TTVH Online

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới: Quá nặng và không phù hợp?

Phong Cầm 10/10/2020 07:03 GMT+7

Nhiều phụ huynh kỳ vọng vào các bộ sách giáo khoa mới, nhưng có những người phải “ngã ngửa” vì thấy con học khó quá, nhanh quá, và nhất là thấy bức xúc vì việc biên soạn nội dung quá ẩu, chọn bài đọc ngô nghê.

Dư luận đang "dậy sóng" bởi nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng sách Tiếng Việt lớp 1 mới quá nặng, trẻ không thể học theo kịp. Đặc biệt có bộ sách gây bức xúc bởi việc chọn lựa các bài đọc với nội dung bị cho là ngô nghê, tâm thế được cho là nói về một cách sống khôn vặt, trí trá, không phù hợp với mục tiêu giáo dục dạy chữ, dạy người.

Phóng viên Dân Việt tìm hiểu rõ hơn chương trình tiếng Việt mới qua tiếp xúc với các em học sinh, giáo viên, phụ huynh trẻ lớp 1, cũng như lời khuyên, phân tích từ các chuyên gia, để có cái nhìn bình tĩnh, thái độ kiên trì, mang tính sư phạm hơn về những cải cách sách giáo khoa và chỉ ra những bất cập trong soạn sách giáo khoa mới. 

Bài 1:  SGK Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới: “Cánh diều” chao đảo

“Líu lưỡi đọc bài”

Chị Hoài Thanh (quận 3, TP.HCM) cho biết, qua báo chí và truyền thông, lúc đầu chị rất kỳ vọng vào bộ sách giáo khoa “Cánh diều” sẽ giúp con chị bắt đầu vào học lớp 1 nhẹ nhàng, hứng thú hơn, nhưng thực tế đã hoàn toàn trái ngược. 

“Mới đầu năm học lớp 1 mà các con phải học 2 âm trong một buổi, sau đó ráp âm lại thành tiếng rồi đọc, viết. Tính ra, mỗi tuần học sinh phải học và phải nhớ, phải đọc được, viết được 10 âm. Trẻ lớp 1 đến các mặt chữ còn chưa nhớ hết thì làm sao ráp âm lại thành tiếng mà đúng hết được? Chương trình lớp 1 cũ đã có nhiều người kêu là quá nặng với trẻ, tôi cứ mong chương trình mới khắc phục được nhược điểm này, không ngờ các con còn bị quá tải hơn", chị Thanh bức xúc.

Chị cho biết, con chị thường xuyên bị nhầm lẫn các con chữ như p với q, d với đ, h với n... Bé căng thẳng đến mức mỗi lần lấy sách tiếng Việt ra học là lại khóc, cô giáo thì than phiền bé học chậm quá khiến cả nhà chị đều bị stress.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới: Quá nặng và không phù hợp?
 - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh kỳ vọng vào các bộ sách giáo khoa mới, nhưng có những người phải “ngã ngửa” vì thấy con học khó quá, nhanh quá.

Chị Thanh lấy luôn ví dụ trong bộ sách “Cánh diều” con chị đang học ra để chứng minh sự trúc trắc, khó đọc, khó hiểu ngay cả với người lớn chứ chưa nói đến các bé 6 tuổi mới bắt đầu làm quen với mặt chữ cái: “Mới vào đầu năm mà học sinh lớp 1 phải đọc những câu như “cá đẻ ở hồ, gà đẻ ở bờ đê” – líu cả lưỡi, rồi còn bắt trẻ nối chữ với hình ảnh. Rồi còn những câu “Ba Hà để bể cá ở hè. Bể có cá, có cò, le le. Cò ở bể cá là cò đá. Le le là le le gỗ”, nói thật đến tôi đọc còn không nổi, nói gì các con”.

Cùng chung tâm trạng, anh Việt Trung (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nhà cùng "đánh vật" với những con chữ. Sau mỗi buổi học, cô giáo sẽ chụp ảnh các chữ gửi trong group Zalo rồi yêu cầu phụ huynh cho con em rèn chữ ở nhà. Không chỉ mệt mỏi với chữ viết, trẻ vào lớp 1 phải đọc, viết rất căng, cứ một buổi học 2 âm, sau đó ghép vần và viết chính tả luôn. Mới kết thúc tuần 1, các con phải đọc đoạn văn dài.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới: Quá nặng và không phù hợp?  - Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh bức xúc vì việc biên soạn nội dung trong bộ sách Cánh diều quá ẩu, chọn bài đọc ngô nghê.

"Con trai tôi chưa nhận diện hết mặt chữ, cô giáo đã yêu cầu đọc suôn từng từ. Ngày trước cứ thong thả học vần, ghép chữ qua những bài thơ với câu từ đơn giản, dễ hiểu, khơi gợi trí tò mò, háo hức sự đọc. Tôi thấy khó để kèm dạy con, vì sách đã bỏ qua nhiều bước vỡ lòng rất quan trọng", anh Trung nói.

Trò đuối, cô cũng đuối

Không chỉ có phụ huynh bức xúc, mệt mỏi, chính các giáo viên trực tiếp dạy trẻ cũng than khó, đuối sức vì nhịp độ bài học nhanh, học sinh không kịp nhớ mặt chữ.

Cô Hoàng Nga, giáo viên một trường tiểu học tại quận 8 cho biết, sách giáo khoa mới, nhất là môn Tiếng Việt, có rất nhiều kiến thức hơn chương trình cũ. Tại chương trình sách giáo khoa cũ, mỗi ngày với 2 tiết Tiếng Việt, học sinh học 2 âm cùng 4-5 từ đơn giản, một câu ngắn gọn. Nhưng với chương trình mới, các em phải vừa nhận diện âm, đọc tiếng và đọc từ, học các mẫu câu ngắn rồi ghép thành đoạn đối thoại, đoạn văn 3-4 câu.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới: Quá nặng và không phù hợp?  - Ảnh 3.

Cô Hoàng Nga, giáo viên một trường tiểu học tại quận 8, TP.HCM cho biết, sách giáo khoa mới, nhất là môn Tiếng Việt, có rất nhiều kiến thức hơn chương trình cũ.

Trong những tuần đầu, học sinh thường xuyên nhầm lẫn các chữ d với đ, e với ê, o và ô... do không có nhiều thời gian để ghi nhớ, giáo viên cũng không đủ thời gian sửa lỗi. Trong phiếu học tập phát cho phụ huynh mỗi tuần, cô phải liệt kê bài học với các chữ cái, vần để cha mẹ kèm thêm cho con ở nhà.

Một giáo viên ở quận 5 chia sẻ: "Chương trình sách giáo khoa lớp 1 với bộ sách mà trường đang dạy quá khó. Khi giáo viên đi tập huấn để làm quen, tất nhiên giáo viên ai cũng hiểu vấn đề nhưng để làm sao truyền tải cho trẻ lớp 1 chưa biết viết, đọc một nội dung bài học trong thời gian quá ngắn là điều... toát mồ hôi".

Giáo viên này nêu ví dụ bài tập đọc "Trung thu", các em phải học 3 vần "ang", "ăng", "âng" và đoạn văn ngắn gồm hai câu phức. Bài 1 vần học sinh có thể nhớ, bài đến 2 - 3 vần trong thời gian ngắn, học sinh không thể nhớ kịp. Theo phân phối chương trình, hết tuần 9 các em học 8 vần và âm đôi. Như thế không những nhiều mà thời gian học rất nhanh. Hết tháng 9 đã xong các âm, các câu ứng dụng đã có 2 - 3 câu. Học sinh tập chép lại các câu đó vất vả mà thời gian cho viết lại ít. Học sinh còn đang phải tập đánh vần, đọc còn chưa nhanh, chưa đúng nhưng đã có những nội dung yêu cầu học sinh đọc hiểu để trả lời.

"Các bộ sách gần như thiết kế cho học sinh phải biết chữ trước, các em chưa biết chữ rất khó theo kịp chương trình. Mà trò đuối thì cô cũng đuối. Dạy các em đúng chương trình đã vất vả rồi, kèm cặp từng em yếu là điều rất khó, nhất là khi sĩ số lớp đông, trình độ tiếp thu của học sinh lại quá khác nhau", giáo viên này chia sẻ.

(Còn nữa)

Bạch Dương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN