TTVH Online

Đề xuất sửa đổi Nghị quyết 42, giải quyết dứt điểm nợ xấu

Phong Cầm 30/09/2020 11:04 GMT+7

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, sau một thời gian triển khai Nghị quyết 42 đã tạo ra nhiều dấu ấn và chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cần được tháo gỡ dứt điểm

Sáng ngày 30/9, tại Hà Nội, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020: "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách".

Phát biểu khai mạc Vietnam Banking Forum 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết trong thời gian qua, tình hình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng sự quan tâm của đông đão cử tri, quần chúng nhân dân cả nước.

Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42. Đây là Nghị quyết có giá trị pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một Nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ về kết quả triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ về kết quả triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Nghị quyết 42 tạo "đột phá" trong xử lý nợ xấu

Theo ông Nguyễn Kim Anh, song song với quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1058 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Quyết định số 1058 tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm thực tế triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ..

Xác định việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành ngân hàng trong suốt giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc , bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan, cụ thể hóa các giải pháp nêu tại Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Sau một thời gian triển khai trên thực tế, ông Nguyễn Kim Anh cho biết, các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Đến nay, về cơ bản, thứ nhất, các TCTD đã không ngừng nỗ lực triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xừ lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra.

Thứ hai, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, các TCTD đảm bảo các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, chất lượng tín dụng của các TCTD được cải thiện, tỷ lệ nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%.

Thứ tư, quy mô tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Năm là, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ độnglớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát, xử lý.

Cuối cùng, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ.

Thông tin thêm về kết quả xử lý nợ xấu, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng chia sẻ, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng).

Tỷ trọng nợ xấu đã xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã giảm từ 2,46% (2016) xuống 1,89% trong hai năm 2018-2019, nhưng lại tăng lên mức 2,04% vào ngày 30/6/2020, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Đến cuối tháng 3/2020, hệ thống đã xử lý được 299.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, hoạt động mua nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay. Việc xử lý nợ xấu tại VAMC đạt được kết quả tích cực, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết 42, tăng lũy kế từ 46.460 tỷ đồng (30/6/2018) lên 65.080 tỷ đồng (31/3/2020).

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng  đề xuất sửa đổi Nghị quyết 42, giải quyết dứt điểm nợ xấu

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng đề xuất sửa đổi Nghị quyết 42, giải quyết dứt điểm nợ xấu

Đề nghị sửa đổi Nghị quyết 42 để giải quyết dứt điểm nợ xấu

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đặt được kết quả khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của TCTD.

Đó là, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu tủ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II của một số TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước còn khó khăn, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi nhân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/ tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ về kết quả triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Toàn cảnh Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020: "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách".

Ngoài ra, việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42, thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý TSBĐ và nộp án phí theo bản án, quyết định của tòa án các cấp…

Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020.

Thời gian tới, để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và công tác cơ cấu lại theo Quyết định 1058 được triển khai có hiệu quả trên thực tế, đồng thời các TCTD tiếp tục pháp huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42.

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả; xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và quản trị điều hành của các TCTD, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế.

Để triển khai thành công các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, đạt được các mục tiêu đề ra, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của các TCTD cũng như hoạt động tiền tệ, ngân hàng, ngoài sự hỗ trợ của NHNN và các TCTD, VAMC, cần có sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành chính quyền địa phương, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tăng cường hơn nữa vai trò và sự đóng góp của ngành ngân hàng đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Huyền Anh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN