TTVH Online

TP.HCM: Cần nhiều cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức

Phong Cầm 09/12/2020 13:38 GMT+7

Tại Hội thảo khoa học "Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố: Triển vọng và thách thức đối với TP.HCM", các đại biểu đã góp ý nhiều ý kiến xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.

Hội thảo do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 9/12 với mục tiêu làm rõ nhiều vấn đề: Cơ sở khoa học của chính quyền thành phố thuộc thành phố; Những triển vọng và những thách thức đặt ra về pháp lý và thực tiễn đối với chính quyền TP.Thủ Đức; những định hướng, giải pháp pháp lý, thực tiễn cho sự thành lập chính quyền TP.Thủ Đức.

TP.Thủ Đức chỉ tương đương cấp quận, huyện?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết thành phố thuộc thành phố khi được thành lập, dù có mức độ đô thị nào, vẫn luôn được xếp vào nhóm đô thị loại 1, 2, hoặc 3. Là cấp hành chính cấp 2 và luôn được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương cấp huyện. TP.Thủ Đức được thành lập áp dụng chế độ bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) ở tất cả các quận, phường là nội dung có ưu điểm vượt trội.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng TP.Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp 3 quận ở phía Đông TP.HCM. Xét về góc độ hành chính chỉ tương đương đơn vị cấp quận (huyện). Muốn thực hiện hiệu quả vấn đề này, TP.HCM phải đề xuất Trung ương, Quốc hội cho phép chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TP.Thủ Đức sao cho cao hơn cấp quận (huyện). 

"Đề án thành lập TP.Thủ Đức cần trả lời cho 3 câu hỏi lớn: Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Thủ Đức được gì? TP.HCM được gì? Và Trung ương, cả nước được gì?", PGS.TS Nhiêm nêu vấn đề.

Cần nhiều cơ chế đặc thù cho Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM - Ảnh 2.

TP.Thủ Đức đang hướng đến những dự án xanh, sạch. Trong ảnh là dự án khu đô thị Vạn Phúc (Tập đoàn Đại Phúc) đang triển khai tại quận Thủ Đức. Ảnh: Quang Phương

Trong khi đó, ông Lê Minh Đức -  Phó Ban pháp chế HĐND TP.HCM cho biết những thách thức đặt ra với TP.Thủ Đức như: Việc quản lý địa giới hành chính rộng hơn có thể phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, bất cập trong việc quản lý hành chính mới như công tác quy hoạch, tệ nạn xã hội gia tăng…

Thay đổi địa giới hành chính cấp huyện dẫn đến phải thay đổi địa chỉ, đều ảnh hưởng đến các loại giấy tờ của người dân, tốn thêm chi phí điều chỉnh các loại giấy tờ; lộ trình để người dân, doanh nghiệp đang sản xuất trên địa bàn chuyển đổi mô hình kinh tế tri thức, công nghệ cao thực hiện ra sao?

Tăng cường cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức

Tiến sĩ Bùi Anh Thủy - Trường ĐH Văn Lang cho rằng cần tăng cường cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức theo hướng tăng quyền hành, trách nhiệm cho Chủ tịch TP.Thủ Đức. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo quyền hành của chủ tịch TP.Thủ Đức không vượt khung các quy định hiện hành.

Cần nhiều cơ chế đặc thù cho Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM - Ảnh 3.

Tiến sĩ Bùi Anh Thủy đề nghị cần tăng cường cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức. Ảnh: Quang Phương

Đồng quan điểm trên, ông Trương Thế Nguyễn, Trường Chính trị Sóc Trăng cho hay việc sắp xếp lại 3 quận thành TP.Thủ Đức là một sự "hạ cấp" về phân loại đơn vị hành chính. Thành phố thuộc thành phố hiện là một chiếc áo chật hẹp cho TP.Thủ Đức, bởi bản thân 3 đơn vị hành chính hiện đã là quận.

Ông Nguyễn đề nghị cần thiết lập tổ chức chính quyền phù hợp với đặc thù của TP.Thủ Đức. Chẳng hạn, người đứng đầu cơ quan hành chính ở thành phố này có thể do người dân lựa chọn thông qua bầu cử trực tiếp và chịu trách nhiệm trước người dân địa phương. Ngoài ra, cần phân biệt một cách rạch ròi giữa tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố và thành phố trực thuộc Trung ương.

Góp ý về xây dựng TP.Thủ Đức, ông Lê Minh Đức - Phó Ban pháp chế HĐND TP.HCM kiến nghị cần tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, công khai lộ trình giảm biên chế. 

Có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm với nâng cao giá trị lao động, tạo môi trường ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; sớm công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch để người dân kịp thời khai thác, làm tăng giá trị sử dụng của đất đai…

Cần nhiều cơ chế đặc thù cho Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM - Ảnh 4.

Hệ thống tuyến đường sắt đô thị đang được đầu tư xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2021.

Ông Cao Vũ Minh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý cho rằng xét về thẩm quyền, TP.Thủ Đức ngang thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp tỉnh, dẫn đến sự chồng chéo với thẩm quyền của TP.HCM. Thẩm quyền của TP.Thủ Đức dù có được mạnh dạn trao cho lớn đến đâu, cũng không thể ngang với thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp tỉnh, tức là TP.HCM.

"Trao quyền cho TP.Thủ Đức phải hướng đến mục đích tạo ra sự chủ động, sáng tạo trong thu hút các nguồn đầu tư, giảm thiểu mọi rào cản. Cụ thể, cần đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp, áp dụng các chính sách khuyến khích về tài chính, miễn, giảm các loại, đơn giản hóa các thủ tục hải quan; tự do hóa các dòng chảy vốn đầu tư, lợi nhuận…

Ông Diệp Văn Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Hội Hành chính học VN, cho rằng: TP.Thủ Đức với diện tích hơn 211km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người,  quy mô của nó tương tự như các đô thị loại 1 thuộc tình đã tồn tại lâu nay như: Biên Hòa, Vũng Tàu, Nha Trang… 

"TP.Thủ Đức hiện tồn tại nhiều hạn chế như gần 1 nửa diện tích đất của 3 quận này đã được xây dựng và đang đối mặt với nhiều vấn đề: kẹt xe, ngập nước, thiếu mảng xanh và không gian công cộng. Điều tiên quyết trong lúc này là có một cơ chế quản lý để phù hợp mô hình thành phố trong tương lai. 

Cần chỉnh trang đô thị hiện hữu để giảm bớt kẹt xe, ngập nước, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Cần chuẩn bị nguồn lực tài chính  để đảm bảo đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội nhằm đạt được cácc mục tiêu đề ra", ông Sơn góp ý.

Quang Phương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN