Một chiếc quan tài huyền bí làm bằng vàng ròng, đến đinh đóng quan tài cũng từ vàng nguyên chất nằm trong mộ thất làm bằng đất gỗ, không quá bền chắc, kết cấu không ổn định, thậm chí trộm mộ không thèm liếc tới, khiến giới khảo cổ khắp nơi ngỡ ngàng và không ngừng suy đoán thân phận của chủ nhân.
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, tang lễ là một trong những nghi lễ rất được coi trọng, đặc biệt là những người có địa vị hoàng thân quốc thích hoặc những quan chức triều đình. Tang lễ của các tầng lớp thống trị thời cổ đại thường rất long trọng rườm rà với nhiều phong tục tập quán, không những thế còn rất coi trọng vấn đề về vật bồi táng, quan tài, để thể hiện thân phận cao quý của người quá cố. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc, không khó để nhận thấy có vô số lăng mộ huyền bí được phát hiện trên mảnh đất rộng lớn này đã mang lại những ngạc nhiên chưa từng có chỉ với những đồ bồi táng bên trong. Ngôi mộ cổ được nhắc tới dưới đây cũng không ngoại lệ khi được phát hiện một cách tình cờ.
Chuyện kể rằng trên một công trường xây dựng ở Tuân Nghĩa (Zunyi), Quý Châu, lúc đó công nhân đang đào một cái hồ chứa nước, ai ngờ rằng trong quá trình đào đất lại có một phát hiện bất ngờ. Các công nhân lập tức báo cho người phụ trách công trường, người phụ trách sau khi tìm hiểu tình hình, biết sự việc không bình thường liền báo lên trên cho các cơ quan liên quan. Sau khi các nhân viên thuộc cơ quan khảo cổ đến nơi, họ đã tiến hành thăm dò, khảo sát kỹ lưỡng hiện trường và xác định đây là một ngôi mộ cổ có lịch sử lâu đời.
Được sự đồng ý của cấp trên, nhân viên khảo cổ bắt đầu tiến hành khai quật lăng mộ, trong quá trình khai quật, nhân viên khảo cổ đã phát hiện trong lăng mộ có một quan tài làm bằng vàng ròng, thậm chí ngay cả những chiếc đinh đóng quan tài cũng được làm từ vàng nguyên chất. Sự thật phơi bày trước hiện trường khiến tất cả mọi người đều ngỡ ngàng và không ngừng đưa ra suy đoán. Vậy chủ nhân của ngôi mộ này là ai, thân phận cao quý tới mức nào mà lại dùng quan tài bằng vàng ròng?
Trong quá trình khai quật ngôi mộ cổ này, các nhà khảo cổ học không chỉ tìm thấy quan tài bằng vàng ròng mà còn khai quật được một bộ đồ tùy táng và một số đồ vật bằng vàng bạc từ trong ngôi mộ cổ. Sau cuộc khai quật, danh tính của chủ nhân ngôi mộ trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà khảo cổ học, xét cho cùng, không phải ai cũng có thể sử dụng quan tài bằng vàng ròng. Sau khi nghiên cứu các đồ vật khai quật được, các chuyên gia khảo cổ học khẳng định niên đại của ngôi mộ cổ này là vào thời Nam Tống cổ đại. Họ còn tìm thấy một chiếc chân nến bằng bạc có khắc dòng chữ "Ất mão điền đô thống ti công dụng". Qua một thời gian tập trung nghiên cứu, điều tra tư liệu lịch sử và vị trí của ngôi mộ cổ, các chuyên gia suy đoán chủ nhân của ngôi mộ cổ này phải là Dương Giá, thủ lĩnh của Bá Châu thời Nam Tống.
Dương Giá vốn là thổ ti của Bá Châu, thuộc thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu. Vào thời cổ đại, Quý Châu thuộc vùng biên viễn xa xôi hẻo lánh. Bởi vậy, khi đó mặc dù Bá Châu thuộc quyền quản lý của hoàng đế Nam Tống, nhưng Dương Giá với thân phận là thủ lĩnh của Bá Châu lại nắm quyền hành rất lớn, có thể tự do đưa ra phán quyết, có thể được coi là "thổ hoàng đế" nói 1 không nói 2 tại đây. Thân phận của Dương Giá vốn không phải có được từ công lao, mà chủ yếu là từ truyền thống cha truyền con nối ở địa phương. Dương Giá là thủ lĩnh thứ 14 của gia tộc họ Dương tại Bá Châu.
Họ Dương có tổng cộng 30 thủ lĩnh, trải qua các triều đại Tống, Nguyên và Minh. Chính bởi vì gia tộc họ Dương hoạt động ở khu vực Bá Châu nhiều năm, nên họ luôn có uy thế và quyền lực cao. Trong khi đó, thời kỳ Dương Giá thống lĩnh có thể nói là một thời kỳ huy hoàng trong lịch sử nhà họ Dương. Bản thân Dương Giá cũng là một người có năng lực không thể nghi ngờ, lập nhiều chiến công hiển hách, chiếm được sự sủng ái của hoàng đế thời Nam Tống.
Tại thời điểm đó, quân Mông Cổ ở phía bắc đối với nhà Nam Tống như hổ rình mồi, luôn rình mò mọi lúc tìm thời cơ để đánh Nam Tống, hết lần này đến lần khác quấy nhiễu biên giới nhà Tống. Năm 1235, vùng Tứ Xuyên bị quân Mông Cổ tấn công, quân Tống đóng quân tại biên cương đều dựa vào thành để chống cự, nhưng sức người và sức của không đủ, vẫn thua quân Mông Cổ và bị bao vây, tình thế lúc đó vô cùng cấp bách. Chẳng bao lâu Dương Giá đang ở Bá Châu biết tin, sau khi cân nhắc quyền lợi, đích thân mặc áo giáp ra trận, dẫn 5.000 binh sĩ tinh nhuệ đến cứu. Dưới sự chung sức của quân Dương Giá và quân Tống, quân Mông Cổ tạm thời bị đẩy lùi, nguy cơ bị thôn tính tạm thời được phá giải. Dương Giá lập công lớn, được triều đình Nam Tống ban thưởng lớn. Những năm sau đó, Dương Giá nhiều lần đem quân sang giúp triều đình Nam Tống chống lại quân Mông Cổ, trước những công lao và thành tích xuất sắc của Dương Giá, ông được hoàng đế Nam Tống phong là "Uy linh anh liệt hầu".
Dựa vào những ghi chép lịch sử trên, không khó để suy ra nguyên nhân vì sao Dương Giá có thể được chôn cất trong một quan tài bằng vàng. Nhà họ Dương nắm rất nhiều quyền lực ở khu vực Bá Châu, tiền bạc chắc chắn không phải là vấn đề; mặt khác, Dương Giá có một địa vị đặc biệt, việc ông được phong hầu, có nghĩa là ông không phải một quan chức bình thường, bởi vậy ông có đủ tư cách để được sử dụng quan tài bằng vàng.
Quan tài vàng không phải là đặc điểm duy nhất của lăng mộ họ Dương, một đặc điểm khác của lăng mộ họ Dương là mộ của Dương Giá chưa từng bị trộm. Đây là một điểm gây ngạc nhiên đối với giới khảo cổ. Các chuyên gia đã tìm hiểu kỹ càng và nhận thấy, so với các ngôi mộ khác của họ Dương trong lăng mộ, chỉ có ngôi mộ của Dương Giá là không có dấu vết của giới đạo mộ. Điều này được các nhà khảo cổ giải thích dựa trên hình thức của ngôi mộ. Mộ của Dương Giá là ngôi mộ duy nhất trong lăng mộ được phát hiện làm bằng đất và gỗ phía dưới. Nó khác với những mộ thất bằng đá khác, không quá bền chắc, kết cấu mộ thất không ổn định, không có lợi ích gì cho giới đạo mộ. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến ngôi mộ có thể được bảo tồn nguyên vẹn tới thời điểm được phát hiện.
Mặc dù quan tài vàng trong lăng mộ họ Dương có phần xa hoa, nhưng dù sao đây cũng là một tập tục cổ xưa, ngày nay nó đã trở thành một di tích khảo cổ học rất quan trọng ở Trung Quốc, có giá trị nghệ thuật và giá trị sưu tầm vô cùng cao. Người ta hy vọng rằng các nhân viên khảo cổ có thể khám phá thêm nhiều ngôi mộ cổ và bảo vệ chúng kịp thời, hiệu quả để tránh những tổn thất không đáng có trong lĩnh vực khảo cổ.