Là vùng biển bãi ngang, nhưng xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại có thế mạnh từ việc phát triển chăn nuôi gia súc. Đàn trâu, bò ở đây nhiều vào bậc nhất trong tỉnh…
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Lê Văn Hòa (thôn Nam Lãnh), là gia đình được bà con giới thiệu có đàn bò nhiều nhất vùng. “Ở vùng bãi ngang này, nhiều nhà nuôi bò mà làm giàu đó!”-ông Hòa mở đầu câu chuyện.
Mấy chục năm về trước, vợ chồng cũng siêng năng, cần mẫn chăm lo cho ruộng, vườn. Nhưng cố lắm thì cũng ăn đủ bữa trưa lại thiếu bữa tối. Thấy ở quê có nhiều vùng đất chỉ làm màu một vụ hoặc để hoang hóa. Qua mùa mưa, nước ngập xăm xắp, cỏ mọc lút xanh rờn.
Thấy đất hoang hóa chỉ có cỏ dại mọc tốt, ông Hòa suy tính mua cặp bò về nuôi. Thời điểm đó, nuôi bò cũng chỉ để phụ cày đất trồng màu và lấy phân bón cho khoai, sắn. Bởi lẽ, khoai, sắn cũng là lương thực chính của vùng quê nghèo này…
Vậy rồi từ cặp bò ban đầu, cứ sòn sòn mỗi năm thêm một, hai con bê để nâng tổng đàn lên năm, sáu con, chục con. Lúc túng cần tiền, ông lại bán đi cặp bê là ổn. Thấy nhà ông nuôi được, lại có của để dành, nhiều gia đình học theo… nuôi bò.
Bây giờ, đàn bò trên 60 con của gia đình ông Hòa được xếp vào diện lớn nhất ở đây.
Ông nói vui: “Người ta có tiền tỷ là sắm rương, sắm két sắt để cất. Nhà tui có tiền tỷ cứ để ngoài đồng”. Sợ chúng tôi không hiểu, ông giải thích: “Thì tính trung bình bò có giá khoảng 20 triệu đồng thì đàn bò nhà có trên tỷ bạc ấy chứ. Ngày đêm để ngoài đồng chứ có mang về nhà cất đâu”.
Hỏi sao không sợ bị mất? Ông Hòa cười bảo: “Năm trước cũng có kẻ xấu ở địa phương khác đến bắt bò trong làng. Sau đó công an, chính quyền và bộ đội biên phòng phối hợp truy xét, xử phạt nặng nên giờ thì yên rồi”.
“Mỗi năm, trung bình thì cũng được khoảng 200 triệu đồng từ đàn bò. Xem như đó là lãi, còn vốn cứ tăng trưởng dần lên”-ông Hòa vui vẻ nói.
Cũng thu nhập từ nuôi bò, gia đình ông Hòa dành dụm làm được ngôi nhà xây kiên cố gần cả tỷ bạc. Hỏi vì sao không làm nhà tầng cho mát lòng, ông từ tốn rằng để dành nuôi con ăn học. Nhà có năm người con thì đứa lớn đang học đại học, đứa kế sắp vào đại học và ba đứa thì đang nối nhau học phổ thông.
Chính nhờ nuôi bò mà gia đình phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu. Ông Lê Văn Trung nói vui: “Quảng Phú vững lên cũng nhờ phần lớn là nuôi đàn trâu, bò đó. Người dân ở đây hay nói vui là nuôi bò không lo thiếu tiền mà!”.
Nhiều hộ gia đình ở vùng biển này chưa có điều kiện nuôi số lượng nhiều thì cũng chăn 3-5 con. Bà Lê Thị Tâm (thôn Nam Lãnh) mới bán 1 con trâu được hơn 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống ổn định hơn. Nhà bà nuôi 2 trâu cái và 1 trâu đực. Mỗi năm, cũng được 2 nghé, nuôi lên nghé choai thì bán.
Ngoài ra, bà cũng nuôi lợn, trồng hoa màu. Bà bảo: “Ở quê, vậy là ổn định rồi. Cần tiền thì bán đi một, hai con trâu. Nếu không để lại càng được thêm tiền vì trâu lớn giá cao hơn”.
Ở Quảng Phú, việc chăm nom đàn trâu, bò được sắp xếp cho từng hộ gia đình. Ở mỗi thôn hay cụm dân cư được khoanh vùng chăn thả nhất định. Những diện tích trồng lúa hoa màu đều được rào dậu chắc chắn để tránh trâu, bò vào phá. Đến mỗi cuối chiều, bà con nấu cháo loãng bỏ thêm chút muối (gồm gạo với rau xanh) mang ra khu vực nuôi nhốt cho trâu bò ăn dặm thêm.
Anh Nguyễn Văn Sơn, trưởng thôn Nam Lãnh bảo việc cho trâu, bò ăn cháo thành thói quen rồi. Hễ thấy bóng chủ xách theo cái xô, chậu rồi gõ cành cạch vào đó là trâu, bò nhà ai theo về nhà đó mà tranh nhau ăn cháo. “Riết rồi thành quen, cứ chiều chiều là đàn cứ kéo nhau về nơi nuôi nhốt chứ chẳng cần đi lùa về. Cái đó cũng đỡ công, đỡ vất vả cho người nuôi”-anh Sơn nói thêm.
Hiện, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có trên 2.800 hộ dân. Nếu chia theo tỷ lệ bình quân thì mỗi hộ có gần 3 con trâu, bò. Nhìn tổng thể, việc chăn nuôi đàn trâu bò đã là đòn bẩy cho người dân vùng biển nghèo này phát triển mạnh kinh tế gia đình.
“Bình quân thì tài sản vốn lưu động mỗi hộ khoảng 50 triệu đồng”-ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú nói vui.
Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm đến gần 50% tổng số hộ. Khi phát triển chăn nuôi khá ổn định, thu nhập người dân dần tăng lên và hộ nghèo, cận nghèo cứ giảm dần theo hàng năm. Khi địa phương triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân vùng biển bãi ngang này hồ hởi vào cuộc.
Tấm lòng có, sức lực có nên triển khai cái gì cũng thuận lợi. Khi họp bàn chuyện đóng góp xây dựng đường sá, nhà văn hóa, trường học… thì không ai bảo ai cứ đưa tay ủng hộ rần rần.
“Hiện nay, chúng tôi đang bước vào chặng đường mới, đó là xây dựng nông thôn mới nâng cao”-ông Khanh trò chuyện.
“Ngoài việc quy hoạch cụ thể về các vùng chăn thả, vùng phát triển trang trại theo hướng bền vững lâu dài thì chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến chất lượng con giống tốt để cải tạo đàn trâu, bò có chất lượng cao hơn”-ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh như vậy.