TTVH Online

Thùng mỳ tôm không có lỗi hay là ước mơ về một bản đồ từ thiện

Phong Cầm 20/10/2020 16:14 GMT+7

Chưa người dân vùng lũ nào tôi từng gặp trong hành trình hơn 10 năm qua của mình, nói ngán mỳ tôm hay giận dỗi những Mạnh Thường Quân vì chỉ mang cho họ mỳ tôm. Đó không chỉ là thùng mỳ tôm, đó là sự sẻ chia của đồng bào đối với cơn khốn khó của mình. Nhưng nếu chúng ta xây dựng được một bản đồ từ thiện...

Ấn tượng lớn nhất của tôi từ những ngày thơ bé, là thấy các bà các chị từ chợ từ Đồng Xuân (Hà Nội) cho đến cái chợ huyện nhỏ bé quê mình từng người từng người bỏ những đồng tiền ươn ướt, thậm chí còn dính tý lá rau, hay nồng mùi cá thịt vào chiếc nón của bác tổ trưởng để ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Rồi hình ảnh những thùng mỳ tôm được chuyền từ tay người này đến cho người kia, trên nền nước mênh mông…

Cũng chẳng ngờ, khi lớn lên, nó lại là hình ảnh gắn bó với công việc và những chuyến đi dài của tôi nhiều nhất.

Bão lụt miền Trung, Đồng bằng Bắc Bộ, lũ quét, sạt lở Tây Bắc, Bắc Miền Trung… gần như không năm nào, dải đất hình chữ S mỏng manh này không chịu những đòn quất tai ương. Và cũng chưa bao giờ, tinh thần tương thân, tương ái của người Việt mỏi mệt. 

Như những ngày này, trong cuộc sống, trên mạng xã hội, đâu đâu cũng là thông tin kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung. Tôi nghĩ, chỉ vậy thôi, nhiều người cũng đã rất ấm lòng…

Và rồi, câu chuyện hỗ trợ cho bà con vùng lũ của các đoàn, các tổ chức, các cá nhân từ thiện – lại trở thành tâm điểm của dư luận. Chẳng có gì ngạc nhiên, đó vốn là câu chuyện muôn thủa của những mùa lũ bão.

Ngoài những bài viết phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo và đưa ra các khuyến cáo hợp lý trong việc tổ chức hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ gì cho bà con… của những tổ chức, những cá nhân có kinh nghiệm, nắm sát tình hình thực tế địa phương và tình trạng thực tại của bà con, cũng đã xuất hiện không ít những bài viết phê phán việc các đoàn gửi mỳ tôm vào vùng lũ, thậm chí, có những biếm chế về việc bà con vùng lũ ngán ngẩm, khổ sở vì giải quyết "hậu quả mỳ tôm" từ nhiều mùa lũ trước…

Tôi không nghĩ những người viết ra điều đó là xấu. Bởi ít ra, họ đã không dửng dưng trước nỗi đau của đồng bào và họ chỉ thể hiện sự quan tâm theo cách mà họ cho là đúng. Điều đó, đáng trân trọng. Và cũng không hẳn không có phần trăm sự thật nào trong đó! Điều đó đáng ghi nhận.

Nhưng tôi nghĩ, phân tích và chỉ trích là hai thái độ hoàn toàn khác nhau.

Thùng mỳ tôm không có lỗi hay là ước mơ về một bản đồ từ thiện - Ảnh 2.

Nhiều nhà dân ở Lệ Thủy, Quảng Bình đang ngập sâu trong trận lũ lịch sử. Ảnh: Trọng Hiếu.

Với vai trò là một người từng tiếp nhận hỗ trợ cho đồng bào miền Trung nhiều mùa lũ bão, tôi cũng đã có lần từ chối nhận mỳ tôm, nhiều lần tư vấn cho Mạnh Thường Quân chuyển tặng vật phẩm khác thay vì tặng mỳ tôm. Đã từng tận mắt chứng kiến, cả chục đoàn xe bán tải nối đuôi nhau chờ thuyền để đưa quà vào vùng lũ, xe nào cũng chất đầy mỳ tôm…

Có chuyện, bà con vùng lũ, có ngày, mỗi hộ nhận vài thùng mì tôm không? Có.

Có chuyện, bà con vùng lũ phải ăn dần mỳ tôm sau lũ không? Có.

Nhưng chưa người dân vùng lũ nào tôi từng gặp trong hành trình hơn 10 năm qua của mình, nói ngán mỳ tôm hay giận dỗi những Mạnh Thường Quân vì chỉ mang cho họ mỳ tôm. Bởi hơn ai hết, họ hiểu, đó không chỉ là thùng mỳ tôm, đó là sự sẻ chia của đồng bào đối với cơn khốn khó của mình. Người Việt mình, trọng nghĩa tình lắm! 

Hơn nữa, bản thân thùng mỳ tôm không có lỗi. Những người đã mang thùng mỳ tôm ấy ngàn dặm gió mưa đến với đồng bào của mình, càng không thể không trân trọng.

Vấn đề là ở chỗ, chúng ta thiếu một đầu mối cung cấp thông tin chuẩn xác địa điểm cần hỗ trợ, và nhu cầu thực tế của bà con vùng cần hỗ trợ.

Cũng như, đã thiếu sự đoàn kết, phối hợp để điều phối hợp lý của các đoàn từ thiện khi cùng hướng chung tới một mục tiêu là ủng hộ đồng bào vùng khó.

Có lần, trong hơn 1 tiếng ngồi chờ thuyền vào vùng cô lập ở Hà Tĩnh, tôi thấy máy điện thoại của đồng chí phó chủ tịch xã nóng liên hồi, phần lớn là các cuộc gọi hỏi thông tin hỗ trợ của các đoàn từ thiện.

Trong khi, cũng đồng chí ấy phải chân năm tay mười tiếp đoàn, xác nhận hỗ trợ, chỉ đạo xử lý các vấn đề hỗ trợ cứu trợ cho bà con của địa phương mình thậm chí bốc hàng cùng các đoàn từ thiện.

Cũng là đồng chí ấy, phải sắp xếp từng chiếc thuyền cho các đoàn cứu trợ, khản cổ nhắc nhở việc đảm bảo an toàn. Có khi chậm trễ là sẽ bị cho là thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm, thậm chí là coi thường lòng tốt của các đoàn từ thiện.

Trong khi, thực tế, có đoàn đến cách xã vài trăm mét mới điện báo cho chính quyền..., thậm chí là không hề liên hệ trước.

Với nguồn lực như thế, với cường độ công việc như thế, tôi tin không cán bộ địa phương nào có đủ thời gian để cập nhật thông tin đầy đủ, chi tiết về nhu cầu của bà con cho tất cả các đoàn, để họ có cái nhìn tổng quan và lựa chọn hỗ trợ gì cho phù hợp.

Cũng không đủ thời gian để điều phối khi có những ngày, hàng chục, thậm chí cả trăm đoàn thể, cá nhân liên hệ và trực tiếp đến.

Vậy mới có tình trạng, cứ ngập lụt, cô lập, thứ đầu tiên nghĩ đến tặng là mỳ tôm.

Năm 2016, tôi rất ấn tượng khi MC Phan Anh liên hệ với đoàn của Báo NTNN để hỏi về tình hình thực tế tại vùng lũ xem điểm đó có đoàn vào chưa? Bà con còn thiếu gì? Cần gì? Cách thức di chuyển ra sao?... (khi đó chúng tôi đang ở Hương Khê - Hà Tĩnh và là đoàn đầu tiên có mặt ở đó, sau đoàn cứu trợ của địa phương).

Và trong suốt hành trình 15 ngày kéo suốt dải Miền Trung năm đó, phóng viên và những người trực tiếp đi hỗ trợ cập nhật và trao đổi thường xuyên các điểm với các đoàn liên hệ để tránh nơi đoàn nào cũng đến, nơi chả ai ngó ngàng.

Câu chuyện nhà nhà mỳ tôm, cũng không còn nữa. Có đoàn tặng gạo khi biết một số hộ gia đình nước đã rút, có thể nấu cơm được; có hộ tặng ruốc, bánh chưng, bánh mỳ… khi biết vùng đó đã có 2,3 đoàn tặng mỳ tôm; có đoàn chuyên tặng áo mới và chăn; có những đoàn sau đó, được chúng tôi tư vấn dành nguồn lực để chuyển sang hỗ trợ xây nhà chống lũ, hỗ trợ máy lọc nước hoặc đồng hành cùng chúng tôi trong việc tặng thuyền, hỗ trợ con giống, cây giống để bà con khôi phục sinh kế…

Trong suốt nhiều năm gắn liền với hoạt động hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, tôi luôn ước mơ xây dựng được một BẢN ĐỒ TỪ THIỆN.

Đó là nơi quy tụ và mở rộng thông tin các điểm cần hỗ trợ và kết nối địa phương, cá nhân, nhóm đang thực hiện hỗ trợ với điểm mạnh của từng nhóm hỗ trợ nhau, hỗ trợ đồng bào hiệu quả, thiết thực hơn.

Ở một đất nước thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, mỗi chúng ta đều được học bài học vỡ lòng về tinh thần đoàn kết.

Tôi vẫn luôn nghĩ, hoạt động thiện nguyện là nơi cái tôi hòa trong tập thể để cùng tạo ra sức mạnh chiến thắng khó khăn chung.

Sự kết nối khiến mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể, đội nhóm học hỏi, hiểu và tự phân vai cho mình để tạo nên một bản hòa ca hoàn hảo, ý nghĩa.

Khi đó, tôi tin thùng mì tôm sẽ trở về đúng giá trị cần thiết của nó, và món quà được trao tặng sẽ hữu ích, ý nghĩa hơn, đem lại niềm vui trọn vẹn cho cả người cho đi và người được nhận lại.

Đừng ngại một cuộc điện thoại. Để biết chính xác người bạn muốn giúp đang cần gì.

Đừng ngại một cái nắm tay. Hành trình thiện nguyện không khi nào là chuyến đi đơn lẻ chỉ của một người, hay một nhóm người!


Minh Yến
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN