TTVH Online

ĐBSCL: Lúa hè thu đầy đồng mà doanh nghiệp đang tồn kho lớn

Phong Cầm 11/08/2021 19:00 GMT+7

Hiện nay, diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch của người dân ĐBSCL còn nhiều, thế nhưng công tác thu mua, vận chuyển vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô hoạt động do thực hiện phương án "3 tại chỗ" và đang cố gắng giải quyết lượng hàng tồn kho.

Nhiều thách thức trong thu mua lúa hè thu

Theo dự kiến, trong tháng 8, tỉnh Đồng Tháp sẽ thu hoạch khoảng 27.300ha lúa hè thu và thu đông (riêng lúa hè thu là 20.482 ha), ước sản lượng đạt gần 169.800 tấn.

Và dự kiến trong tháng 9, sẽ thu hoạch tiếp 68.350ha lúa, ước sản lượng đạt gần 392.900 tấn.

ĐBSCL: Lúa của người dân ngoài đồng còn nhiều mà doanh nghiệp đang tồn kho - Ảnh 1.

Hiện nay, diện tích lúa hè thu của người dân ở ĐBSCL ngoài đồng còn nhiều, thế nhưng công tác thu mua, vận chuyển vẫn còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Huỳnh Xây)

Đồng Tháp hiện có 182 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực nhưng đã tạm dừng hoạt động 154 doanh nghiệp do chưa đảm bảo phương án "3 tại chỗ" phòng chống dịch Covid-19.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay, 28 doanh nghiệp còn hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", chỉ có thể thu mua tối đa trên 19.000 tấn lúa/tháng.

 Lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp này còn khá nhiều, với trên 135.200 tấn nên khả năng thu mua tối đa chỉ khoảng 20.000 tấn lúa/tháng. 

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là thách thức trong thời gian tới.

Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, địa phương này còn khoảng 600.000 tấn hè thu cần thu hoạch. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ lúa của người dân đang gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện phương án "3 tại chỗ" nên năng lực sản xuất bị giảm.

Về giá lúa hè thu giảm trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, ngoài ảnh hưởng của dịch Covdi-19, lúa vụ này có chất lượng giảm, chi phí vận chuyển tăng, chi phí sấy cũng tăng theo. Ngoài ra, giá gạo trên thế giới đang có xu hướng giảm.

Ông Thư cũng cho rằng, thời gian qua, mặc dù ngành chức năng có nhiều hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa hè thu trong thời gian giãn cách xã hội, tuy nhiên cũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, phần nào đó ảnh hưởng đến việc vận chuyển, tiêu thụ lúa trên địa bàn.

Hơn nữa, phương tiện thu mua vận chuyển của các thương lái từ địa phương này đến địa bàn khác trong tỉnh An Giang cũng như ngoài tỉnh cũng gặp nhiều trở ngại do các nơi chưa có thống nhất chung trong chỉ đạo. 

Cũng như Đồng Tháp và An Giang, nông dân và doanh nghiệp ở TP.Cần Thơ đều gặp khó khăn khi tiêu thụ lúa hè thu. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) ở TP.Cần Thơ cho biết, công ty của ông đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" và gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất và mua bán hàng.

"Công ty chúng tôi đang có 80 người đang làm theo phương án "3 tại chỗ", còn trước đó số lượng công nhân gấp 3 lần. Đối với đơn hàng nhỏ, phía công ty còn xoay xở được, đối với đơn hàng lớn thì không thể đáp ứng, nhất là các đơn hàng liên quan đến chuyến hàng chuyển đến TP.HCM" - ông Bình nói.

Đề nghị Trung ương hỗ trợ cho doanh nghiệp lúa gạo

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Công ty Phước Thành IV) ở Vĩnh Long cho biết, công ty đang cố duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

"Chúng tôi kinh doanh lúa gạo, phải giải quyết cho bà con trồng lúa, bạn hàng, hợp tác xã, nhà máy cung cấp, nhà tiêu dùng, phân phối, xuất khẩu,...do đó không thể nghỉ được. Bằng mọi cách, công ty luôn động viên công nhân ở lại công ty, cho test nhanh theo dạng gộp mẫu, phân luồng theo nhóm riêng làm sao để duy trì hoạt động và đảm bảo an toàn cho công nhân" - ông Thành nói.

Theo phóng viên tìm hiểu, trước đây, Công ty Phước Thành IV có 300 công nhân làm việc, kể từ khi dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và thực hiện phương án "3 tại chỗ" thì hiện công ty chỉ còn 30 công nhân làm việc.

Mới đây, 4 địa phương gồm: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã họp để tìm giải pháp tiêu thụ lúa hè thu năm 2021. Tại cuộc họp, Vinafood 1 cho hay, doanh nghiệp đang tồn kho 119.000 tấn gạo, sức chứa các kho gần đầy.

Tuy nhiên, Vinafood 1 sẵn sàng thu mua lúa cho nông dân nhưng các địa phương phải tạo thuận lợi trong tổ chức thu hoạch, vận chuyển. Ngoài ra, phía Vinafood 1 cũng đang thực hiện nhiều biện pháp giải phóng lượng lúa tồn kho nói trên.

Dự kiến, 4 địa phương trên sẽ thành lập tổ công tác liên ngành và thiết lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời những vướng mắc, vừa đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, vừa thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19.

Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ thống nhất đề nghị Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ lãi suất, gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo trong thời gian tới.

Huỳnh Xây
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN