TTVH Online

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống

Phong Cầm 25/08/2021 05:26 GMT+7

Chàng thanh niên Giàng A Hành người dân tộc Mông trú ở bản Hồ Nhì Pá (xã Lao chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã nối tiếp truyền thống của ông cha, phát triển nghề đan lát với nhiều sản phẩm đặc trưng từ các loại cây sẵn có của gia đình và đã trở thành sản phẩm được nhiều người biết đến.

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống

Kết thúc 3 năm học cao đẳng Dược tại Thái Nguyên, Giàng A Hành trở về quê ở bản Hồ Nhì Pá (xã Lao chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), như bao thanh niên khác, trước mắt anh là những khó khăn về cơm áo gạo tiền, bản thân anh cũng mất phương hướng trong giai đoạn đầu.

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống - Ảnh 2.

A Hành đã không đi làm thuê ở các thành phố lớn như nhiều thanh niên khác mà thay vào đó, Hành đã học lại nghề đan lát với mong muốn tiếp nối và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Mông. Ảnh: Hoàng Hữu.

Nhưng với quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương mình, Hành đã học lại nghề đan lát của đồng bào với mong muốn tiếp nối và phát triển lại nghề truyền thống của dân tộc Mông, đưa các sản phẩm đan lát bằng tre nứa thân thiện với môi trường đến bạn bè và du khách gần xa.

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống - Ảnh 3.

Để hoàn thành các sản phẩm như mẹt, rọ, sọt… A Hành luôn tranh thủ thời gian đi chọn những cây tre, nứa đảm bảo yêu cầu mang về để làm. Ảnh: Hoàng Hữu.

Bản thân A Hành cũng nhận thức rất rõ việc nối nghiệp và phát triển nghề đan lát là một việc khó, nhưng với quyết tâm để phát triển lại nghề, A Hành phải mất nhiều thời gian tham gia học tập từ chính người bố của mình cũng là một thợ đan lát và chế tác thủ công các sản phẩm truyền thống khéo nhất bản, các sản phẩm của A Hành đều có sự dìu dắt của bố.

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống - Ảnh 4.

Tỷ mỷ cắt gọt, chẻ lạt từ những nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Hoàng Hữu.

Tâm sự với PV Dân Việt, Giàng A Hành cho biết, các sản phẩm trước đây làm ra để phục vụ cho việc sử dụng của các gia đình, sau khi nhận thấy tại Mù Cang Chải du lịch đang ngày càng phát triển, du khách đến với đây đông hơn trong đó, nhiều người cũng thích các sản phẩm đan lát nên chuyển hướng dần sang những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán cho du khách thập phương.

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống - Ảnh 5.

Một "Góc làm việc" của Giàng A Hành. Ảnh: Hoàng Hữu.

"Ngoài bán trong tỉnh, hàng của tôi cũng được một số chủ nhà hàng, nhà nghỉ, homestay ở tỉnh bạn như Sơn La, Lào Cai biết đến và đặt hàng mua, các sản phẩm bán cho các nhà hàng, khách sạn thì được giá hơn nhưng cũng đòi hỏi phải đẹp, chất lượng tốt hơn" Giàng A Hành nói thêm.

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống - Ảnh 6.

Giàng A Hành chăm chút cho từng sản phẩm của mình. Ảnh Hoàng Hữu.

Với ý tưởng đưa các sản phẩm đan lát thủ công, thân thiện với môi trường trở thành một sản phẩm du lịch trong tương lai, hiện nay A Hành đang tích cực trau dồi, học tập và sáng tạo ra các sản phẩm truyền thống mang đậm nét của đồng bào dân tộc Mông.

Yên Bái: Chàng dược sỹ người Mông với khao khát giữ nghề truyền thống - Ảnh 7.

Các sản phẩm từ đan lát thủ công của Giàng A Hành vừa được ứng dụng trong đời sống hàng ngày lại vừa dùng để trang trí được nhiều người ưa thích. Ảnh: Hoàng Hữu.

Giàng A Hành đang cố gắng sản xuất ra các sản phẩm mây tre đan phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và đưa các sản phẩm trở thành hàng hóa cho khách hàng cũng như khách du lịch khi đến với "thiên đường của ruộng bậc thang" Mù Cang Chải.

Hoàng Hữu
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN