Cách đây gần 1 tháng, võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương đã mang tin vui về cho Thể thao Việt Nam (TTVN) khi hạ knock-out Chatchai Decha Butdee (Thái Lan) để giành vé chính thức dự Olympic Tokyo 2020. Thành công của chàng trai quê Bắc Giang có thể coi là một bất ngờ bởi mới cách đó mấy tháng, Đương đã thua Chatchai trong trận chung kết SEA Games 30.
Ở tuổi 24, đúng vào năm tuổi của mình, Nguyễn Văn Đương đã giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Thành tích của Đương càng đáng trân trọng ở thời điểm TTVN đang tìm kiếm từ suất dự Thế vận hội.
Trước anh, TTVN mới có 4 vé tới Olympic Tokyo 2020 thuộc về Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung).
Võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương mang về tấm vé thứ 5 dự Olympic Tokyo 2020 cho Thể thao Việt Nam.
Với riêng môn boxing, đã 32 năm qua kể từ Olympic Seoul 1988, quyền anh Việt Nam mới xuất hiện trở lại tại Thế vận hội. Năm 1988, đại diện cho boxing Việt Nam là 2 võ sĩ Đặng Hiếu Hiền, Đỗ Tiến Tuấn.
“Tôi đọc báo và được biết rất lâu rồi boxing Việt Nam mới giành được vé dự Olympic nên cảm thấy rất vinh dự và cũng bỡ ngỡ.
Việc Olympic bị hoãn vì dịch bệnh Covid-19 cũng khiến tôi cảm thấy hụt hẫng một chút. Nhưng hơn hết, tôi có thêm thời gian để hoàn thiện mình về mọi mặt từ tốc độ ra đòn, thể lực, kỹ thuật, chiến thuật. Nói chung là phải “nâng cấp” bản thân lên một tầm cao mới.
Trình độ của mình chưa thể sánh được với các cường quốc boxing thế giới nên chỉ có cách chuẩn bị thật kỹ lưỡng mới mong làm được một điều gì đó tại Thế vận hội.
Hiện tại, tôi vẫn tập luyện bình thường dưới sự dẫn dắt của chuyên gia người Kazakhstan và thầy Nguyễn Anh Dũng (thầy “ruột” của Nguyễn Văn Đương – PV) tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM”, võ sĩ vừa giành vé dự Olympic Tokyo 2020 chia sẻ.
Ở tuổi 24, Nguyễn Văn Đương đang ngày càng trưởng thành, bản lĩnh trên hành trình theo đuổi niềm đam mê boxing. Ảnh: facebook nhân vật.
Theo dòng tâm sự, Nguyễn Văn Đương nhớ lại những ngày đầu chập chững theo đuổi niềm đam mê boxing:
“Từ nhỏ tôi đã thích võ thuật, hay xem phim hành động và rất mê các nhân vật chính nghĩa. Ban đầu, tôi chỉ tập võ phong trào ở Trường cho khỏe người. Đến khi học hết lớp 7, tôi mới thử theo anh họ của mình lên Hà Nội, tới đội boxing Bộ Công an xin tập và xa nhà từ đó”.
Theo Đương, thầy Nguyễn Anh Dũng là người có ý nghĩa đặc biệt trên hành trình theo đuổi niềm đam mê của mình:
“Khi tới đội, tôi 13 tuổi nhưng chỉ nặng có 32kg, rất nhỏ bé nên các thầy không nhận. Riêng thầy Dũng đã nhận ra sự nỗ lực, cố gắng và những tố chất của tôi nên đã trao cơ hội.
Năm 2010 đáng ra tôi cũng không được đi thi đấu giải trẻ toàn quốc nhưng thầy Dũng đã dùng tư cách cá nhân bảo lãnh cho tôi đi thi đấu và giành được HCV năm ấy”, Đương kể lại.
Những tưởng “khởi đầu xuôi” ấy sẽ giúp chàng trai quê Hiệp Hòa (Bắc Giang) thẳng tiến trong sự nghiệp của mình. Nhưng 2 năm sau đó, anh liên tiếp thất bại ở giải trẻ 2011, 2012:
“Nếu như thua về trình độ thì đã đành nhưng tôi thua đối thủ vì họ ăn gian tuổi nên buồn, thất vọng lắm, cảm giác mình vô duyên với boxing và đã xin nghỉ tập về nhà, lên trường của bác trên Thái Nguyên dịp hè 2012 để ôn lại kiến thức văn hóa.
Nhưng chỉ được hơn 1 tuần tôi lại nhớ… boxing quá nên xin tập lại. Cũng may là năm đó, sau 2 tháng tập lại tôi giành được HCĐ giải vô địch quốc gia. Tấm huy chương ấy giúp tôi tự tin hơn để tiếp tục theo đuổi đam mê”, Nguyễn Văn Đương bộc bạch.
Sau bước ngoặt 2012, Đương còn phải đối mặt với một bước ngoặt nữa vào cuối năm 2018 khi hết hợp đồng với boxing Bộ Công an:
“Lúc đó mọi thứ khá mông lung và một lần nữa tôi lại định về nhà làm kinh tế. Nhưng đúng lúc đang ở “ngã ba đường”, CLB chuyên nghiệp VSP boxing đã ký hợp đồng với tôi.
Sau đó, tôi có trận boxing chuyên nghiệp đầu tiên thắng Kamil Syed (Australia) tại giải Victory 8”.
Niềm vui chiến thắng của Nguyễn Văn Đương. Ảnh: facebook nhân vật.
Hiện tại, ngoài hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cho VSP boxing, Nguyễn Văn Đương còn có hợp đồng thi đấu các giải nghiệp dư trong nước và quốc tế cho đơn vị Bắc Ninh:
“Tấm vé dự Olympic Tokyo 2020 là thành quả cho những nỗ lực tập luyện của tôi trong suốt hơn 10 năm theo nghiệp boxing.
Thực sự, trước khi bước vào trận tứ kết vòng loại Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Jordan (trận đấu có ý nghĩa giành vé dự Olympic - PV) gặp đối thủ dày dạn kinh nghiệm, được đánh giá cao hơn là Chatchai Decha Butdee, tôi tự nhủ cứ đánh hết sức với tâm lý thoải mái, thua cũng không mất gì cả.
Tôi cũng biết trước đối thủ đã khá mệt ở trận trước rất căng với võ sĩ Philippines nên không có phong độ tốt nhất. Tôi có thể thắng nhưng phải cố gắng hạ knock-out. Trận đấu càng kéo dài mình càng bất lợi.
Tôi đã chủ động tấn công dồn ép mạnh mẽ ngay từ đầu và may mắn đã thành công.
Phía trước, tôi cùng thầy vẫn tiếp tục tập luyện với quyết tâm cao nhất chờ tới ngày Thế vận hội diễn ra.
Cùng với Olympic 2020, mục tiêu của tôi còn là SEA Gamé 2021 tổ chức tại Việt Nam và xa hơn là ASIAD 2022”, Nguyễn Văn Đương khép lại cuộc trò chuyện cùng Dân Việt.