Không chỉ một mình Lý Tư mà con trai và cả ba họ của ông cuối cùng đều bị giết. Tại sao một thừa tướng lẫy lừng sử sách lại phải chịu kết cục này?
Đối với sự diệt vong của nhà Tần, rất nhiều người có hiểu biết về nhà Tần có lẽ sẽ cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Nước Tần đã tiêu tốn hơn một trăm năm vất vả mới thống nhất được thiên hạ, nhưng lại bị huỷ hoại trong tay một vài người. Trong số những người đó, có cả Thừa tướng Lý Tư rất được Tần Thuỷ Hoàng tín nhiệm.
Lý Tư là một người khôn ngoan, nhưng sau khi Tần Thuỷ Hoàng băng hà, ông lại làm ra một việc bản thân tự cho rằng rất khôn ngoan: Chấp nhận sự lôi kéo của Triệu Cao, phò trợ Hồ Hợi lên ngôi Hoàng đế, thay vì người thừa kế được Tần Thuỷ Hoàng chỉ định là Phù Tô.
Tại sao Lý Tư lại đưa ra lựa chọn như vậy? Với sự khôn ngoan của mình, ông đã cân nhắc tới những điều gì?
Lý Tư chắc chắn là một người vô cùng khôn ngoan. Nhưng ông lại "khôn ngoan quá ắt sẽ bị khôn ngoan hại". Lý Tư cuối cùng có một kết cục bi thảm, tất cả đều do ông tự đào mồ chôn mình.
Tại sao lại nói vậy? Hãy xem Lý Tư đã làm những gì, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Vai trò của Lý Tư dưới thời Tần Thủy Hoàng
Sau khi giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất sáu nước, Lý Tư được giữ chức Thừa tướng. Trong thời gian làm Thừa tướng, ông đã làm được một số việc chính sau đây:
Đầu tiên, Lý Tư kiên quyết phản đối "phân phong chế", đề xướng "quận huyện chế". Ở đây có nghĩa là không phân phong đất đai và dân cho hoàng thân, quý tộc và công thần như thời Tây Chu, thay vào đó cử quan lại tới các địa phương để quản lý. Những quan lại được cử đi cũng chỉ có được quyền quản lý những địa phương đó, không hề có quyền sở hữu.
Thứ hai, Lý Tư kiên quyết cho rằng phải tiêu huỷ binh khí trong dân gian, thu gom lại toàn bộ binh khí còn trong dân gian, cho vào lò luyện nung chảy, làm thành những thứ như cột đồng, tượng đồng với mục đích phòng ngừa người dân tạo phản.
Thứ ba, Lý Tư chủ trương đốt sách chôn nho. Có người nói Lý Tư không hề hại nho sinh mà là phương sĩ. Những thứ bị đốt không phải toàn bộ thư tịch, chỉ là những tác phẩm kinh điển của Nho gia.
Nhưng cho dù hại ai, đốt sách gì, thì tóm lại, việc Lý Tư muốn làm là kìm hãm dư luận, quyết không cho phép xảy ra tình trạng xuất hiện các trào lưu tư tưởng như thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, quyết không cho phép người đọc sách được viết sách bày tỏ chủ trương, phát biểu nhận xét của mình về tình hình chính trị đương thời.
Thứ tư, Lý Tư đề xướng và tham gia xây dựng pháp luật nhà Tần. Luật của nhà Tần là một trong những luật nghiêm khắc nhất trong lịch sử. Có thể lấy Khởi nghĩa ở làng Đại Trạch ra làm ví dụ, chỉ cần làm chậm thời hạn công trình, cho dù trên đường có gặp phải thiên tai hay không, người phạm tội đều bị kéo đi chặt đầu.
Từ đó có thể thấy pháp luật nhà Tần nghiêm khắc tới mức độ nào. Có được luật hình sự tàn khốc như vậy, hiển nhiên có một phần công rất lớn của Lý Tư.
Còn về việc xây các công trình như Vạn Lý Trường Thành, cung A Phòng, Tần Trực Đạo, liệu Lý Tư có từng đưa ra đề nghị? Trong lịch sử không có ghi chép, chúng ta cũng không rõ được việc này.
Những kiến nghị được Lý Tư đề ra, cùng với những biện pháp được ông thực thi nhằm mục đích gì? Câu trả lời, đó là để xây dựng nên một "Hoàng đế" xưa nay chưa từng có.
Danh xưng "Hoàng đế" được Tần Thuỷ Hoàng tự lấy cho mình, bởi Tần Thuỷ Hoàng cho rằng mình còn vĩ đại hơn cả Tam Hoàng Ngũ Đế thời thượng cổ được người đời ca tụng và tôn sùng, nên đã rút ra mỗi bên một chữ, ghép lại thành "Hoàng đế".
Nhưng Tần Thuỷ Hoàng chỉ sửa một danh xưng, còn người gán nội dung và đưa ra lời chú giải cho danh xưng này là Lý Tư. Nhờ những biện pháp của mình, Lý Tư đã giúp Tần Thuỷ Hoàng thể hiện được hình tượng "Hoàng đế" lớn nhất thiên hạ, bản lĩnh xuất chúng, muốn gì làm nấy, lời nói có trọng lượng, quyền lực vô biên, khiến Hoàng đế trở thành một người hoàn toàn không có trói buộc.
Hình tượng Hoàng đế bắt đầu từ Tần Thuỷ Hoàng đã trở nên cố định, trong xã hội phong kiến hai ngàn năm sau của hậu thế, về cơ bản không có thay đổi lớn.
Sau khi Lưu Bang lên làm Hoàng đế, ông còn chưa hiểu hết được bản chất xung quanh hai từ Hoàng đế. Khi quần thần vào chầu, vẫn cười đùa trong điện. Sau đó Tiêu Hà lấy được kha khá sách cổ từ trong cung nhà Tần, ông đã nói với Lưu Bang rằng làm Hoàng đế cần phải thế nào. Từ đó về sau, Lưu Bang mới bắt đầu chém giết mạnh tay.
Buộc phải theo hoạn quan, làm trái di ngôn của Tần Thủy Hoàng?
Sau khi Lý Tư khiến Hoàng đế trở thành một người không bị trói buộc, ông đã không nhận ra một phiền phức lớn, đó là Hoàng đế tuy là Hoàng đế, nhưng vẫn là người và người này có thể sẽ bị người khác khống chế.
Sau khi Tần Thuỷ Hoàng băng hà, Tần Nhị Thế đã bị thái giám Triệu Cao khống chế. Triệu Cao cùng Tần Nhị Thế chơi đùa, chọc Tần Nhị Thế vui vẻ, lấy được lòng tin tuyệt đối của Tần Nhị Thế, đem mọi việc trong triều giao hết cho ông ta. Vậy là Triệu Cao đã khống chế được Tần Nhị Thế.
Sau khi Triệu Cao khống chế được Hoàng đế, thật ra ông ta cũng có được quyền lực vô hạn giống như Hoàng đế.
Tức là sau khi Tần Thuỷ Hoàng qua đời, khi Triệu Cao không làm theo lời trăng trối của Tần Thuỷ Hoàng, không đưa Phù Tô lên mà dùng mọi thủ đoạn cho Hồ Hợi nối ngôi.
Thật ra Lý Tư cũng không làm gì được. Một người khôn ngoan như ông chắc chắn có thể nhìn ra, Phù Tô làm Hoàng đế nhất định sẽ tốt hơn Hồ Hợi làm Hoàng đế rất nhiều.
Hơn nữa, thay đổi di ngôn của Hoàng đế quá cố chắc chắn là một việc đại nghịch bất đạo. Nhưng Lý Tư không thể làm gì, bởi vì khi ấy, Triệu Cao đã khống chế được Hồ Hợi, nghĩa là Triệu Cao đã có trong tay hoàng quyền vô biên, Triệu Cao chính là một Hoàng đế, Lý Tư không nghe lời Triệu Cao được sao?
Triệu Cao từng làm ra việc "chỉ hươu bảo ngựa", nếu như Lý Tư không nghe theo Triệu Cao, vậy thì chỉ có thể chịu cảnh mất đầu, chết không toàn thây mà thôi.
Lý Tư lại là một người khôn ngoan. Người khôn ngoan, thường cũng là người có ý chí mềm yếu. Chính vì ý chí mềm yếu, Lý Tư cuối cùng đã lựa chọn thỏa hiệp và nghe theo Triệu Cao.
Nhưng cuối cùng, khôn ngoan quá tất bị khôn ngoan hại, Lý Tư cũng không thể bảo toàn được mạng sống của mình.
Triệu Cao làm lang trung lệnh, tiếm quyền Nhị thế nhưng chưa diệt được Lý Tư nên lòng vẫn chưa yên. Thái giám này đã bày mưu tính kế, vu cho Lý Tư làm phản.
Kết quả là, vào năm 208 trước công nguyên, Lý Tư và con trai phải chịu phạt cực hình gọi là "ngũ hình" mà ông là người đặt ra, ba họ cùng bị giết, bêu đầu tại cổng thành.