Hồi còn sinh viên, háo hức nhất luôn là dịp Tết đến xuân về. Mùi người, mùi xe, mùi máy bay, những mùi thường ngày làm tôi ngao ngán, chợt trở nên thích thú đến lạ.
Bởi vì tôi biết, mình sắp được về nhà. Năm nay, khi nỗi nhớ gia đình càng mãnh liệt hơn cả, khát khao về quê lại phải bỏ lửng ở hai từ "Tết Covid".
Đường Võ Thị Sáu, bốn giờ chiều, trời mưa như trẻ con đang khóc. Thật hiếm bao giờ lại có mưa ngày cận Tết như thế. Tôi ngồi bên mái hiên, nhìn ra đường. Ngoài đường xe vẫn di chuyển, ai cũng khoác trên mình một chiếc áo mưa, mỗi kẻ một màu, nhìn về phía trước mà hối hả chạỵ. Bên phải tôi là hai mẹ con cô bán vé số, họ nói với nhau những điều như "Trời mưa vầy biết đi đâu". Nước mưa lênh láng, phủ một màu xanh cô ban nhợt nhạt trên nền đất xám, tôi tự hỏi: Ừ, trời mưa vầy tôi đang đi đâu? Sao tôi vẫn ở mảnh đất Sài Gòn này giữa ngày 28 Tết?
Năm đầu tiên đặt chân lên Sài Gòn, mảnh đất này cũng đón tôi bằng một cơn mưa, nhưng mưa nhỏ, chỉ đủ khiến tôi nghi hoặc rằng liệu thứ nước mặn chát trên môi lúc chia tay ba má có phải là nước mưa không. Tôi một mình ở Sài Gòn, gánh gồng trên vai một giấc mơ con, có cả giấc mơ má, giấc mơ ba, đôi lúc giấc mơ của cả mấy dì cũng lổi nhổi ôm vào. Giấc mơ ngày càng lớn, mà tôi vẫn một mình. Ấy vậy nên có lẽ quanh năm tôi chỉ khao khát những ngày Tết, vì lúc ấy, giấc mơ vẫn lớn, nhưng tôi có gia đình bên cạnh.
Còn nhớ những ngày chuẩn bị đón Tết, các thành viên trong gia đình tôi lại cùng dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại bàn thờ gia tiên và cắt tỉa cây cảnh, cành mai để ra nụ, ra nõn đúng độ xuân về. Má rục rịch cắt lá dong, lá chuối, ba tuốt lạc rồi cả nhà vui vẻ gói bánh chưng xanh. Đêm Giao Thừa, cả nhà lại được mẻ cười hả hê khi cùng nhau xem Táo Quân. Ba má gật gật đầu vì những thông điệp sâu sắc, còn em tôi thì chỉ cố nhớ câu nói, giai điệu để nhại lại cho làu làu. Chỉ chợp mắt ít tiếng, khi mặt trời ló rạng đẩy lùi màn đêm, một đại gia đình sẽ có dịp hội ngộ, sum vầy. Có lẽ chẳng khi nào tôi có được cái cảm giác tạm quên đi áp lực trưởng thành, mà quay lại trở thành một đứa trẻ vô tư như những ngày Tết.
Năm nay có lẽ cũng đã giống như mọi năm, tôi hào hứng mua sắm thật nhiều quần áo đẹp, thắt lưng da cho ba, đôi giày mới cho má. Đặt ngay chiếc vé máy bay từ sớm để có được vé giá rẻ, cũng không quên nhắn tin "lên lịch" vô số cuộc hẹn với lũ bạn cấp 3.
Vậy mà, ngày 28/1/2021, Covid-19 trở lại, và chẳng mất quá nhiều thời gian để dịch lan đến Sân bay Tân Sơn Nhất, và đến cả khu Tân Bình nơi tôi sống. Tôi còn nhớ sáng 27 Tết, vừa đọc xong tin tức, đã nhận ngay cuộc gọi của má:
- Năm nay dịch quá, hay thôi khỏi về con ơi. Má nghe nói quận Tân Bình bây ở chỗ nào cũng phong toả, mày đi đợt này nguy hiểm lắm.
- Nhưng cả năm chỉ có một dịp, con không về sao được hả má?
- Không Tết năm nay thì còn Tết năm sau, nghe má, ở lại Sài Gòn cho an toàn. Cả nước đang cùng chống dịch, mình đâu thể nằm ngoài cuộc chiến đó hả con? Con mà về dám cũng phải đi cách ly, còn đâu là Tết nữa.
Nói đoạn, tôi nghe má thở dài. Má biết tôi mong về nhiều ra sao, và tôi cũng biết cả nhà chờ tôi thế nào. Nhưng má nói đúng, cả nhà tôi không thể nằm ngoài cuộc chiến ấy. Cuộc chiến quyết liệt mà tôi và tất cả người dân đều không được chủ quan, không bao giờ ngừng cảnh giác.
Cô đơn, lạc lõng, tôi đành gói nỗi buồn mà chuẩn bị cho cái Tết xa nhà đầu tiên ở Sài Gòn. Cảm giác đón Giao thừa cùng cả nhà qua màn hình điện thoại, vùi mình trong chăn ngày mồng 1 Tết, húp nhanh tô mì trưa mồng 2 thay cho nồi thịt kho thơm phức hay bánh chưng rán giòn tan, trước đây tôi chưa bao giờ trải qua, hay thậm chí còn chưa tưởng tượng đến.
Tôi buồn, ba má ở nhà cũng chẳng thể vui. Vậy nên tôi đành giấu nhẹm cảm xúc để vờ khoe với má Tết Sài Gòn lạ mà cũng vui lắm má ơi, người ta mặc áo dài chụp hình đẹp dữ lắm, rằng chậu mai chỗ chung cư con ở còn to đẹp hơn cả cây mai bố chăm nhiều. Ba má cũng kể tôi nghe Tết cả nhà chuẩn bị ra sao, năm nay ba má gói được bao nhiêu cái bánh chưng, mâm cúng Tết đẹp và thịnh soạn thế nào. Tôi biết, ba má cũng chạnh lòng, vì trong cuộc gọi nào, tôi cũng nghe má vô tình nói ra mà chẳng để ý: "Phải chi có bây ở đây..."
Tôi vẫn ngồi đó, đường Võ Thị Sáu, bốn giờ rưỡi chiều. Bên phải hai mẹ con cô bán vé số vẫn thủ thỉ. Còn bên trái, con bạn thân của tôi đang ngồi nghe mấy chuyện tầm phào và tủn mủn do tôi kể. Cho đến khi những giọt mưa không còn còn nặng hạt. Chúng tôi lên xe chui qua cầu Thủ Thiêm chạy ra ngoại ô của Thành phố, rong ruổi khám phá từng ngóc ngách khu Thảo Điền, tìm niềm vui riêng cho mình về một cái Tết ở Sài Gòn. Đêm ở Tầm Vông cất đèn sáng lắm, mấy nỗi buồn của chúng tôi cũng dềnh dàng trôi theo cánh bèo về sông Sài Gòn rồi chợt trôi đi mất trong một khắc.
Một mùa Tết đã qua, khó khăn, nhưng vẫn không tồi tệ như tôi lo sợ. Vẫn có những niềm vui, và đặc biệt, vẫn có những tia sáng của hi vọng, vì đã qua nhiều ngày không có ca nhiễm mới, nhiều nơi cũng đã được dỡ bỏ lệnh phong toả. Tết năm nay thật vô cùng đặc biệt, nhưng tôi tin rằng, chỉ cần chúng ta cùng cố gắng chiến thắng dịch bệnh, thì mùa Tết năm sau sẽ càng đặc biệt hơn nữa, vì lúc ấy, tôi được về nhà sau quãng thời gian quá dài, tôi sẽ biết trân quý mọi khoảnh khắc được bên cạnh gia đình, và mùa Tết đấy chắc chắn sẽ là mùa Tết đặc biệt nhất, đối với tôi.
1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).
- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải.