Trong những người đồng đội, đồng chí cùng chiến đấu với Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, có Thiếu tướng Võ Văn Chót - năm nay 85 tuổi, nguyên Tư lệnh Quân khu IV. Ông đã chia lửa với đồng chí Phiêu trong 26 ngày đêm giữa thành phố Huế trong chiến dịch Mậu Thân 1968, khi cùng chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên.
Người chỉ huy văn võ song toàn
Hay tin Thượng tướng Lê Khả Phiêu qua đời, Thiếu tướng Võ Văn Chót (hiện đang sống tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) lặng đi nhiều giờ đồng hồ. Những ký ức về người anh cùng chiến đấu vào sinh ra tử với ông hiện ra như ngày hôm qua, giữa tiếng hô xung phong trong những trận đánh oanh liệt nơi mặt trận Trị Thiên máu lửa.
Bác Chót kể: "Tôi quê Vạn Ninh - Khánh Hòa, được gặp anh Phiêu từ khi tập kết ra Bắc năm 1955, rồi tôi đi học sĩ quan, mãi đến năm 1968 cả hai cùng sát cánh bên nhau trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Khi đó anh Phiêu là Chính ủy Trung đoàn 9, còn tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 thuộc Quân khu Trị Thiên.
Tết năm Mậu Thân, đơn vị của anh Phiêu thực hiện nhiệm vụ giải phóng thành phố Huế, đến phía bắc đèo Hải Vân. Còn Trung đoàn 1 của tôi làm nhiệm vụ đánh ngăn chặn, bọc lót những đợt phản công của địch.
Trong chiến dịch giải phóng Huế, anh Việt là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 hy sinh khi đang chỉ huy chiến đấu, cấp trên đã giao luôn nhiệm vụ Trung đoàn trưởng cho đồng chí Lê Khả Phiêu. Thế là anh Phiêu kiêm luôn cả văn lẫn võ.
Được sự tin tưởng của chỉ huy mặt trận, với kinh nghiệm chiến đấu và làm công tác tư tưởng cho bộ đội, Trung đoàn 9 của anh Phiêu vô cùng xông pha và dũng cảm, làm chủ được thành phố Huế 26 ngày đêm, sau đó rút lui chiến lược lên núi để bảo toàn lực lượng.
Khi lên tới núi, anh Phiêu gặp tôi nói: "Cậu đánh tốt lắm, nhờ có cậu, tôi mới yên tâm rất nhiều khi bảo vệ Huế". Anh Phiêu cũng thông báo sau chiến dịch, tôi được thăng quân hàm lên đại úy. Năm đó là một năm đặc biệt, chỉ trong vòng 12 tháng mà tôi từ anh thiếu úy lên một mạch đến đại úy luôn".
Bác Chót kể thêm: "Khi đơn vị đã rút lên núi, anh Phiêu còn chỉ huy những trận đánh ác liệt gây kinh hoàng cho quân địch, như trận ở đồi Thịt băm, dốc Xay thịt ở A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Nhớ anh Phiêu trong chiến đấu thì có lẽ tôi không bao giờ quên những trận đánh khi anh đã là Phó Chủ nhiệm Chính trị của Quân khu Trị Thiên.
Lúc đó Mỹ hành quân bằng trực thăng rất nhiều, gọi là sư đoàn khinh kỵ. Trực thăng Mỹ bay từng đoàn trên đầu mà bộ đội ta không có lệnh, không dám bắn, vì sợ lộ chỗ đóng quân của đơn vị.
Anh Phiêu gọi tôi ra và nói: "Chưa có lệnh cấm nên các cậu dùng súng bộ binh mà bắn trực thăng của địch". Tôi mạnh dạn triển khai cho anh em bắn luôn và kết quả trong thời gian ở Trị Thiên, Trung đoàn 1 chúng tôi đã bắn rơi 97 trực thăng các loại. Vì thế mà địch không dám sử dụng chiến thuật khinh kỵ khi hành quân đến chiến khu của chúng tôi đóng trên rừng".
Chia nhau từng hạt muối
Không chỉ cùng chia lửa, họ còn chia nhau từng củ sắn, từng hạt muối trên rừng. Bác Chót nói rằng, kể về những kỷ niệm trong chiến đấu giữa ông và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì phải vài ngày mới hết.
Hỏi kỷ niệm nào đậm sâu nhất, ông bảo, có lẽ là khoảng cuối năm 1969, Quân khu Trị Thiên bị cắt đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, bộ đội nhiều tháng trời phải ăn rau rừng, măng, sắn qua ngày. Nhưng thiếu thốn khủng khiếp nhất là muối, rất nhiều chiến sĩ của ta đã bị phù do thiếu muối. Ông bồi hồi nhớ lại:
"Hôm đó tôi lên Sở chỉ huy Quân khu họp tác chiến, tan họp, anh Phiêu gọi tôi vào lán của anh và mở hòm đưa cho tôi một nửa lon sữa bò muối. Nói thật, nhắc đến muối ở mặt trận ai cũng thèm. Nhìn thấy nửa lon muối, tôi như bắt được vàng, anh Phiêu dặn: "Chú nhớ mang về, rồi chia cho bộ đội mỗi người vài hạt, bỏ vào lòng bàn tay mà liếm cho đỡ khát muối".
Anh Phiêu còn mách thêm, ở rừng chỗ chúng tôi đóng quân có cây bứa rừng, cho bộ đội đi hái quả bứa còn xanh về thái mỏng phơi khô có thể dùng thay muối, vì chất chua trong quả bứa có thể thay thế vị mặn của muối, bộ đội ăn được cơm sẽ khỏe hơn. Theo lời anh Phiêu, tôi về dùng bứa xanh nấu ăn, đúng là có hiệu quả, những cơn khát muối không còn hành hạ bộ đội ta nữa.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ quên được nửa lon sữa bò muối đó. Đây là kỷ niệm mà lần đầu tôi chia sẻ với người khác, và chỉ khi anh Phiêu đi xa tôi mới cho phép mình nói ra mà thôi" - Thiếu tướng Võ Văn Chót chia sẻ.
Sưởi ấm đồng đội
Kết thúc chiến tranh, đồng chí Lê Khả Phiêu mang đến quân hàm Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Đảng giao nhiệm vụ Tổng Bí thư. Còn Trung đoàn trưởng Võ Văn Chót thăng quân hàm đến Thiếu tướng, làm Tư lệnh Quân khu IV.
Hai người đồng đội vẫn thường xuyên gặp nhau. Bác Chót nhớ lại: "Lần nào chúng tôi gặp nhau, chỉ hỏi han một chút về công việc. Nhưng câu chuyện anh Phiêu nói với tôi nhiều nhất, là hãy làm tất cả vì đồng đội của chúng tôi đã nằm lại chiến trường Trị Thiên.
Nói về ác liệt và sự hy sinh của bộ đội ta ở mặt trận Trị Thiên thì không thể kể hết được. Nên anh Phiêu luôn luôn nhắc nhở những đơn vị quy tập liệt sĩ của Quân khu IV phải tích cực, trách nhiệm hơn nữa. Tôi làm Tư lệnh Quân khu, rất nhiều lần được nghe anh Phiêu giao nhiệm vụ quy tập liệt sĩ đã an táng ở ngoài rừng về nghĩa trang và tìm thân nhân cho anh em".
Bác Chót nói thêm: "Kể cả những năm cuối đời của anh Phiêu, năm nào anh cũng tham dự lễ cầu siêu cho cán bộ, chiến sĩ Trị Thiên. Hay khi nghe tin quân khu quy tập được những mộ liệt sĩ mới, anh đều gọi điện hỏi thăm rất kỹ. Anh dặn: "Chúng ta không được để đồng đội mình còn phải lạnh lẽo ở ngoài rừng. Phải sưởi ấm cho các đồng chí ấy bằng hơi ấm quê hương và tình đồng bào máu thịt".
Sau những phút xúc động hồi nhớ về kỷ niệm với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thiếu tướng Võ Văn Chót nói: "Anh Phiêu là người chỉ huy xuất sắc, gần cả quân và cả dân, anh có con mắt nhìn người rất rõ, ai có năng lực thế nào anh phát hiện rất nhanh, bồi dưỡng kịp thời và phân công nhiệm vụ rất chính xác.
Chúng tôi, với tất cả những năm tháng sống và chiến đấu cùng anh, lúc nào cũng tin tưởng vào trí tuệ và sự nhiệt huyết cách mạng trong con người anh. Mong anh Phiêu ra đi thanh thản và luôn phù hộ cho Tổ quốc mình được mạnh giàu và mãi trường tồn".