Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều người dân thắc mắc về quy định ra ngoài trong trường hợp cần thiết được hiểu như thế nào. Người dân có được phép ra đường mua đồ, nhu yếu phẩm hay ra bến xe nhận thực phẩm của người thân hay không?
TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly toàn xã hội, người dân cần tuân thủ nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện với quận - huyện.
Chiều 18/7, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành Công điện 15 áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19: yêu cầu tạm dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu, người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Trong quá tình thực hiện theo chỉ thị, nhiều người thắc mắc về quy định trường hợp cần thiết được hiểu như thế nào? Người dân có được phép ra đường mua đồ, nhu yếu phẩm hay ra bến xe nhận thực phẩm của người thân hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay TP.Hồ Chí Minh đã áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác...
Chị thị 16 không liệt kê toàn bộ các tình huống, trường hợp được coi là trường hợp cần thiết để được phép ra đường.
Bởi vậy việc vận dụng Chỉ thị này phải tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh ở từng địa phương và vào hoàn cảnh cụ thể của từng tình huống, từng sự việc cụ thể.
Theo luật sư Cường, việc xác định có thiết yếu hay không không chỉ phụ thuộc vào sự việc mà còn phụ thuộc vào đối tượng, nhu cầu. Trường hợp có nhu cầu và không có cách nào khác để giải quyết hợp lý hơn thì cách duy nhất đó được xác định là thiết yếu.
Đối với những trường hợp mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, cấp cứu, khám chữa bệnh... thường là những trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên nếu vin vào các lý do trên để ra đường có thể vẫn bị hạn chế bởi trường hợp đó không thật sự cần thiết.
Ví dụ nhà vẫn có gạo, nhưng lại muốn ra đường nên lấy lý do mua gạo; người không có bệnh nhưng vẫn lấy lý do đi khám bệnh; không cần thuốc nhưng vẫn lấy lý do để đi ra hiệu thuốc để được ra ngoài...
Nếu việc phải ra đường để đảm bảo duy trì cuộc sống, đảm bảo sức khỏe, đảm bảo hạnh phúc gia đình mà không có cách nào khác đó được coi là thiết yếu.
Theo luật sư Cường, cách hiểu Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên mềm dẻo, linh hoạt chứ không nên cứng nhắc theo kiểu mệnh lệnh. Chỉ thị này cũng quy định theo hướng mở để cho các địa phương vận dụng linh hoạt...
Tinh thần của chị thị cũng như tinh thần chung của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia là đảm bảo chống dịch hiệu quả nhưng hạn chế tối đa hoạt động chống dịch ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế xã hội.
Công điện số 15 của UBND TP.Hà Nội ban hành chiều 18/7 có hướng dẫn khá chi tiết các trường hợp cần thiết, thiết yếu: "Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…".
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho hay, với những trường hợp có lý do chính đáng sẽ không bị lực lượng chức năng xử phạt.
Tuy nhiên, với trường hợp người dân đi ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị xử lý về hành vi không tham gia chống dịch theo Quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Nghị định 117 năm 2020 với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hoặc bị xử phạt về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định này với mức phạt có thể từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Để tránh những lỗi vi phạm không đáng có, theo luật sư Bình, người dân cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Nếu cần phải ra ngoài cần mang theo giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, CCCD/CMND đi nhận thực phẩm, khai báo y tế đầy đủ. Khi lực lượng chức năng kiểm tra cần trình bày cụ thể lý do. Đồng thời, phải luôn thủ nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi đi ra ngoài.
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo đó, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:
Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,… Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.