TTVH Online

Vụ 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội: Cho thí điểm rồi quyết tháo dỡ!?

Phong Cầm 01/10/2020 18:30 GMT+7

Những công trình du lịch sinh thái được tạo nên từ mô hình liên kết giữa Vườn quốc gia Cát Bà với các doanh nghiệp đã và đang tạo cho Vịnh Lan Hạ trở thành viên ngọc quý của du lịch Cát Bà, bỗng chốc biến thành "tội đồ".

 Gió đổi chiều

Như Dân Việt đã thông tin, 6 doanh nghiệp đầu tư du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Bà như đang ngồi trên lửa khi loạt công trình xây dựng đang bị UBND TP.Hải Phòng yêu cầu phá dỡ.

Những thay đổi bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2017. Những cố gắng của lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà khi mời gọi đầu tư vào du lịch sinh thái, những công trình được tạo nên từ mồ hôi và nước mắt của doanh nghiệp bỗng chốc bị đổi chiều ngược lại từ có công thành có tội.

Hải Phòng: 6 trăm tỷ đầu tư du lịch sinh thái, 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội - Ảnh 1.

Khu nghỉ dưỡng tại Hòn Vạn Bội (Vịnh Lan Hạ) được thiết kế tuyệt đẹp, hài hòa với thiên nhiên hiện đang bị dừng hoạt động.

Bắt đầu là việc UBND TP.Hải Phòng ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 2360/QĐ-UB ngày 11/9/2017 của chính UBND thành phố về việc phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng. 

Đây là đề án được Vườn Quốc gia Cát Bà xây dựng theo chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng trước đó 3 năm để hoàn thiện công tác quản lý đối với mô hình du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ rừng sau quá trình hoạt động thí điểm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư theo lộ trình, yên tâm phát triển du lịch địa phương. 

Sau khi hủy bỏ đề án cho thuê môi trường rừng, UBND TP.Hải Phòng yêu cầu Vườn Quốc gia Cát Bà phải thanh lý các hợp đồng đã liên doanh liên kết.

Tiếp đến những cuộc thanh tra, kiểm tra, để thực hiện mục tiêu "dỡ bỏ các công trình vi phạm".  

Thêm một bất lợi nữa cho các doanh nghiệp, đó là việc chuyển Vườn quốc gia Cát Bà từ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý về trực tiếp UBND thành phố quản lý. Đội ngũ lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà được thay mới hoàn toàn. 

Ngày 24/2/2020, ông Nguyễn Văn Thịu - tân Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà ban hành thông báo số 22/TB-VQGCB yêu cầu các doanh nghiệp phải khẩn trương tháo dỡ các công trình xây dựng tại các điểm liên doanh liên kết dịch vụ du lịch trên địa bàn Vườn Quốc gia Cát Bà (8 điểm) xong trước ngày 29/2/2020 do xây dựng trái phép!?

Trao đổi với báo chí về việc này, ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc của Vườn Quốc gia Cát Bà cho rằng, việc xây dựng các điểm du lịch sinh thái trong phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia Cát Bà trước đây là hoàn toàn trái quy định của pháp luật do thời điểm đó thành phố chưa phê duyệt đề án phát triển du lịch !?

Đã cho phép thực hiện thí điểm

Tuy nhiên, trái với quan điểm của ông Thịu, ông Phạm Văn Thương, nguyên Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường (đơn vị trực thuộc Vườn QG Cát Bà) cho biết, để có các công trình phục vụ du lịch như ngày hôm nay là cả một quá trình lịch sử qua các thời kỳ quản lý khác nhau.

Theo đó, Vườn Quốc gia Cát Bà được thành lập từ năm 1986 theo Quyết định số 79-CT ngày 31/3/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Vườn Quốc gia Cát Bà có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học, tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và phát triển du lịch sinh thái. 

Căn cứ chức năng của mình, ngay từ ngày đầu thành lập, Vườn Quốc gia Cát Bà đã thành lập Ban Quản lý du lịch dịch vụ với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tham quan du lịch và hàng hóa phục vụ khách, phục vụ dịch vụ ăn, nghỉ và hướng dẫn khách tham quan du lịch.

Năm 1998, Cát Bà có điện lưới quốc gia, nhu cầu phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái trên đảo ngày một tăng cao. Được sự cho phép của Bộ NNPTNT tại văn bản số 1990 ngày 14/5/1998, VQG Cát Bà đã tổ chức giao cho cán bộ, nhân viên của Vườn kết hợp quản lý và thu dịch vụ tại một số điểm trên rừng và khu vực Vịnh Lan Hạ do Vườn quản lý.

Năm 2001, Chính phủ ban hành Quyết định số 08/QĐ/2001/TTg về Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… trong đó cho phép Ban quản lý rừng đặc dụng được tự tổ chức hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuê, khoán để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.

Hải Phòng: 6 trăm tỷ đầu tư du lịch sinh thái, 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội - Ảnh 3.

Khu du lịch nghỉ dưỡng đảo Cát Dứa 2 (Monkey Island) sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

"Tại thời điểm đó, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gặp nhiều khó khăn cả trên rừng và dưới biển do phương tiện đi lại thiếu thốn, thô sơ (chỉ có thuyền nan chèo bằng tay không có động cơ), do đó mô hình giao khoán dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình là phương án khắc phục khó khăn được chúng tôi quyết định lựa chọn. Anh em chúng tôi đã lặn lội đi tìm đối tác. 

Nhiều người cũng muốn đầu tư nhưng khi ra đảo, thấy cảnh tượng hoang vu, phải dốc nhiều tiền của nên cũng đã từ chối. Chúng tôi gặp được ông Mãn và một số đối tác đã sát cánh cùng chúng tôi để làm du lịch. Từ đó, một số cơ sở dịch vụ du lịch bắt đầu hình thành gồm Bãi Cát Dứa 1, Cát Dứa 2, bãi Nam Cát, Hòn Tháp Nghiêng - Ba Cát Bằng"- ông Thương chia sẻ.  

Năm 2004, VQG Cát Bà được chuyển giao về thành phố Hải Phòng quản lý theo Quyết định số 333/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 12/7/2006 của UBND Thành phố Hải Phòng, VQG Cát Bà vẫn có nhiệm vụ kết hợp khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, điều dưỡng, phục vụ các hoạt động tham quan nghỉ mát; hướng dẫn giúp đỡ người dân trong vùng tạo việc làm, tham gia vào các hoạt động bảo tồn kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái nhằm cải thiện đời sống nhân dân góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biên giới, hải đảo.

Ngày 24/3/2009, UBND thành phố Hải Phòng có Quyết định số 492/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường trực thuộc VQG Cát Bà. 

Theo quyết định nói trên, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm chi thường xuyên, không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động. Do đó, Trung tâm phải sử dụng mọi khả năng để có nguồn thu duy trì bộ máy và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quản lý du lịch.

Để có cơ sở lập đề án du lịch sinh thái, VQG Cát Bà đã có văn bản đề nghị và được Sở NNPTNT nhất trí cho triển khai mô hình thí điểm dịch vụ du lịch sinh thái.

"Từ đó, ngoài 4 cơ sở dịch vụ du lịch nói trên, ban lãnh đạo chúng tôi VQG Cát Bà đã triển khai thêm 2 mô hình thí điểm tại bãi Tai Kéo và khu trung tâm Vườn là hai vị trí thuộc phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính. 

Việc xây dựng các điểm du lịch dịch vụ nói trên được tuân thủ theo hướng dẫn tại Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN của Bộ NNPTNT ngày 27/12/2007 về Quy chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên" - ông Thương cho biết thêm.

Với sự thành công bước đầu của các mô hình thí điểm, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 4/12/2012 phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà.

Trong đó cho phép VQG Cát Bà nghiên cứu, khảo sát cụ thể các điểm du lịch sinh thái và thực hiện các mô hình thí điểm ở một vài điểm trong thời hạn nhất định nhằm rút kinh nghiệm, duy trì những mặt được, khắc phục hạn chế, vướng mắc để từng bước phát triển, nhân rộng mô hình.

"Thực hiện chủ trương của thành phố, chúng tôi tiếp tục liên kết với 3 công ty để triển khai thí điểm mô hình chèo thuyền, trải nghiệm tham quan Vịnh Lan Hạ, leo núi ngắm cảnh Vịnh Lan Hạ và du lịch sinh thái tại bãi tắm Vạn Bội (Công ty CP Đầu tư Thương mại và dịch vụ Đông Kinh). 

Các mô hình liên doanh thí điểm nói trên mang lại hiệu quả rất cụ thể, thiết thực, đồng thời giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. 

Một số sản phẩm du lịch sinh thái trong Vườn được kiểm định chất lượng, đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường phát triển bền vững đã được Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và các ban ngành liên quan trao tặng Nhãn sinh quyển năm 2012 cho khu nghỉ dưỡng đảo Nam Cát, Dịch vụ du lịch và vận tải hành khách của Cty CPTM Tùng Long"- ông Thương nhấn mạnh.

Ông Thương cho biết thêm, từ những thành công bước đầu của mô hình thí điểm du lịch sinh thái, UBND thành phố Hải Phòng đã cho phép VQG Cát Bà (tại văn bản số 1254/UBND-NN ngày 27/2/2013) là đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án thí điểm về tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ môi trường ở Vườn quốc gia Cát Bà.

Sau một thời gian triển khai, rút kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm, VQG Cát Bà đã xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên. Đề án nói trên đã được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 2360 ngày 11/9/2017 do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng ký.

Trong đó cho phép các doanh nghiệp được đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà, thời hạn cho thuê 50 năm, mỗi chu kỳ 10 năm. Thành phố cũng đã có quy định về giá thuê môi trường rừng Vườn Quốc gia Cát Bà tại Quyết định số 33/QĐ-UB ngày 19/12/2017.

Nhưng như Dân Việt đã nêu ở trên, không lâu sau đó, UBND TP.Hải Phòng đã có văn bản hủy bỏ Quyết định số 2360.

"Chính cái văn bản hủy bỏ Quyết định số 2360 của UBND thành phố đã đẩy các doanh nghiệp vào chân tường vì không thể tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo qui định của pháp luật như lộ trình mà họ đang triển khai thực hiện" - ông Thương nói.

Ông Trịnh Phúc Mãn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch đảo Cát Dứa  cho biết, quá trình đầu tư du lịch sinh thái của các doanh nghiệp trong nhiều năm qua không bị cơ quan chức năng nào lập biên bản về việc xây dựng trái phép. 

Hải Phòng: 6 trăm tỷ đầu tư du lịch sinh thái, 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội - Ảnh 4.

Công trình do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế đã đoạt giải Vàng trong cuộc thi Công trình kiến trúc thân thiện với môi trường châu Á tổ chức tại Dhaka, Bangladesh năm 2019.

Chưa đủ căn cứ, vẫn quyết tâm tháo dỡ

Được biết, ngày 25/3/2020, các ngành gồm: Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Thanh tra thành phố, UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà đã tiến hành họp về thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố. 

Sau khi nghe 11 ý kiến phát biểu của đại diện các ngành, Hội nghị đã thống nhất kết luận: "Chưa đủ cơ sở, căn cứ để tháo dỡ các công trình xây dựng của 7 Doanh nghiệp liên doanh liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà…".

Tuy nhiên, sau đó, ngày 4/9/2020 ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục chủ trì cuộc họp với các ngành, nghe các doanh nghiệp trình bày, đi thực tế tại các địa điểm liên doanh liên kết. Sau đó, ông Tùng vẫn kết luận, UBND thành phố kiên định mục tiêu yêu cầu các doanh nghiệp phải tháo dỡ các công trình tại các điểm liên doanh liên kết nêu trên.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cũng thừa nhận, đây là lần đầu tiên UBND huyện được thành phố giao nhiệm vụ lập đoàn kiểm tra toàn diện các hoạt động của các điểm du lịch liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà. 

"Do đặc thù Vườn Quốc gia Cát Bà trực thuộc UBND thành phố, việc quản lý hoạt động của Vườn Quốc gia chịu sự chi phối của nhiều luật, quy chế quản lý khác nhau nên chúng tôi chỉ được phép kiểm tra khi được Thành phố chỉ đạo"- ông Vinh nói.

PV đã liên hệ với lãnh đạo Sở NNPTNT, Sở Xây dựng Hải Phòng nhưng các đơn vị này lấy lý do đang cho cán bộ đi kiểm tra, thanh tra theo chỉ đạo của UBND Thành phố nên chưa có kết quả để trả lời báo chí.

"Doanh nghiệp chúng tôi thấy như bị đẩy vào đường cùng, doanh nghiệp như bị bức tử vì đã phải bán toàn bộ tài sản nhà cửa, vay nợ tiền Ngân hàng để đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các điểm du lịch sinh thái, nay lại có nguy cơ bị cưỡng chế tháo dỡ"- Ông Nguyễn An Bình- Giám đốc Công ty CP Thương mại Thanh Bình bức xúc.

Trong dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XVI, Hải Phòng đặt ra mục tiêu đưa Đồ Sơn, Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Do đó, việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch là cần thiết để hướng tới hoạt động du lịch bền vững.

Nhưng không vì thế mà lãng quên những đóng góp không hề nhỏ của những người đi trước mở đường, những người đã và đang góp phần làm nên thương hiệu du lịch Cát Bà hôm nay. Nhất là không thể "xóa sổ" họ bằng những mệnh lệnh hành chính vô cảm!  

Vũ Thị Hải
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN