Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái, minh bạch hoá hoạt động của bộ máy, minh bạch hoá tài sản cán bộ - công chức, lành mạnh hoá hoạt động doanh nghiệp… phải thành công. Nếu nghiêm túc thì tất nhiên cũng sẽ không còn "đất" cho một vài nhà báo suy thoái nào đó tính chuyện "làm ăn, kiếm chác".
Mấy năm gần đây có hiện tượng nhà báo săm soi "đếm tầng" nhà xây vi phạm không đúng giấy phép, nhà quan chức nào xây quá hoành tráng để bình phẩm, đánh dấu hỏi này nọ. Việc này khiến nhiều cán bộ phải giật thót tim, nhất là lúc đang Đại hội Đảng các cấp diễn ra.
Câu chuyện có thật này khiến tôi thấy rất buồn, thấy đắng đót trong tâm tư của một người đã mấy chục năm làm báo. Hành vi tống tiền của một số "con sâu" trong làng báo đã làm hoen ố hình ảnh của chính họ, của cơ quan họ công tác và gây tác động xấu tới hình ảnh của người làm báo nói chung, một nghề nghiệp bấy lâu nay vốn rất được nhân dân tin tưởng, gửi gắm kỳ vọng. Nghề báo luôn góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thúc đẩy công khai hoá, dân chủ hoá; thế nhưng, nay đã ít nhiều chuyện không thể vui.
Nếu nhìn vào hiện tượng nhà báo bị bắt vì nghi tống tiền dồn dập xảy ra thời gian gần đây thì tôi thấy đúng là bất thường. Nhưng nếu nhìn sâu xa thì lại không bất thường. Mọi tồn tại xã hội đều có nguồn gốc của nó. Trong các quan hệ công việc, quan hệ xã hội, mối quan hệ giữa báo chí và quan chức, báo chí và doanh nghiệp là các mối quan hệ tương tác cơ bản, nhưng nó cũng có thể bị dẫn dắt bởi vòng xoáy của thời cuộc, của xã hội, của những thời điểm và hoàn cảnh nhất định.
Chỉ nhìn vào một chuyện thôi, khi mà cuộc sống của không ít quan chức quá vênh so với đồng lương, gây ra hoài nghi, bức xúc cho nhân dân. Thậm chí có những quan chức có lối sống xa hoa, trên tiền, coi thường và bất chấp dư luận. Đó là hiện tượng rất đáng chú ý trong xã hội, là đề tài báo chí rất đáng khai thác! Đồng thời nó cũng là môi trường khiến một số nhà báo có thể sa ngã, trục lợi.
Tôi cứ nhớ mãi một việc cố nhà báo, đại tá Bùi Đình Nguyên kể lại với tôi về câu chuyện của ông với nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu mấy chục năm trước, nay muốn kể lại nhân lúc ông vừa đi xa , như một điều để chúng ta cùng suy nghĩ .
Khi ông Lê Khả Phiêu từ quân đội được Trung ương Đảng tín nhiệm phân công giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư, nhà báo Bùi Đình Nguyên, với tình quân ngũ năm xưa, lại là dân miền Trung quen nói thẳng, đã khuyên ông Phiêu: "Anh nên ở trong ngôi nhà cũ của quân đội phân cho anh ngày nào (khi còn ở cương vị thấp và chung với một vị tướng khác - người viết thêm). Trong mắt người dân, anh sẽ luôn giữ được hình ảnh khiêm tốn ,giản dị của người lính Cụ Hồ . Như thế cũng sẽ rất tốt cho công việc của anh... ".
Ông Lê Khả Phiêu mỉm cười rồi trả lời ông Bùi Đình Nguyên: Anh nói đúng, tôi nghe anh. Với lại anh cũng biết lối sống đơn giản của người lính như tôi mà!
Đó chính là ngôi nhà cũ dạng nhà tập thể của sỹ quan Pháp xây để lưu trú. Nó nằm trên phố Lý Nam Đế và khá khiêm tốn. Ông Phiêu khi từ chiến trường Campuchia ra nhận chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội (1988) thì về đây ở chung với vị tướng kia.
Khi làm Tổng Bí thư, ông vẫn ở chung trong ngôi nhà ấy. Sau khi nghỉ hưu nhiều năm , ông Phiêu mới chuyển vào ở ngôi nhà bên trong một con ngõ khuất phía trong chứ cũng không xin chuyển ra nơi nào có mặt phố lớn như một vài lãnh đạo từng xin.
Tôi kể lại câu chuyện này để thấy rằng, lối sống, hình ảnh của người cán bộ lãnh đạo luôn là tấm gương để người dân, báo chí soi vào. Họ sẽ để tiếng thơm cho đời hay ngược lại cũng đều tự mình mà ra .
Nếu quan chức liêm chính, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, đúng pháp luật thì không ai có thể tống tiền được họ. Nhưng, như chính Đảng ta thừa nhận, vẫn còn "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng; một bộ phận doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch, chụp giật, lách luật và vi phạm pháp luật. Như vậy, một bộ phận người làm báo cũng đã suy thoái cùng với sự suy thoái chung này nên mới trở thành đối tượng cho họ lợi dụng kiếm chác
Là những người làm báo, chúng ta cần nhấn mạnh một lần nữa là không thể chấp nhận trong đội ngũ của mình có những phóng viên đi tống tiền, "ăn bẩn". Trong khi nhiều đồng nghiệp của chúng ta vẫn hàng ngày gian khổ, vất vả, đối diện với nguy hiểm khi đi tìm chứng cứ, sự thật để đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, vi phạm, đồi bại trong xã hội; những đồng nghiệp hăng hái đến vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, dịch bệnh như cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thời gian qua để góp phần nhỏ bé của mình đưa tin, cứu trợ, đồng cam cộng khổ với người dân...
Cũng cần hiểu, nhà báo trước hết cũng là con người, và đã là con người thì không phải ai cũng có khả năng miễn nhiễm trong môi trường "độc hại". Như người ta thường nói, "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Khi trong Đảng còn "một bộ phận không nhỏ" quan chức như vậy, trong đội ngũ doanh nghiệp còn một bộ phận làm ăn không đàng hoàng, vi phạm pháp luật như vậy, thì như trên tôi đã nói, nó là "miếng mồi" cho những nhà báo tha hoá trục lợi.
Khi mà có những quan chức ở trong biệt phủ xa hoa được lý giải là do bán chổi đót, nuôi lợn nuôi gà để xây dựng; khi mà có những nơi cả họ làm quan đều đúng quy trình; khi mà những dự án có được do "đi đêm", do "quan hệ dưới gầm bàn"…, thì có lẽ là khi ấy chúng ta vẫn còn đau lòng chứng kiến cảnh có những phóng viên "ăn bẩn".
Cho nên, cùng với việc quyết liệt đấu tranh chống hành vi "tống tiền", "ăn bẩn" của một bộ phận người làm báo, thì "chữa bệnh phải chữa tận gốc". Tức là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái, minh bạch hoá hoạt động của bộ máy, minh bạch hoá tài sản cán bộ - công chức, lành mạnh hoá hoạt động doanh nghiệp… phải thành công. Muốn vậy, người lãnh đạo cần phải làm gương, biết giữ mình bất kể ở cương vị lớn hay nhỏ trong xã hội. Nếu nghiêm túc thì tất nhiên cũng sẽ không còn "đất" cho các nhà báo tính chuyện làm ăn với cái nghề lẽ ra rất được tôn trọng ấy.
Nói về các kiểu tống tiền của nhà báo, thì kiểu đi rình mò sai phạm, chọc ngoáy thói hư tật xấu để bằng cách nào đó kiếm tiền là một loại. Nhưng loại khác, có lẽ nguy hiểm hơn, là khi trong quan trường hình thành các "nhóm lợi ích", và báo chí trở thành công cụ của "nhóm lợi ích", tham gia đấu đá phe phái, làm theo "đơn đặt hàng" thì quả là nguy hại cho sự phát triển của đất nước, chúng ta cần kiên quyết chống.
Tôi được biết, đã có nhiều trường hợp báo chí trở thành "công cụ" của phe nhóm. Có trường hợp là cố tình biến mình thành công cụ của một phía nào đó, tấn công phía khác để hưởng lợi, khi nhận được lời hứa nào đó. Có trường hợp thì mặc cả với "nhóm lợi ích", dùng công cụ của mình là thông tin để làm lợi cho "nhóm lợi ích" đó và được trả công thông qua các hợp đồng quảng cáo, truyền thông, những dự án và thậm chí là cầm tiền trực tiếp.
Nhưng cũng có trường hợp báo chí trở thành công cụ của một bên một cách vô tình. Đó là khi chúng ta đứng trước một sự việc, một vấn đề, chúng ta vào cuộc với lương tâm nghề nghiệp trong sáng, quyết đi tìm sự thật, nhưng chúng ta không lường hết được là người cung cấp thông tin cho mình có dụng ý với động cơ không tốt đẹp.
Trong nghề làm báo của tôi, có những sự việc mà sau này khi có thời gian suy nghĩ lại, khi mọi khuất tất đều phát lộ ra ánh sáng, thì tôi mới có đầy đủ cơ sở để nhìn nhận rõ ràng. Tôi xin kể một ví dụ, 14 năm trước, báo chí chúng ta, trong đó có Báo Thanh Niên vào cuộc trong "vụ in tiền polymer". Sau đó có tới 14 tờ báo nhận án kỷ luật, trong đó có cá nhân tôi ở mức khiển trách khi ở cương vị phó Tổng biên tập.
Trong vụ việc này, lúc đầu là nghi vấn về chất lượng tiền polymer khi có hiện tượng tiền loại mệnh giá 20.000 đồng bị nhoè khi gặp nước. Khi đi sâu vào vụ việc thì có rất nhiều thông tin được cung cấp cho báo chí, phải nói rằng rất cuốn hút, rất đáng để làm… Mãi tới sau này, khi đã nhận án kỷ luật cả chục năm, tôi mới có đủ thông tin để biết rằng các nhà báo chúng tôi đã vào cuộc với động cơ trong sáng, nhưng lại bị tác động bởi những động cơ rất tinh vi của những người trong ngành ngân hàng, họ đấu đá nội bộ không đàng hoàng trước kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Còn thực ra, chủ trương in tiền polymer thay tiền cotton là chủ trương rất đúng, được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mong muốn từ khi ông còn đương nhiệm. Nó chỉ có sai là những người sau này vì tiếc vật tư nguyên liệu (mực in) mà sản xuất sai kỹ thuật chỉ trên một tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng như tôi vừa nêu...
Bản thân chúng tôi ngày ấy đã có những thiếu sót mà không biết được ngay lúc đó để chủ động tránh xa, không bị cuốn vào" guồng "đấu đá nội bộ của họ, vô tình trở thành công cụ của họ trước kỳ Đại hội là như vậy.
Báo chí nước nhà đã và đang thực hiện Nghị quyết của Đảng về quy hoạch báo chí từ nay đến năm 2025. Điều đó về cơ bản cũng là cần thiết, dù có thể có những điều chưa thật hợp lý, còn cứng nhắc. Người đứng đầu cơ quan báo chí, ban lãnh đạo cơ quan báo chí trong giai đoạn quy hoạch này cũng nên rà soát để tìm được những người sạch sẽ, giỏi nghề, giữ gìn đạo đức của người làm báo. Một khi đã vậy thì hẳn là đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở cơ quan đó sẽ khó mà làm bậy, hoặc thậm chí có động cơ không trong sáng thì cũng phải e dè, lo sợ không dám thực hiện.
Còn nếu lãnh đạo cơ quan báo chí mà "dính chàm", vụ lợi, thì làm sao có thể nói được anh em cấp dưới, làm sao có thể làm trong sạch đội ngũ được. Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lĩnh vực nào, tự phòng ngừa vẫn là giải pháp quan trọng nhất.