TTVH Online

Cán bộ nào được tiếp công dân ở UBND xã?

Phong Cầm 25/03/2021 10:14 GMT+7

Cán bộ tiếp công dân ở UBND xã được quy định rõ tại Điều 15 Luật tiếp công dân 2013.

Cán bộ tiếp công dân ở UBND xã?

Theo Khoản 2 Điều 15 Luật tiếp công dân 2013 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp xã và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Ban hành nội quy tiếp công dân.

- Bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Phân công người tiếp công dân.

- Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 1 ngày trong 1 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này.

Ai được tiếp công dân ở UBND xã? - Ảnh 2.

Cán bộ tiếp công dân ở UBND xã được quy định rõ tại Điều 15 Luật tiếp công dân 2013. Ảnh minh họa. IT

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân.

- Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Mặt khác, tại Điểm d Khoản 1 Điều 12 Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định việc tiếp công dân của các Ban Tiếp công dân và các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân thực hiện như sau: Công chức kiêm nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp công dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Hội đồng nhân dân cấp xã bố trí cán bộ tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

Như vậy, người có thẩm quyền tiếp công dân ở xã, phường, thị trấn là Chủ tịch UBND cấp xã, công chức kiêm nhiệm theo phân công của Chủ tịch UBND cấp xã và cán bộ theo bố trí của HĐND.

Tiêu chuẩn cán bộ tiếp công dân

Cán bộ tiếp công dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật tiếp công dân 2013.

Cụ thể, cán bộ tiếp công dân phải có những tiêu chuẩn sau:

Người tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình, bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Mặc dù không có quy định chi tiết đối với từng điều kiện, nhưng về cơ bản, ngoài các tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức nói chung, cán bộ tiếp công dân cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Có phẩm chất đạo đức tốt:

Khi tiếp đón người dân, cán bộ phải luôn có thái độ tôn trọng, tận tụy phục vụ, đảm bảo khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của mình.

- Có năng lực chuyên môn để giải quyết các vấn đề có thể phát sinh từ hoạt động của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân.

- Nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải đáp, hướng dẫn, tuyên truyền, giúp công dân hiểu để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

- Có kiến thức xã hội toàn diện, sâu rộng, đặc biệt liên quan đến tình hình địa phương bởi việc áp dụng pháp luật ở mỗi địa phương, đối với mỗi đối tượng có sự khác nhau và phải gắn với thực tiễn đời sống sinh hoạt của các địa phương đó;

- Có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng;

- Bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và nhiệt tình, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.


Hạ Anh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN