Hiện nay, các đơn vị đang triển khai gói tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68. Để thực hiện nội dung này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có quyết định, quy định trách nhiệm kiểm tra, theo dõi của từng đơn vị.
Mới đây, ngày 3/8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) đã ban hành quyết định chỉ tiêu theo dõi, giám sát và mẫu đề cương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Quyết định 320 được ban hành kèm theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 nhằm thực hiện nhiệm vụ tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Quyết định 320 quy định cụ thể có các chỉ tiêu cần theo dõi như sau:
Quy định các chỉ tiêu theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của Tổ triển khai Nghị quyết số 68.
Quy định chỉ tiêu theo dõi, giám sát kết quả thực hiện của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy định chỉ tiêu theo dõi, giám sát kết quả thực hiện tái đào tạo nghề của người sử dụng lao động.
Nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động, Sở LĐTBXH các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện tốt chính sách tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức biên soạn cuốn "Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19". Cuốn sách cũng vừa được ban hành ngày 5/8.
Mẫu đề cương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động tái đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Trách nhiệm theo dõi, giám sát và thời gian báo cáo được giao cho Tổ triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tổ này có trách nhiệm:
Phổ biến, hướng dẫn các địa phương, cơ sở triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động bảo đảm theo đúng quy định.
Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện tái đào tạo nghề của các địa phương, cơ sở và báo cáo định kỳ với Bộ LĐTBXH vào ngày 25 hằng tháng.
Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
Yêu cầu người sử dụng lao động được hỗ trợ tái đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động báo cáo kết quả thực hiện trong 45 ngày kể từ ngày kết thúc việc đào tạo.
Lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách hỗ trợ tái đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc quyền quản lý nhà nước của Sở theo mẫu đề cương kiểm tra, giám sát ban hành kèm theo Quyết định.
Nội dung tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề, để duy trì việc làm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được quy định rõ trong Nghị định 68 và Quyết định 23.
Điều kiện hỗ trợ là các doanh nghiệp đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bị ngừng việc, cắt giảm việc làm (giảm doanh thu từ 10%) phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất được hỗ trợ từ gói này. Thời gian hỗ trợ là 1 năm. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian học tối đa là 6 tháng, số tiền hỗ trợ tối đa là 9 triệu đồng/người. Nguồn kinh phí sẽ được lấy trực tiếp từ nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH trực tiếp chi trả. Việc phê duyệt mức hỗ trợ sẽ do lãnh đạo Sở LĐTBXH quyết định.
Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc quyền quản lý nhà nước của Sở gửi về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vào ngày 25 hằng tháng, qua Vụ Đào tạo thường xuyên.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ tái đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động có trách nhiệm:
Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thuộc đơn vị mình theo đúng phương án hỗ trợ được Sở LĐTBXH phê duyệt.
Trong 45 ngày kể từ ngày kết thúc việc đào tạo, người sử dụng lao động phải hoàn thành việc thanh quyết toán kinh phí với cơ sở thực hiện tái đào tạo nghề theo thực tế và báo cáo kết quả thực hiện với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đơn vị của người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Quyết định 320 cũng giao Tổ triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục và Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/8.