Điện Biên; Kon Tum; Lào Cai; Phú Yên; Thái Bình; Yên Bái; Sóc Trăng; Quảng Ngãi; Đắk Nông; Vĩnh Phúc, hợp nhất 34 Chi cục Thuế thành 16 Chi cục Thuế khu vực, giảm 18 chi cục thuế.

- Đợt II tại 16 Cục Thuế: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Thuận; Cần Thơ; Đồng Nai; Gia Lai; TP. Hà Nội; Hà Tĩnh; Phú Thọ; Tây Ninh;An Giang; Bình Định; Đắk Lắk; Bắc Giang; Thừa Thiên - Huế; TP. Hồ Chí Minh; Trà Vinh, hợp nhất 63 Chi cục Thuế thành 30 Chi cục Thuế khu vực, giảm 33 chi cục thuế. 

Như vậy từ cuối năm 2018, trong năm 2019 và hai tháng đầu năm2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành 111 Quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó, tiến hành sắp xếp hợp nhất 565 chi cục thuế để thành lập 269 chi cục thuế khu vực, giảm 296 chi cục thuế. Tính đến hết tháng 2/2020, toàn hệ thống Thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế. Số lượng Chi cục Thuế sau khi hợp nhất còn lại là 415 Chi cục Thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước 10 tháng theo quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

P.V
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN