TTVH Online

TP.HCM kiến nghị tiếp tục đốn hạ nhiều cây phượng trong trường học

Phong Cầm 09/06/2020 20:17 GMT+7

Sở Xây dựng TP.HCM vừa kiến nghị hàng loạt các trường học tại Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.10 và Q.Bình Thạnh nhanh chóng đốn hạ các cây phượng, sọ khỉ… có dấu hiệu sâu bệnh, rễ cây không ăn lan rộng trong đất… để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Kiến nghị tiếp tục đốn hạ nhiều cây phượng trong trường học ở TP.HCM - Ảnh 1.

Một cây bàng bị bật gốc trong sân trường (Ảnh: IT)

Đơn cử, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có 4 cây phượng và cây vú sữa được đề nghị nhanh chóng đốn hạ. Tương tự, tại Trường THCS Trần Văn Ơn, cây phượng lâu năm trước sân trường có đường kính trên 50cm, thân bị nghiêng ra đường, rễ nổi, nặng tán, có dấu hiệu… tiềm ẩn rủi ro cao nên cần sơm được đốn hạ để đảm bảo an toàn.

Hàng loạt trường học khác cũng được kiến nghị nên sớm đốn hạ các cây phượng, sọ khỉ, bàng… như: Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (3 cây hượng); THCS Lê Quý Đôn (1 cây sọ khỉ); THPT Nguyễn Thị Minh Khai (1 cây nhạc ngựa); Tiểu học Bàu Sen (1 cây phượng và 1 cây bàng); Mần non Họa Mi 2 (1 cây phượng và 1 cây sọ khỉ); THPT Nguyễn Du (1 cây phượng)…

Theo Sở Xây dựng TP, qua khảo sát tại 21 trường học trên địa bàn, đa số các trường đều tự thực hiện công tác chăm sóc, tỉa cành nên đều không đúng kỹ thuật, nhiều trường hợp cây bị cắt trụi cành nhánh nên gây mất mỹ quan và sức sống của cây. 

Về lâu dài, các cành nhánh sẽ mọc nhiều ở chỗ cắt nên dễ gẫy gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là những cây cao như sọ khỉ, me tây. Chưa kể, đa số các cây được trồng trong bồn xây cao (30-60cm) để làm chỗ ngồi cho học sinh, vì thế cây có hệ rễ bị bó trong bồn, khó mọc lan ra bên ngoài (cây sẽ trụ vững hơn khi hệ rễ an lan rộng ra trong đất).

Ngoài ra, một số cây có vị trí trồng không thuận lợi, không gian sống bị thu hẹp như bị tòa nhà che chắn sáng nên cây bị nghiêng, kém phát triển; bị bê tông hóa nên hệ rễ không thể lan rộng và sâu.

Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị Sở GD-ĐT TP phối hợp với UBND các quận huyện, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM triển khai các giải pháp: Khi các cây bị sâu bệnh, bị cắt rễ, rễ bị bó trong bồn, khi cải tạo lại sân trường, làm bồn gốc cây… phải hợp đồng với đơn vị chuyên môn có năng lực để khảo sát, cắt tỉa hoặc đốn hạ kịp thời. Các cây phượng có kích thước lớn, được trồng lâu năm (trên 20 năm) phải được kiểm tra và theo dõi thường xuyên.

Nếu buộc phải đốn hạ các cây nguy hiểm thì phải nhanh chóng trồng cây thay thế để tránh ảnh hưởng đến bóng mát, cảnh quan sân trường. Tuy nhiên, sở cũng lưu ý không trồng mới các loài cây thuộc danh mục cấm trồng trên đường phố.

"Đối với cây trồng mới và tùy theo điều kiện của từng trường, nên xây bồn gốc cây rộng và độ cao bồn không quá 20cm hoặc có thể hạ thấp bằng mặt đất", Sở Xây dựng TP.HCM lưu ý.

Quốc Hải
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN