TTVH Online

Chuyện của các F0 ở TP.HCM chiến thắng Covid-19 (Bài 2): Tình nguyện ở lại dù đã khỏi bệnh

Phong Cầm 14/08/2021 12:30 GMT+7

Với tâm lý thông thường, sau khi được công bố khỏi bệnh, ai cũng muốn được về nhà, nhưng với các bạn trẻ như Trường, Duy, Điền…, họ đã chọn cách ở lại bệnh viện, cùng chung tay, chia sẻ phần nào gánh nặng của các nhân viên y tế để chăm sóc người bệnh.

Câu chuyện của những F0 chiến thắng Covid-19: Tình nguyện ở lại dù đã khỏi bệnh - Ảnh 1.

Hà Ngọc Trường đang gội đầu cho bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Nén nỗi nhớ nhà, tình nguyện ở lại bệnh viện

Sau 30 ngày điều trị ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, Hà Ngọc Trường (sinh năm 1993, trú quận 1) được công bố khỏi bệnh. Tuy rất nhớ nhà, nhưng Trường đã xin ở lại bệnh viện để cùng các nhân viên y tế chăm sóc những ca F0 khác.

"Cô Thu ơi, hôm nay, con gội đầu cho cô nhé", Trường vừa nói, vừa chuẩn bị "đồ nghề" để gội đầu cho một bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại đây.

Mỗi buổi sáng, Trường đi một vòng khắp các phòng bệnh để hỏi thăm từng bệnh nhân, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình oxy của họ để xem ai cần gì sẽ giúp ngay.

"Lúc em mắc bệnh, em nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhân viên y tế và em thấy công việc của họ rất cực nhọc. Bên cạnh đó, những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nặng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, điều trị. Vì thế, em nghĩ đến việc ở lại, vừa để phụ giúp y - bác sĩ, vừa để hỗ trợ bệnh nhân khác", Trường chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn, lúc chăm sóc cho các bệnh nhân khác, Trường đều mang khẩu trang, đeo găng tay cẩn thận. Đến nay, đã hơn 20 ngày ở lại bệnh viện, Trường cảm thấy cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa hơn.

Cũng giống như Trường, Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1996, quê Khánh Hòa) cũng tình nguyện ở lại bệnh viện sau khi được chữa khỏi. 

Cuối tháng 6, Duy có biểu hiện ho, sốt, khó thở…, phải chuyển từ khu cách ly đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Nỗ lực của các bác sĩ đã giúp Duy không bị diễn tiến nặng thêm. Đến ngày 25/7, Duy có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ hai và được bác sĩ cho ra viện.

Cũng giống như Trường, thay vì trở về với gia đình, Duy đã tình nguyện ở lại bệnh viện để phụ giúp các y - bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân F0. Duy nói: "Khi nằm viện, em được các bác sĩ chăm sóc tận tình từ miếng ăn đến giấc ngủ, nhưng bệnh nhân đông quá nên nhiều lúc họ xoay xở không kịp. Có những trường hợp bệnh nhân bệnh nặng không thể tự ăn uống được, chính các bác sĩ phải cho ăn từng muỗng sữa. Em khỏi bệnh rồi nên cũng muốn góp sức chia sẻ phần nào gánh nặng của các bác sĩ".

Cũng từ sự tri ân với các y - bác sĩ đã chăm sóc, điều trị cho mình, một nhóm "cựu F0" khác của Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 ở TP.Thủ Đức cũng xin ở lại làm tình nguyện viên. Đó là nhóm của bạn Nguyễn Thị Mỹ Điền.

Trong gần 1 tháng qua, mỗi ngày, Điền và các tình nguyện viên sẽ tuân theo sự điều động của bệnh viện để phụ giúp các công việc hậu cần như dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đi phun khử khuẩn, nhận hàng cứu trợ hay các công việc hành chính ghi chép, sắp xếp hồ sơ bệnh nhân.

Công việc tuy vất vả, có khi bắt đầu từ 5-6h sáng và kéo dài đến 22h đêm, nhưng Mỹ Điền và các bạn luôn cảm thấy hạnh phúc vì cuộc sống của mình được hồi sinh có ý nghĩa.

Câu chuyện của những F0 chiến thắng Covid-19: Tình nguyện ở lại dù đã khỏi bệnh - Ảnh 3.

Nhóm tình nguyện viên "cựu F0" tại Bệnh viện Thủ Đức. (Ảnh: NVCC)

Lực lượng rất đáng trân trọng

Bác sĩ Trần Chánh Xuân - Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi cho biết, với đặc thù là bệnh viện xa trung tâm thành phố, nhân sự ít, trong khi số lượng bệnh nhân mỗi ngày một nhiều, nên việc các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh ở lại phụ giúp y - bác sĩ là rất đáng trân trọng.

Hiện tại, Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi có khoảng 5 tình nguyện viên là các F0 đã khỏi bệnh.

TS.BS Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 TP.Thủ Đức nhìn nhận những trường hợp F0 đã khỏi bệnh rất thông thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều.

Bệnh viện Thủ Đức đã triển khai mô hình "tổ tự quản" ở các phòng bệnh với mục tiêu lấy những người là F0 đã được điều trị khỏi phụ giúp y - bác sĩ theo dõi các ca F0 khác, hoặc chọn những người có đủ sức khỏe để huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh.

Câu chuyện của những F0 chiến thắng Covid-19: Tình nguyện ở lại dù đã khỏi bệnh - Ảnh 4.

Bên trong Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. (Ảnh: BVCC)

"Nhân viên y tế không thể lúc nào cũng cận kề bệnh nhân, do đó, tổ tự quản là cánh tay nối dài để phát hiện kịp thời các thay đổi bất thường nơi bệnh nhân trong khu vực của mình quản lý và báo ngay cho bác sĩ, nhân viên y tế xử lý", BS Quân chia sẻ.

Theo BS Nguyễn Lan Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức, ngành y tế và các bệnh viện nên xem xét, phát huy tinh thần tình nguyện này của các "cựu F0", đồng thời cũng cần tập huấn, hướng dẫn kỹ về công tác phòng, chống dịch cho họ trước khi tham gia làm nhiệm vụ.

"Từ trải nghiệm trong quá trình là bệnh nhân, họ sẽ biết được những gì mà một bệnh nhân Covid-19 sẽ trải qua, nên họ sẽ là những người tốt nhất, gần gũi bệnh nhân, giúp các bệnh nhân lạc quan, tự tin hơn trong quá trình điều trị bệnh. Những tình nguyện viên như vậy là một sự giúp đỡ hết sức quý báu và thiết thực, không chỉ giúp bệnh nhân mà còn giúp đội ngũ y tế giảm bớt gánh nặng để tập trung tốt hơn vào công tác chuyên môn điều trị bệnh",  BS Lan Anh chia sẻ.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, bệnh nhân nhiễm Covid-19 khỏi bệnh có khả năng miễn dịch từ 6 – 11 tháng. BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, những người đã từng nhiễm SARS-CoV-2 có khả năng tái nhiễm rất thấp, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch hiện nay có rất nhiều công việc phải làm và những người làm công tác này phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, ngành y tế đang rất cần lực lượng hỗ trợ và việc những người nhiễm đã khỏi bệnh tham gia các công đoạn phòng dịch.

Theo BS Khanh, các F0 với "tấm khiên miễn dịch" đều có thể ít nhiều tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, hỗ trợ nhân viên y tế trong bối cảnh thiếu nhân lực như hiện nay.

(Còn nữa)

Bài 3: Khi bác sĩ cũng là... F0

Bạch Dương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN