TTVH Online

Yên Bái: Trước là quả dại lên rừng mới có, nay thành đặc sản trà táo mèo, ai cũng khen ngon

Phong Cầm 18/09/2020 19:00 GMT+7

Táo mèo hay còn được gọi là Sơn Tra, là thứ quả đặc sản, cây chủ yếu mọc tự nhiên trên rừng. Hiện nay, táo mèo trở thành một trong những cây trồng chính ở một số huyện của Yên Bái, giúp bà con giảm nghèo. Đáng chú ý, táo mèo cũng được địa phương chọn để nâng tầm lên sản phẩm OCOP 5 sao.

Tỉnh Yên Bái hiện đang có hơn 3.820ha diện tích trồng cây táo mèo, trong đó hơn 980ha đang cho thu hoạch quả, sản lượng bình quân đạt từ 2.500 – 3.000 tấn quả/năm. 

Táo mèo ở đây được xác định là loài cây bản địa đa tác dụng, là cây chiến lược trong chương trình xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao nói chung và người Mông nói riêng.

Yên Bái: Từ loài cây mọc dại hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP 5 sao - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc Mông thu hoạch táo mèo ở Háng Gàng, Mù Cang Chải.


Yên Bái: Từ loài cây mọc dại hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP 5 sao - Ảnh 2.

Ngoài là thứ quả ăn vặt được nhiều người ưa thích, táo mèo còn có nhiều tác dụng khác trong đông y và thường được dùng ngâm rượu uống.

Trước đây, mỗi vụ thu hoạch táo mèo đến, bà con thường bị tư thương ép giá, giá cả cũng bấp bênh. Tuy nhiên, nay nhờ có những đơn vị, nhà máy chế biến đầu tư vào địa phương nên quả táo mèo được bán với giá ổn định, tiêu thụ được nhiều.

Chị Sùng Thị Mấy (bản Háng Giàng, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Từ 8 năm trước đây, gia đình mình đã tham gia dự án mở rộng diện tích trồng cây táo mèo, góp phần xóa đói giảm nghèo do Phòng Nông nghiệp huyện phát động. Hiện nay, hơn chục hecta táo mèo ở Háng Giàng của nhà mình cho thu hoạch hàng trăm tấn mỗi năm. Trước đây thường bán cho thương lái, khó lắm, giá rẻ nữa. Nay có công ty mua cho thì tốt quá rồi, mình mong muốn sẽ hợp đồng bán táo lâu dài với công ty".

Yên Bái: Từ loài cây mọc dại hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP 5 sao - Ảnh 3.

Trước đây mỗi khi đến vụ thu hoạch táo mèo, bà con thường bị tư thương ép giá.

Hiểu được giá trị của cây táo mèo, nhiều đơn vị sản xuất, chế biến trên địa bàn huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn, với các dây chuyền sản xuất hiện đại, biến táo mèo thành những sản phẩm chất lượng cao. 

Điển hình như Công ty TNHH Đông dược Thế Gia Văn Chấn đã chế biến táo mèo thành Trà Táo Mèo Shan Thịnh dạng bột hòa tan, có tác dụng giải khát, bồi bổ cơ thể, an thần, tiêu hóa tốt. 

Yên Bái: Từ loài cây mọc dại hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP 5 sao - Ảnh 4.

Hiện nay, táo mèo của bà con được các nhà máy thu mua với giá ổn định. Những quả táo mèo được tuyển chọn kỹ lưỡng từ đầu vào.

Hằng năm, công ty đã giúp tiêu thụ hàng trăm tấn táo mèo tươi cho đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu. Từ đó, tạo ra chuỗi hàng hóa bền vững, giúp người dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ chính loài cây vốn gắn bó lâu đời với người Mông nơi đây.

Hiện, Trà Táo Mèo Shan Thịnh là một trong những sản phẩm của huyện Văn Chấn đăng ký tham gia chương trình OCOP Yên Bái năm 2020. 

Yên Bái: Từ loài cây mọc dại hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP 5 sao - Ảnh 5.

Dây chuyền sản xuất hiện đại cho ra sản phẩm trà táo mèo.

Bên cạnh sản phẩm Trà Táo Mèo Shan Thịnh, còn có xịt massage Quốc Kỳ của Công ty TNHH Đông dược Thế Gia Văn Chấn, chè Suối Giàng đều là những sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP Yên Bái năm 2020, nhận được những đánh giá ấn tượng về quy trình sản xuất, mẫu mã, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. 

Các sản phẩm này đang là những ứng cử viên đại diện cho các sản phẩm của tỉnh tham gia OCOP, hứa hẹn sẽ đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Yên Bái: Từ loài cây mọc dại hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP 5 sao - Ảnh 6.

Sản phẩm trà táo mèo Shan Thịnh đang hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Chấn cho biết: “Các sản phẩm tham gia OCOP là những mặt hàng có giá trị sử dụng cao, mang tính đại diện vùng miền rõ rệt. 

Hiện các đơn vị đang đẩy mạnh việc thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến việc tạo ra nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe người dùng, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho con em các dân tộc tại địa phương là đúng với chủ trương chỉ đạo của huyện Văn Chấn".

Theo y học cổ truyền, táo mèo có vị chua, hơi chát, thuộc nhóm tiêu thực hoá tích, giúp tăng bài tiết acid mật và pepsin dịch vị... chủ yếu dùng làm thuốc trị các chứng rối loại tiêu hoá, kích thích tiêu hoá, giúp ăn ngon miệng.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy: Trong quả Táo Mèo chứa các hoạt chất như vitamin C, protit, tanin, acid hữu cơ, hydrat cacbon và nhiều chất dinh dưỡng khác có tác dụng kháng khuẩn, chống rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường khả năng miễn dịch, trấn an tinh thần, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, giảm mỡ máu và giảm nguy cơ béo phì, viêm cầu thận cấp và mãn tính, phòng đau thắt ngực.

Ngoài ra, táo mèo còn có tác dụng làm đẹp da, mịn da. Dịch chiết táo Mèo có tác dụng ức chế trực khuẩn E.coli, lỵ, bạch hầu, thương hàn, tụ cầu vàng, khá mạnh.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

.Yên Bái: Loài cây ra quả đặc sản, cây thấp cho tới cây cao, cây nào cũng đầy trái chín vàng

Hoàng Hữu
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN