Từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) nhiều hộ nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thoát nghèo, làm giàu nhờ nuôi bò 3B, nuôi lợn chất lượng cao, trồng rau má đặc sản...
Đầu tư nuôi bò 3B chất lượng cao
Là 1 trong số những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND, ông Đỗ Thanh Quang (ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) hồ hởi cho biết: Trước đây gia đình ông chăn nuôi gà và bò thịt nhưng không mấy hiệu quả. Năm 2019, ông tìm hiểu và chuyển hướng sang nuôi bò thịt 3B.
"Trong lúc đang gặp khó khăn, không có kinh phí để đầu tư phát triển trang trại, tôi được Quỹ HTND tỉnh tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi sửa sang chuồng trại, mua thức ăn cho bò… Khi được đầu tư bài bản, mô hình chăn nuôi bò thịt 3B của gia đình tôi nhanh chóng mang lại hiệu quả"- ông Quang nói.
Hiện đàn bò của gia đình ông Quang đang duy trì 45 con bò thịt. Sau 17 tháng nuôi, bò thịt sẽ được xuất bán với trọng lượng đạt 800-900kg/con. Với giá bán từ 60-70 triệu đồng/con, mỗi đợt xuất bán, gia đình ông Quang thu về hơn 500 triệu đồng/lứa.
Hàng năm, Hội phát động trên 700 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Những nông dân giỏi này đã ủng hộ Quỹ HTND gần 100 triệu đồng.
Cũng được Quỹ HTND tiếp sức, bà Vũ Thị Kim Nga (ấp Đức Chung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đã duy trì đàn lợn gồm 200 con lợn thịt và 30 con lợn nái.
Bà Nga cho hay, hơn 25 năm gắn bó với nghề nuôi lợn, không ít lần bà gặp khó khăn, thua lỗ, tưởng chừng như phải bỏ nghề. Ví dụ như năm 2016, khi giá lợn xuống thấp mức đỉnh điểm chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg, gia đình bà điêu đứng vì thua lỗ cả tỷ đồng.
Không có vốn đề tái đầu tư, bà Nga đã nghĩ tới việc chuyển đổi sang nuôi gia cầm. Tuy nhiên, được sự tư vấn của Hội ND xã Bình Giã, bà mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh để mua lợn giống, tái đàn. Nhờ đó, gia đình bà mới "vực dậy" gây dựng lại trang trại. Khi lợn tăng giá trở lại, gia đình bà nhanh chóng trả hết tiền gốc lẫn lãi cho dự án.
Nhờ hoạt động có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, năm 2019, bà Nga tiếp tục được vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để chuyển đổi sang nuôi lợn chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo đó, thay vì nuôi lợn trong khu dân sinh như trước đây, bà đầu tư chuồng trại, chuyển toàn bộ đàn lợn thịt ra khu xa dân cư, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện, trung bình mỗi tháng trang trại của bà Nga xuất bán từ 30-50 con lợn thịt, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Vận động nông dân giỏi ủng hộ quỹ
Tại xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, trong 5 năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND đã giải ngân hơn 3 tỷ đồng cho 92 hộ nông dân nơi đây vay vốn phát triển sản xuất. Trao đổi với PV Báo NTNN, anh Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội ND xã Long Phước cho biết: Nhận thấy được khó khăn về vốn của nông dân, từ năm 2016 đến nay, Hội ND xã Long Phước đã xây dựng nhiều dự án vay vốn Quỹ HTND. Theo khảo sát của Hội ND xã, khi được vay vốn từ Quỹ HTND, nông dân xã Long Phước đã đầu tư sản xuất đúng mục đích, có hiệu quả. Để hỗ trợ và khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, Hội ND xã đã thành lập 1 chi hội nghề nghiệp và 5 tổ hội nghề nghiệp.
Điển hình như dự án nuôi bò lai Sind sinh sản kết hợp thương phẩm. Từ ban đầu chỉ có 1 dự án nuôi bò với 10 hộ tham gia, đến nay đã có 3 dự án với 36 hộ tham gia với số vốn Quỹ HTND được giải ngân là 1,48 tỷ đồng. Tổng đàn bò lên đến 410 con, cho lợi nhuận mỗi năm từ 100 - 150 triệu đồng/hộ.
Theo anh Nguyễn Văn Minh, được Hội ND hỗ trợ vốn Quỹ HTND, nhiều nông dân đã tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Hàng năm, Hội phát động trên 700 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Những nông dân giỏi này đã ủng hộ Quỹ HTND gần 100 triệu đồng.
Theo Hội ND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc thực hiện tốt cho vay theo phương án sản xuất - kinh doanh nhóm hộ, mỗi chu kỳ cho vay vào khoảng 2-3 năm/mô hình dự án đã giúp hội viên nông dân thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh.
Ông Trần Văn Mảng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trong thời gian qua, nguồn Quỹ HTND đã hỗ trợ xây dựng thành công nhiều dự án nông nghiệp, góp phần phát huy hiệu quả thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, từ các dự án đã hình thành các tổ sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.