TTVH Online

Đồng Nai: Cách gì để cứu 12.000 ha tiêu đang bị nông dân bỏ bẵng không buồn tưới tắm?

Phong Cầm 25/02/2021 11:41 GMT+7

Giá tiêu thời gian qua ở mức thấp khiến nông dân không còn mặn mà với tiêu. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đang cố gắng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân để giữ vị thế cho cây trồng chủ lực này của địa phương.

Ngày 24/2, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã dẫn đoàn công tác về huyện Cẩm Mỹ và Hợp tác xã (HTX) Lâm San để kiểm tra, xem xét bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tiêu sạch trên địa bàn huyện.

Đồng Nai tìm cách “cứu” 12.000 ha tiêu trước nguy cơ bị nông dân "chối bỏ" vì ... giá - Ảnh 1.

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực tại Đồng Nai nhưng hiện nay nhiều nông dân không còn mặn mà

Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích trồng tiêu thuộc top đầu của tỉnh Đồng Nai. Trong nhiều năm qua, HTX Lâm San đã triển khai dự án cánh đồng lớn trồng tiêu sạch, xây dựng chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ với quy mô trên 877 ha và 721 hộ tham gia.

HTX đã bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tham gia chuỗi liên kết với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, đầu tư khu sơ chế làm tiêu sọ và xuất khẩu sản phẩm tiêu sạch vào thị trường khó tính châu Âu.

Đồng Nai tìm cách “cứu” 12.000 ha tiêu trước nguy cơ bị nông dân "chối bỏ" vì ... giá - Ảnh 2.

Nhiều nông dân Đồng Nai vẫn hi vọng giá hồ tiêu khởi sắc hơn, có nhiều chuỗi liên kết để có đầu ra ổn định

Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả, mức tiêu thụ giảm nên HTX gặp nhiều khó khăn. Hiện một số nông dân không mặn mà đầu tư cho cây tiêu. Những chính sách như hỗ trợ cho nông dân tham gia chuỗi liên kết, hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm,… vẫn chưa khiến các hộ giữ niềm tin với cây trồng này.

Theo ông Võ Văn Phi, Đồng Nai hiện có 12.000 ha hồ tiêu thuộc nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh.

Qua khảo sát thực tế, nông dân trồng tiêu đang gặp nhiều khó khăn vì mấy năm gần đây giá hồ tiêu luôn đứng ở mức thấp.

Một số nông dân cho rằng khó khăn lớn nhất của nông dân hiện nay chính là nguồn vốn đầu vào và tiêu thụ. 

Giá thành quá thấp khiến cho người nông dân lãi ít hoặc không có lãi đối với loại cây từng được xem là "vàng đen" giúp bao người đổi đời. 

Nông dân vùng trồng tiêu ở Đồng Nai mong muốn tỉnh sớm có giải pháp và chính sách hỗ trợ, tạo đầu ra ổn định, giúp bà con an tâm hơn.

Nha Mẫn
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN